An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Nơi nụ cười đong đầy nước mắt
05:33 PM 07/12/2020
(LĐXH)-Có một thế giới xa lạ mà gần gũi. Công dân ở đó không còn biết ái, ố, hỷ, nộ, cứ chợt cười, chợt khóc, hoặc như người thiền. Từng ánh mắt thất thần, không biểu cảm của hơn 200 con người đang “an sinh” ở Trung tâm Điều dưỡng và Phục hồi chức năng Tâm Thần kinh Thái Nguyên gợi tôi liên tưởng về một thế giới khác biệt. Thế giới của những người khổ cực nhất về tinh thần, nhiều người xót thương bảo bệnh “giời hành”. Và ở phía sau những mảnh đời ấy là đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động đang thầm lặng giành giật, níu kéo họ trở về với đời thường, dù chỉ là giây khắc.
Tình người ấm lại
Có những thứ không thể đong, đếm và tiền bạc nhiều đến mấy cũng không thể đổi, mua được, đó là tâm hồn con người… Trong lúc đưa chúng tôi đi thăm các khu nhà điều trị nội trú, anh Nguyễn Đức Hiếu, Giám đốc Trung tâm nói rủ rỉ từng lời như chắt gạn từ gan ruột mình. Vâng! Tôi hiểu, phải là người có tâm, có tầm, không chỉ biết đặt mình vào hoàn cảnh trớ trêu, mà dám đặt cả trái tim mình vào từng hoàn cảnh của những công dân đang chấp nhận phó mặc cuộc đời vào 4 bức tường rào bao kín. Để từ đó anh hiểu thấu được tâm trạng của từng cảnh đời bị cả người thân trong gia đình không muốn gần gũi.
Hơn 200 con người là từng ấy thân phận, từng ấy cảnh đời trái ngang luôn cần sự bao dung, chia sẻ, giúp đỡ của mọi người trong cộng đồng xã hội. Ông Hoàng Nhật, người gắn bó với viên thuốc an thần của Trung tâm 30 năm nay kể: Ngày mới cắt khẩu vào làm công dân của Trung tâm, cả một vùng này toàn đồi sim, mua, lau, guột. Nhiều người trong chúng tôi giống như những con thú hoang, nhất là lúc lên cơn thì cán bộ, bác sĩ hoặc bất cứ ai đứng gần đều bị choảng. Có mặt ở đó, ông Nguyễn Văn Tuyền chen lời: Năm nay tôi chưa đầy 60 tuổi, nhưng tôi đã có gần 40 năm sống lăn lóc vì bị bệnh “giời hành”. Năm 1993 tôi được chuyển về Trung tâm này. Chừng bấy đến nay, tôi chứng kiến mọi diễn biến, mọi đổi thay liên quan đến chính cuộc sống của những người như tôi. Mừng nhất là từ 3 năm gần đây, chúng tôi được điều trị theo phác đồ mới; được ở sạch sẽ hơn và ngày có 3 bữa ăn ngon miệng, no bụng.
Ông Nhật, ông Tuyền và nhiều bệnh nhân trò chuyện với chúng tôi hồn nhiên, vô tư. Nếu như ở một chỗ khác, sẽ không ai biết họ là những người bị mắc bệnh “giời hành”. Đó là phút giây tỉnh táo, họ cũng như bao người bình thường của đời thực. Anh Phan Như Tuấn, cùng ở khu điều trị bệnh nhân nam kể: Lúc lên cơn, trong đầu mình như có người hối thúc, xui khiến phải làm cái việc tày đình ấy như một sự giải thoát. Và tôi đã chém chết chính người mẹ của mình khi bà đang dỗ dành tôi bằng những lời ngọt ngào của mẫu tử… Từ góc trong của phòng ở, anh Ma Văn Bảy nói vọng ra: Tôi đập chết mẹ mình bằng một cái vồ vì tưởng bà có ý định giết mình. Khi đó tôi đang là sinh viên năm hai Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Lúc tỉnh lại, tôi ân hận, càng nghĩ thì bệnh lại càng thêm trầm trọng.
