Nơi đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao trong môi trường xanh - sạch – đẹp ở Thủ đô
(LĐXH) Với bề dày truyền thống gần nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội được biết đến là một trong những cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô và đất nước. Do đặc thù của ngành nghề đào tạo, nhà trường rất coi trọng việc xây dựng xây dựng trường lớp khang trang, môi trường xanh – sạch - đẹp, cảnh quan sư phạm gần gũi, thân thiện với môi trường.
Cơ sở đào tạo nhân lực ngành Du lịch có uy tín
Được thành lập từ năm 1972, Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội có tiền thân là trường Công nhân Khách sạn -Du lịch. Trải qua chặng đường gần nửa thế kỷ, cùng với sự phát triển của đất nước và ngành Du lịch, Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội đã có những bước trưởng thành vượt bậc, góp phần tích cực trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về du lịch cho Thủ đô và cả nước. Chất lượng đào tạo từng bước được nâng cao, gắn với yêu cầu của doanh nghiệp và nhu cầu xã hội.
Trường từng bước phát triển qui mô, mở rộng ngành nghề, đa dạng hoá phương thức, loại hình đào tạo với tổng lưu lượng khoảng 6.000 học sinh, sinh viên hàng năm. Hiện nay, trường đang triển khai tuyển sinh đào tạo hệ Cao đẳng cho các chuyên ngành: Quản trị Khách sạn; Quản trị kinh doanh Nhà hàng và Dịch vụ ăn uống; Quản trị dịch vụ du lịch và Lữ hành; Hướng dẫn Du lịch; Kỹ thuật chế biến món ăn; Kế toán Du lịch, Tiếng Anh chuyên ngành Quản trị lữ hành – hướng dẫn, Tiếng Anh chuyên ngành Quản trị khách sạn, nhà hàng. Bên cạnh đó, trường cũng tổ chức đào tạo hệ trung cấp nghề và sơ cấp các nghề: Nghiệp vụ Lễ tân, Nghiệp vụ Nhà hàng, khách sạn, Kỹ thuật Chế biến món ăn, Hướng dẫn Du lịch…Ngoài ra, Trường còn tuyển sinh các lớp theo nhu cầu của xã hội với nhiều loại hình và cấp độ, đào tạo tại trường và các địa phương khác với số lượng khoảng 200 học viên/năm.
Hiện trường có khoảng 160 giảng viên, giảng viên kiêm nhiệm, trong đó hơn 81% có trình độ sau đại học. Đa phần các giảng viên được đào tạo chuyên môn và bồi dưỡng tay nghề ở nước ngoài, phát huy tốt năng lực trong công tác giảng dạy, đảm nhiệm các vị trí công tác quan trọng. Nhiều giảng viên của trường từng là chuyên gia huấn luyện tay nghề cấp quốc gia giúp sinh viên Việt Nam đem về nhiều thành tích trong các cuộc thi tay nghề Quốc gia, Asean và thế giới về lĩnh vực Du lịch.
Nhà trường luôn chú trọng đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy và công tác quản lý đào tạo, khuyến khích giáo viên tích cực áp dụng phương pháp giảng dạy mới. Việc sử dụng phương tiện dạy học hiện đại đã phát huy tối đa năng lực học tập của học sinh, sinh viên, đồng thời giúp các em tiếp thu kiến thức một cách chủ động, rèn luyện kỹ năng và tăng cường trải nghiệm, hình thành ý thức nghề nghiệp. Trong đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào đổi mới phương pháp dạy và học được đề cao.
Trường Cao đẳng Nghề Du lịch Hà Nội từng bước phát triển qui mô, mở rộng ngành nghề,
đa dạng hoá phương thức, loại hình đào tạo với tổng lưu lượng
khoảng 6.000 học sinh, sinh viên hàng năm
Với phương châm học đi đôi với hành, lý thuyết gắn liền với thực tiễn, thực tập để có trải nghiệm quí báu của người học, Nhà trường định kỳ triển khai công tác thực tập của 2000 lượt sinh viên tại các khách sạn cao cấp, nhà hàng và các doanh nghiệp du lịch. Những hoạt động này giúp cho thầy trò tiếp cận thực tiễn, rèn luyện sự chuyên nghiệp khi phục vụ trong ngành du lịch.
Trường cũng thường tổ chức các buổi gặp gỡ với các doanh nghiệp, khách sạn… để tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng lao động của họ và tổ chức các hội nghị gặp gỡ, mời các chuyên gia chế biến, các đầu bếp nổi tiếng, quản lý khách sạn, quản lý nhà hàng, hướng dẫn viên du lịch quốc tế… đến trường để trao đổi kinh nghiệm thực tiễn, góp ý cho nhà trường về chương trình đào tạo. Với cách làm trên, tỉ lệ có việc làm sau khi ra trường của học sinh, sinh viên Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội lên tới trên 90%. Hàng vạn lao động, hàng trăm nhà quản lý được đào tạo từ mái trường này đã và đang phát huy rất tốt trong các cơ quan quản lý về du lịch, các khách sạn, nhà hàng, doanh nghiệp du lịch.
