Dân tộc-Tôn giáo
Trang chủ / Xã hội / Dân tộc-Tôn giáo
Nơi gắn kết, chia sẻ của những gia đình có trẻ tự kỷ ở TP Hạ Long
09:16 AM 30/11/2017

(LĐXH)- Câu lạc bộ Gia đình trẻ tự kỷ được Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh thành lập ngày 2/4/2015 tại TP Hạ Long, đã trở thành mái nhà chung, gắn kết, chia sẻ giữa các gia đình có trẻ tự kỷ.
Ban đầu, CLB có 30 thành viên là các cá nhân đại diện gia đình có trẻ tự kỷ và cũng những người yêu thích hoạt động công tác xã hội. Mục tiêu hoạt động là duy trì và từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của Câu lạc bộ gia đình trẻ tự kỷ và là thành viên của tổ chức Mạng lưới người tự kỷ Việt Nam (VAN); nâng cao kiến thức, kỹ năng của các thành viên trong Câu lạc bộ, đồng thời phát huy vai trò của các thành viên trong việc nâng cao hiệu quả can thiệp, trị liệu cho trẻ em bị tự kỷ, trẻ bị rối nhiễu tâm trí tại gia đình và cộng đồng.
Cha mẹ cần sát cánh bên con trong việc điều trị chứng tự kỷ
CLB đảm bảo tất cả các gia đình có trẻ em tự kỷ có nhu cầu đều được tiếp nhận, tư vấn và trợ giúp để giải quyết vấn đề khó khăn; từng bước chuyên nghiệp hóa các hoạt động tư vấn, trợ giúp cho gia đình trẻ tự kỷ; đồng thời tăng cường công tác phối hợp với các đơn vị liên quan trong quá trình can thiệp, hỗ trợ cho gia đình trẻ tự kỷ.
Không chỉ là sự hỗ trợ của các chuyên gia, tham gia CLB, thành viên các gia đình trẻ tự kỷ còn được trao đổi với nhau những thông tin hữu ích, kinh nghiệm trong cách điều trị chứng tự kỷ của con. Hay đơn giản là tìm được sự cảm thông, chia sẻ những vướng mắc, khó khăn của gia đình có trẻ tự kỷ. Qua đó, giúp các bậc phụ huynh ổn định tâm lý, thêm quyết tâm kiên trì chăm sóc, giáo dục trẻ. Đến nay CLB đã trở thành cầu nối chung của của hàng chục gia đình có trẻ tự kỷ trên địa bàn TP Hạ Long.
CLB thường xuyên được sự hỗ trợ tích cực về chuyên môn của TS tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý - Văn phòng tham vấn và trị liệu tâm lý trẻ em trực thuộc Hội tâm lý học Việt Nam, sự cộng tác hỗ trợ của các chuyên viên, nhân viên Mô hình tâm lý trị liệu trẻ rối nhiễu tâm trí của Trung tâm Công tác xã hội và một số các thành viên của Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh, chủ các cơ sở tư nhân có hoạt động trị liệu trẻ tự kỷ, rối nhiễu tâm trí và các nhà chuyên môn thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục trên địa bàn TP Hạ Long. Trung tâm thông qua các kênh thông tin giới thiệu tới người dân về CLB để người dân biết và giúp các bậc phụ huynh có con em gặp phải các vấn đề về tự kỷ, rối nhiễu tâm trí và các đối tượng có nhu cầu biết đến và tham gia.
Đến nay, Trung tâm đã kết nối với chuyên gia hỗ trợ chuyên môn để tổ chức 10 cuộc tập huấn và 15 cuộc tọa đàm cho hội viên về các nội dung như: Cha mẹ với cuộc sống của trẻ tự kỷ; Kỹ năng chăm sóc trẻ tự kỷ, trẻ chậm phát triển; Kỹ năng hỗ trợ trẻ chậm phát triển về ngôn ngữ; Phụ huynh và cách dạy trẻ những kỹ năng giao tiếp trong xã hội... Bên cạnh đó, được sự hướng dẫn của các chuyên viên, nhân viên trị liệu rối nhiễu tâm trí, tự kỷ của Trung tâm Công tác xã hội hỗ trợ về cách nhận biết, phát hiện trẻ có biểu hiện rối nhiễu tâm trí, tự kỷ giúp các thành viên, cộng đồng làm tốt công tác phát hiện sớm và can thiệp sớm.
Ban chủ nhiệm CLB luôn duy trì tổ chức giao ban định kỳ hàng tháng với các buổi sinh hoạt chuyên môn về: Can thiệp sớm và các biện pháp can thiệp tại nhà; can thiệp trẻ chậm phát triển ngôn ngữ và cách khắc phục; hỗ trợ trẻ kích hoạt các giác quan; dạy trẻ tự kỷ các kỹ năng tự phục vụ và vận động; làm thế nào dạy trẻ tự kỷ phát triển chức năng vận động tinh... Các buổi sinh hoạt định kỳ đó đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao tinh thần, trách nhiệm của các phụ huynh để hỗ trợ trẻ được tại nhà và trang bị thêm các kiến thức, kỹ năng cho các thành viên để trị liệu trẻ được hiệu quả hơn.
Thời gian tới, CLB Gia đình trẻ tự kỷ TP Hạ Long sẽ tiếp tục duy trì các hoạt động thường kỳ; phối hợp với chuyên gia để hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật cho các thành viên trong CLB. Xây dựng mạng xã hội Facebook, email và các kênh thông tin khác để các thành viên trong CLB được thường xuyên trao đổi, tiếp cận thông tin một cách phù hợp và thuận tiện. Đồng thời, có các biện pháp phù hợp để hỗ trợ các phụ huynh ở xa có thể được tiếp cận dịch vụ sàng lọc, đánh giá và trị liệu cho con em mình một cách phù hợp nhất.
CLB cũng sẽ tiếp tục duy trì tư vấn hỗ trợ các gia đình cải thiện môi trường sống sao cho phù hợp với trẻ, phù hợp với vấn đề của trẻ; tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật của mạng lưới trẻ tự kỷ Việt Nam (VAN) để hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo cho các thành viên trong CLB.
Theo Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh, đến nay, toàn tỉnh chưa thống kê được số lượng cụ thể trẻ mắc chứng tự kỷ, nhưng theo nghiên cứu điều tra tại các hộ gia đình có trẻ ở độ tuổi 2-16 trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ trẻ rối nhiễm tâm trí dạng tự kỷ chiếm 4,8%. Tự kỷ là chứng bệnh của trẻ em thời hiện đại, chưa tìm ra nguyên nhân, cũng chưa tìm ra thuốc điều trị mà chủ yếu dựa vào những phương pháp giáo dục, tâm lý trị liệu đặc biệt. Do đó, những mô hình như CLB gia đình trẻ tự kỷ như ở TP Hạ Long cần được nhân rộng, bởi đây là một trong những mô hình hiệu quả nhất trong điều trị cho trẻ bị tự kỷ./.
Hồng Minh
TAG:
Tin khác
Đắk Nông: Phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2024
Chi nhánh NHCSXH Hà Nội chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ đồng bào khó khăn sau bão
Khánh thành và bàn giao công trình xây dựng nhà nội trú cho ngôi trường tại huyện vùng cao Bắc Mê
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương về đánh giá 30 năm thực hiện Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh
Hành trình gieo mầm tri thức của cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương
Ninh Thuận phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
Kon Tum: Tích cực tiếp sức cho người khuyết tật
Kon Tum: Thực hiện tốt chính sách trợ giúp người khuyết tật
Nữ doanh nhân Phượng Hồng Kông: Hỗ trợ người nghèo bằng trái tim nhân ái