Khi đứa con nổi loạn, tay cầm hung khí, chỉ có những người mẹ đủ can đảm lao vào ôm con. Và không ít người mẹ bị con đánh nhừ tử, thậm chí chấp nhận để chính con “hạ độc thủ” với mình, hơn việc phó mặc con chém chết một người khác ngoài đời. Lòng mẹ bao dung, rộng lượng không gì đong, đếm được. Bà Đỗ Thị Hoa vào thăm con còn mang nguyên vết sẹo dài trên đầu. Bà chia sẻ: Tôi cũng như bất cứ người mẹ nào trên thế giới này, đều mong muốn không bao giờ phải xa con. Nhưng nếu cứ để ở ngoài, lỡ đâu con gây thêm oan nghiệt. Gần 20 năm nay, tháng nào tôi cũng vào đây thăm con từ 3 đến 5 lần. Với nghĩ suy cho con có một điểm tựa tinh thần, con không bị đơn độc trên hành trình tìm lại chính mình. Nhiều lúc tôi muốn gào lên kêu với ông giời vì con đang bị kích động mạnh. Rồi như hôm nay, cháu cứ cầm bàn tay mẹ, thủ thỉ như đứa trẻ: Mẹ ơi, nhiều lúc con muốn về nhà. Nhưng lại sợ… Mẹ cứ yên tâm để con ở lại. Trong này đã có cán bộ Hiếu và các anh chị thay mẹ lo cho con áo ấm lúc đông về, cơm ăn lúc đói, viên thuốc khi đau ốm.
Xúc động, bà Hoa quay sang tôi với nụ cười đầy nước mắt, bảo: Không biết kiếp trước cháu mặc nợ gì mà căn kiếp này nặng thế… Tôi cũng bảo: Nếu không phải trả nợ ông giời, chắc ở ngoài đời con trai chị đã là một kỹ sư sáng giá, một người con ngoan, có hiếu với cha mẹ… Để không làm phiền đến cuộc gặp của mẹ con chị Hoa, tôi bước ra ngoài khoảng trời rợp tán lá. Hà hít không khí trong lành và nhận ra các khoảng sân trước mỗi khu nhà ở của bệnh nhân đều được làm giàn cho mướp, bí, leo lấy quả. Chị Vũ Thị Kim Phương, khoa dinh dưỡng cho biết: Năm rồi, Trung tâm thu được chừng 5 tấn bí, mướp, rau xanh các loại. Toàn bộ được cung cấp cho nhà bếp để cải thiện bữa ăn của bệnh nhân… Vào nhà bếp, chứng kiến không khí chuẩn bị bữa ăn cho bệnh nhân bận rộn, chúng tôi mới vỡ ra, việc nấu ăn cũng nhiều công phu. Nào cơm, nào cháo, ngày 3 bữa không lặp lại món. Tôi nhìn tấm bảng treo trên tường nhà bếp, trên đó ghi rõ về món ăn, khẩu phần ăn cho từng người. Với người mắc các bệnh như tiểu đường, nhiễm mỡ máu, áp huyết cao đều có chế độ ăn phù hợp.
Đến khu nhà ở của bệnh nhân nữ, tôi nghe thấy tiếng hát trong trẻo từ đâu đó cất lên, vang xa. Rồi gặp ngay bên hiên nhà một nhóm phụ nữ đang chuyện gẫu chẳng đầu, chẳng cuối. Lại thấy trước sân một người đàn bà mang vẻ mặt hoang dại, hướng đôi mắt nhìn vào khoảng không vô định, mơ hồ. Nhưng tuyệt nhiên tại các khu nhà ở dành cho bệnh nhân nam và khu bệnh nhân nữ, tôi không nghe thấy tiếng xích chân loảng xoảng, tiếng la hét rợn người vì tinh thần bị kích động. Anh Nguyễn Việt Cường, Trưởng Khoa điều trị đối tượng nặng cho biết: Chỉ có những bệnh nhân bị ốm mới ở phòng điều trị, dưỡng sức. Còn lại đều tham gia các hoạt động thể thao, lao động trị liệu hoặc cùng cán bộ Trung tâm quét dọn vệ sinh môi trường; giặt giũ; nấu ăn. Tham gia lao động, mọi người được trò chuyện, chia sẻ và chúng tôi lắng nghe bệnh nhân nói.
Rất hồn nhiên, các bệnh nhân ở các lứa tuổi đều khoe: Chúng tôi được ăn no, ăn ngon và ở sạch sẽ. Ông Nguyễn Hữu Thanh, Trưởng phòng Tổ chức cho biết: Để phòng ở của bệnh nhân không có mùi hôi đặc trưng, Ban Giám đốc và các khoa, phòng chuyên môn bàn luận rất nhiều, sau cùng cũng tìm được giải pháp là tăng cường công tác vệ sinh buồng phòng, hướng dẫn cho bệnh nhân đại, tiểu tiện đúng chỗ; thường xuyên tắm gội, thay giặt. Hơn thế, từ năm 2019 Trung tâm đã lắp đặt được hệ thống tắm nóng lạnh, hệ thống máy giặt phục vụ người bệnh. Và đi đôi với tăng gia trồng rau xanh, Trung tâm nhận việc với một số công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làm các công việc nhẹ nhàng, phù hợp để tổ chức cho người bệnh tham gia lao động liệu pháp phục hồi chức năng. Toàn bộ số tiền công được Trung tâm bồi dưỡng lại cho bệnh nhân thông qua nâng cao chất lượng khẩu phần ăn mỗi ngày.
Các thân nhân người bệnh vào thăm gặp, khi được hỏi đều trả lời: Từ 3 năm gần đây, gia đình vào Trung tâm thăm thân nhân chứ không phải vào thăm nuôi như ngày trước. Người nhà tôi lúc tỉnh táo đã dặn: Không phải mang đồ ăn vào nữa, ở đây được ăn no, ăn ngon, hôm bị ốm còn được cán bộ bón cháo, cho uống thêm sữa. Ông Nguyễn Đình Toàn kể: Ban đầu tôi không tin đó là sự thực, nên nấn ná ở lại Trung tâm một ngày, thấy bữa trưa con ăn cơm có thịt bò, bữa chiều có cá thu… Trở lại câu chuyện với anh Hiếu, anh tự hào: Chúng tôi đang làm việc công tâm, bởi chúng tôi phấn đấu mang lại cho những người mắc bệnh tinh thần một nụ cười trọn vẹn, một nụ cười thật sự của một con người. Cũng bởi lẽ đó chúng tôi là đơn vị bảo trợ xã hội đầu tiên ở các tỉnh miền Bắc thực hiện việc đấu thầu thuốc chữa bệnh, vật tư y tế và cung cấp lương thực, thực phẩm. Việc đấu thầu công khai đã mời gọi được nhà cung cấp uy tín, chất lượng, đồng thời tránh được các hiện tượng tiêu cực phát sinh từ ngay trong nội bộ.
Bệnh nhân tích cực tham gia lao động, liệu pháp phục hồi chức năng.
Giây lát dừng lời vẻ suy tư, chợt anh quay sang hỏi tôi: Nhà báo có thấy bệnh nhân của Trung tâm ai nấy khỏe mạnh, da dẻ tươi tắn, lại yêu đời nữa? Tôi lóng ngóng vì chưa tìm được câu trả lời chính xác, thì anh “à” lên thành tiếng, bảo: Rất đơn giản là ngoài coi trọng chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân; đảm bảo nơi ăn, ở sạch sẽ còn cần có liệu pháp điều trị phù hợp. Trước đây Trung tâm cho bệnh nhân uống thuốc và… đi ngủ từ 16 giờ 30 phút cho đến hôm sau. Từ 3 năm gần đây, Trung tâm cho bệnh nhân uống thuốc vào lúc 19 giờ, công việc bận hơn đối với các hộ lý, nhưng bù lại là bệnh nhân được ngủ sâu giấc, sớm dậy phấn chấn tham gia các hoạt động như tập thể dục; vệ sinh chung nơi ở, cùng đến nhà bếp ăn sáng và tham gia lao động liệu pháp. Ở Trung tâm, một ngày mới tràn đầy hy vọng cho bao con người được bắt đầu như thế.
Nỗi niềm còn đọng lại
Ghi nhận từ 3 năm gần đây, Giám đốc Nguyễn Đức Hiếu đã cùng các cộng sự của mình làm thay đổi bộ mặt Trung tâm. Điều dễ nhận thấy là cả một khu đồi đầy sim, mua, lau lác và hố trũng nước năm nào nay được san phẳng. Thay vào đó là một số công trình xây dựng mới, gồm nhà ăn tập trung cho bệnh nhân; nhà điều trị khoa Người có công; đường điện nội bộ; khu nhà làm việc văn phòng được sửa chữa nâng cấp. Hiện Trung tâm đã và đang tiếp tục thực hiện dự án xây dựng và nâng cấp Trung tâm từ 150 giường bệnh lên 300 giường bệnh. Ngoài nguồn kinh phí Nhà nước đầu tư, cá nhân ông Hiếu còn vận động doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ cho Trung tâm một số trang thiết bị, vật tư xây dựng, tạo việc làm có thu nhập tại chỗ để nâng cao mức sống cho bệnh nhân.
Bệnh nhân tăng gia trồng rau xanh cải thiện bữa ăn.