Năm học 2020 – 2021 diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid 19 rất phức tạp, làm ảnh hưởng đến tất cả ngành nghề, song tập thể cán bộ giảng viên nhân viên đã chủ động sáng tạo vượt qua khó khăn thử thách để hoàn thành tốt nhiệm vụ, đảm bảo mục tiêu kép: vừa an toàn phòng chống dịch, vừa thực hiện tốt kế hoạch đào tạo đã đề ra. Thay đổi trong phương pháp, linh hoạt trong từng giờ giảng trực tuyến của giáo viên, các em sinh viên vừa đảm bảo nội dung kiến thức, vừa tiến bộ trong sử dụng công nghệ, luôn tích cực trong mỗi giờ học.
Trong năm học 2021 – 2022 sắp tới, Trường coi việc sử dụng tốt công nghệ thông tin như là một giải pháp quan trọng cho sự phát triển với phương châm “Không gian ảo – Hiệu quả thật”.
Chú trọng xây dựng cảnh quan, môi trường khang trang, sạch đẹp
Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội có 3 khu nằm riêng biệt tại quận Cầu Giấy và quận Tây Hồ, Hà Nội. Trụ sở chính của Trường toạ lạc ở đường Hoàng Quốc Việt, khu ký túc xá trên đường Lạc Long Quân, khách sạn Hoàng Long nằm ở đường Phạm Văn Đồng.
Do nằm ở những khu vực có tốc độ phát triển nhanh chóng ở Thủ đô nên các cơ sở đào tạo, ký túc xá của Trường có diện tích khiêm tốn và không tránh khỏi bị ảnh hưởng bởi khói bụi, tiếng ồn. Ý thức được là cơ sở đào tạo nhân lực ngành Du lịch, khách sạn – một ngành dịch vụ đòi hỏi môi trường sạch sẽ, gọn gàng, thẩm mỹ, lãnh đạo nhà trường đã rất coi trọng và đã có nhiều cố gắng trong việc huy động nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành tiếp cận ở mức cao nhất có thể với tiêu chuẩn đào tạo, xây dựng trường lớp khang trang, tạo dựng cảnh quan, môi trường xanh – sạch – đẹp, thân thiện, gần gũi với thiên nhiên.
Trường đã quy hoạch, sắp xếp lại khuôn viên hài hòa, đẹp mắt, đảm bảo tính thẩm mỹ và khoa học; đầu tư kinh phí để chỉnh trang, cải tạo, sửa chữa sân trường, lớp học, khu vực hành lang, nhà vệ sinh, nhà làm việc của giáo viên, hệ thống thoát nước…; trồng cây xanh bóng mát, xây dựng tiểu cảnh, vườn hoa, cây cảnh, thảm cỏ để “xanh hóa” và làm đẹp trường học.
Toàn bộ khuôn viên của nhà trường, các khối công trình phục vụ dạy học, làm việc, sinh hoạt của cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh đảm bảo luôn sạch sẽ, thông thoáng. Trong các phòng học, phòng chức năng, các thiết bị được lắp đặt, bố trí khoa học, gọn gàng, thẩm mỹ. Tranh ảnh, pa nô, khẩu hiệu được treo ở các vị trí phù hợp đảm bảo tính thẩm mỹ và an toàn. Rác thải được bỏ trong thùng có nắp đậy, đặt tại các vị trí hợp lý, thuận tiện, đảm bảo mỹ quan, có khu tập kết rác để đưa đi xử lý hàng ngày.
Cùng với đó, Trường còn tích cực tuyên truyền, phát huy vai trò và trách nhiệm của toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, sinh viên của Trường trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, hướng mỗi cá nhân đến những hành động thiết thực như chú ý giữ gìn vệ sinh trường lớp, phân loại rác thải, trồng và chăm sóc cây xanh, tiết kiệm nguồn điện nước. Hàng tuần, hàng tháng phát động các phong trào tham gia bảo vệ môi trường như quét dọn, vệ sinh trường lớp, thu gom rác thải, trồng và chăm sóc, cắt tỉa cây, hoa, thảm cỏ…trong cán bộ, giáo viên và học sinh, sinh viên.
Theo Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội Trịnh Cao Khải, trước những thay đổi nhu cầu của xã hội, Trường đã có những chuyển đổi để định vị lại hoạt động đào tạo và hội nhập quốc tế, hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của nhà trường. Đáng chú ý, Trường đang chuẩn bị thực hiện chương trình đào tạo nghề trọng điểm quốc gia, trong đó có 5 nghề đào tạo nghề trọng điểm quốc tế, 1 nghề đạt chuẩn Asean và 4 nghề đạt chuẩn quốc gia.
Tuy là một trong những cơ sở đào tạo nghề du lịch có uy tín của Hà Nội và cả nước nhưng Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội có thiệt thòi là cơ sở vật chất của trường đã quá cũ, diện tích nhỏ dẫn đến thiếu phòng học, nhất là phòng thực hành cho học sinh, sinh viên chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của đào tạo nghề du lịch; nguồn kinh phí hàng năm hạn hẹp, ngân sách cấp không đủ đảm bảo quỹ lương cho hơn 300 cán bộ, giảng viên, người lao động của Trường. Đây cũng là trường cao đẳng nghề duy nhất trước đây trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo nên việc tiếp nhận hỗ trợ của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) và Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch còn khiêm tốn. Chính vì vậy, Trường rất mong nhận được sự quan tâm, đầu tư của thành phố Hà Nội và các Bộ, ngành để Trường thực hiện tốt nhiệm vụ công tác, tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, giữ vững “thương hiệu” là một trong những cơ sở đào tạo nhân lực ngành Du lịch hàng đầu của cả nước./.
Thảo Lan
TAG: