An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Nơi sẻ chia với những người yếu thế ở Phú Thọ
06:36 AM 21/03/2022
(LĐXH)- Trung tâm Trợ giúp xã hội và Phục hồi chức năng cho người tâm thần tỉnh Phú Thọ hiện đang nuôi dưỡng, chăm sóc gần 200 đối tượng. Đây được coi là noi luôn có sự đồng cảm sâu sắc, sẵn sàng sẻ chia với những người yếu thế của tỉnh Phú Thọ.
Được thành lập từ năm 1969, Trung tâm Trợ giúp xã hội và Phục hồi chức năng cho người tâm thần tỉnh Phú Thọ (đóng trên địa bàn xã Yên Kiện, huyện Đoan Hùng) có chức năng chăm sóc, nuôi dưỡng người già cô đơn, người tàn tật, những người gặp khó khăn không có điều kiện bảo đảm sinh kế, các đối tượng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định; tổ chức chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng tự nguyện tại Trung tâm; tiếp nhận, quản lý, chữa trị, chăm sóc và nuôi dưỡng đối tượng tâm thần, người rối nhiễu tâm lý trên địa bàn tỉnh; tổ chức phục hồi chức năng, lao động sản xuất, chủ trì, phối hợp với các đơn vị tổ chức dạy nghề, giáo dục, hướng nghiệp cho đối tượng...
Trung tâm hiện đang nuôi dưỡng, chăm sóc gần 200 đối tượng. Mỗi đối tượng đều có hoàn cảnh và thể bệnh khác nhau như: người già cô đơn không nơi nương tựa; người tàn tật về vận động, về thính giác, về ngôn ngữ; người mắc bệnh hiểm nghèo; trẻ mồ côi không nguồn nuôi dưỡng... đặc biệt có nhiều đối tượng nằm liệt giường phải phục vụ hoàn toàn. Do đó, việc chăm sóc, khám và điều trị bệnh, phục hồi chức năng cho họ là vô cùng khó khăn, đòi hỏi mỗi cán bộ, nhân viên Trung tâm đều phải có tình yêu thương, thường xuyên quan tâm, thăm hỏi, động viên, ân cần chu đáo không kể ngày hay đêm với từng đối tượng, luôn coi họ như người thân ruột thịt của mình.

Nhân viên Trung tâm Trợ giúp xã hội và Phục hồi chức năng cho người tâm thần tỉnh Phú Thọ cấp thuộc cho các đối tượng

Y sỹ Lê Thị Thi Vĩnh, Phó trưởng Phòng Y tế - Phục hồi chức năng gắn bó hơn 20 năm tại Trung tâm, chia sẻ: Đối với mỗi cán bộ ở đây, việc chăm lo, phục vụ cho người khuyết tật tâm thần, người già, trẻ sơ sinh mà không phải là người thân thích của mình gặp rất nhiều khó khăn, đòi hỏi cán bộ, nhân viên phải có tình yêu thương lớn lao, tâm huyết với nghề. Ở Trung tâm, mỗi người một thể bệnh, có những người phải nằm liệt giường, phải phục vụ hoàn toàn; có những người tâm thần cao tuổi vì bất mãn với con cái mà xé rách quần áo, chửi bới hay có những người khi ở nhà đã từng đánh chửi người thân, giết người, có án tích. Hằng ngày, mỗi cán bộ, nhân viên đều phải đối mặt với nguy cơ đối tượng bỏ trốn vì nhớ nhà hay vì họ cho rằng mình không bị bệnh.
Chứng kiến những thanh niên, những đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi học bị tâm thần phải vào Trung tâm, chị Lê Thị Thi Vĩnh luôn tự nhắc nhở mình phải làm tròn trách nhiệm, cống hiến hết mình bằng cái tâm của người thầy thuốc, của cán bộ làm công tác xã hội để chăm lo, động viên cho những người kém may mắn yên tâm điều trị. Bởi với chị, không gì hạnh phúc bằng tình cảm, sự quý trọng mà người bệnh dành cho mình. Chính điều đó đã sưởi ấm, trở thành động lực khích lệ chị và đồng nghiệp vượt qua khó khăn để tiếp tục cống hiến. 
Được biết, khó khăn là vậy, song hàng ngày, cán bộ, nhân viên Trung tâm Trợ giúp xã hội và Phục hồi chức năng cho người tâm thần tỉnh Phú Thọ đều phải đi đến từng đối tượng để hướng dẫn họ làm vệ sinh cá nhân và phòng ở. Khéo léo nắm bắt tâm tư và giải quyết các vấn đề nảy sinh, kiểm tra sức khỏe từng người, sớm phát hiện những bất thường về bệnh lý, kịp thời đưa ra phác đồ điều trị. Đồng thời lập kế hoạch chăm sóc cho đối tượng ốm, đau nhằm xoa dịu phần nào nỗi đau do bệnh tật gây ra, giúp nâng cao thể trạng, giữ cho sự suy giảm thể chất luôn ở mức thấp nhất, đảm bảo việc chăm sóc được chu đáo đem lại sức khỏe, cuộc sống tốt hơn cho đối tượng.
Một phần việc rất quan trọng trong công tác chuyên môn của cán bộ, nhân viên trong trung tâm đó là phân nhóm đối tượng, hướng dẫn cho họ tập phục hồi chức năng. Hiện nay, Trung tâm đang thực hiện các phương pháp phục hồi chức năng phù hợp với từng đối tượng, như: phục hồi chức năng sinh hoạt, phục hồi chức năng chú ý vận động, phục hồi chức năng tại phòng tập… Qua đó, giúp các đối tượng được rèn luyện sức khỏe, phục hồi lại những kỹ năng đã bị suy giảm để họ tự phục vụ được chính bản thân, tạo cho họ niềm tin và yên tâm điều trị.
Buổi chiều các ngày, Trung tâm tổ chức giờ sinh hoạt cộng đồng như: xem tivi, giao lưu, trò chuyện để mỗi đối tượng được thoải mái bày tỏ, chia sẻ tâm tư, suy nghĩ cá nhân, kịp thời giải tỏa được những mặc cảm, tự ti. Các hoạt động này đã thắp dậy niềm tin và động lực cho từng đối tượng; giúp họ cảm nhận được rằng mặc dù thiếu may mắn trong cuộc đời nhưng được sống tại Trung tâm là hạnh phúc và coi đây là ngôi nhà thứ hai của mình.
Mỗi ngày làm việc bận rộn, vất vả chính là "thước đo" cho tình yêu nghề và tình thương dành cho những phận đời không may mắn, yếu thế trong xã hội của mỗi cán bộ, nhân viên Trung tâm Trợ giúp xã hội và Phục hồi chức năng cho người tâm thần tỉnh Phú Thọ.

Chí Tâm

TAG:
Tin khác
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Cam kết thực hiện bình đẳng giới vì sự phát triển của toàn xã hội
Phú Lộc: Huy động nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
Cù Lao Dung: Giảm nghèo hiệu quả nhờ đưa lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
Thanh Trì: Tập huấn Bình đẳng giới trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội
Hà Nội: Lan toả tinh thần “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”
Yên Bái: Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho thân nhân liệt sĩ
Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát toàn quốc: Cần sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và cộng đồng
Thị xã Phú Thọ sâu tình nặng nghĩa với người có công