Cùng với đó là việc Trung tâm thực hiện tinh gọn bộ máy, biên chế, sắp xếp lại tổ chức từ 12 khoa, phòng xuống còn 8 khoa, phòng. Theo đó, số lao động giảm từ 105 người xuống còn 70 người. Nhưng mọi hoạt động của Trung bảo đảm vận hành hiệu quả, chất lượng. Nhớ lúc theo anh Hiếu đi tham quan các khu nhà ở, khu lao động liệu pháp; vườn cây ăn quả; vườn rau xanh có đóng góp sức lao động của những người không bình thường, anh băn khoăn: Đặc thù của Trung tâm là trực tiếp tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị và phục hồi chức năng cho người bệnh tâm thần mãn tính kèm theo nhiều bệnh nền khác, như đái tháo đường, huyết áp, tim mạch. Nhất là với 35 trường hợp từ trên 60 tuổi luôn đau ốm, nhiều khi không tự phục vụ được bản thân. Rồi vì bệnh chuyển nặng phải đưa viện tuyến trên điều trị, cán bộ Trung tâm phải cắt cử nhau đi chăm nuôi, vì lo bệnh nhân quậy phá, hoặc bỏ trốn. Do số lượng cán bộ, viên chức, người lao động trong biên chế quá mỏng, nên nhiều thời điểm cả Trung tâm phải gồng mình cùng khắc phục để hoàn thành nhiệm vụ.
Dù không ai phàn nàn, bỏ vị trí làm việc, nhưng chúng tôi biết các anh, chị trong đội hình chăm sóc “người giời” luôn phải đối diện với thiếu thốn về trang thiết bị phục hồi chức năng cho người bệnh, trang thiết bị y tế phục vụ người bệnh. Lại nữa là các khu nhà ở cho người bệnh xây dựng phân tán, dẫn đến công tác quản lý khó khăn. Cao điểm là vào các dịp lễ, tết và kỳ nghỉ cuối tuần, số lượng cán bộ tham gia trực việc ít, nhiều “người giời” bên khu nam sang khu nữ và ngược lại. Đành rằng “có nam, có nữ mới nên xuân”, nhưng “mùa xuân” ở thế giới đặc biệt này,… không ai muốn có “quả chín”. Vì lẽ đó cán bộ trực việc phải căng sức lo toan, không để xảy ra tình trạng lộn xộn. Rồi một số nhà ở dành cho “người giời”, chủ yếu tại khu nữ được xây dựng từ năm 1990, đã xuống cấp và hệ thống xử lý nước thải của Trung tâm chưa được đầu tư xây dựng, toàn bộ được trả thải tự nhiên, gây ô nhiễm môi trường.
Khó khăn còn nhiều quá. Tôi chỉ biết nói như thế với anh Hiếu lúc chia tay. Và anh nắm bàn tay tôi rất chặt, nghẹn giọng: Mục tiêu phấn đấu của chúng tôi là mang lại hạnh phúc cho những thân phận người không may mắn. Nhưng để đạt kết quả cao, chúng tôi mong nhận được sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa của Nhà nước, doanh nhân, nhà hảo tâm cũng như các tấm lòng thiện nguyện, chia sẻ khó khăn, giúp Trung tâm tạo dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục hồi chức năng. Tạo cho bệnh nhân sự yên tâm, hợp tác tích cực trong điều trị bệnh lý.
Tôi cũng nắm chặt bàn tay anh, tâm đắc: Vâng! Chỉ có những người biết đặt trái tim mình vào nỗi đau vô hình của “người giời”, mới có thể giúp được những thân phận đau đớn nhất về tinh thần khắc giây tỉnh táo, có nụ cười trọn vẹn như bao người – cho dù nụ cười ấy phải đánh đổi bằng nhiều nước mắt./.

Phạm Ngọc Chuẩn
TAG:
Tin khác
Quét mã QR trên Cổng Thông tin điện tử nhân đạo quốc gia để ủng hộ người khuyết tật, trẻ mồ côi
Nam Định: Đổi mới công tác bảo hiểm xã hội, góp phần bảo vệ quyền lợi của người lao động
Kết quả thực hiện công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán ở Long An
Hiệu quả mô hình “Tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng” ở Đồng Nai
Herbalife Việt Nam đồng hành cùng Báo Tuổi Trẻ tổ chức Cuộc Thi Lan Tỏa Năng Lượng Tích Cực lần thứ năm liên tiếp
Chương trình Đi bộ từ thiện Đinh Thiện Lý: 20 năm những bước chân chia sẻ
TP.HCM: Người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH được nhận gộp lương 2 tháng trước Tết
Quảng Ngãi nâng cao năng lực cho tình nguyện viên phòng, chống mua bán người
'Tháp Eiffel bốc cháy': Cách phân biệt tin giả thời AI