Trẻ em
Trang chủ / Xã hội / Trẻ em
Nơi chắp cánh ước mơ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở Quảng Ninh
11:30 AM 08/12/2021
(LĐXH) - Nhiều năm qua, Cơ sở Bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt Quảng Ninh (Sở Lao động – TB&XH) đã trở thành “mái nhà chung” của trẻ em mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Bằng tình yêu thương, sự sẻ chia và trách nhiệm, những người làm công tác xã hội nơi đây đã tận tình chăm lo, bù đắp phần nào những thiệt thòi và giúp các em nuôi ước mơ về ngày mai tươi sáng.
Tận tâm chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt
Ông Nguyễn Văn Hiền – Phó Giám đốc Cơ sở Bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt Quảng Ninh cho biết: Với chức năng tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng trẻ em thuộc diện đặc biệt khó khăn, không tự lo được cuộc sống và không có điều kiện sinh sống tại gia đình, cộng đồng, đối tượng trẻ em cần sự can thiệp hỗ trợ khẩn cấp (trẻ em bị buôn bán qua biên giới) và đối tượng tự nguyện, đơn vị thường xuyên chăm sóc, nuôi dưỡng hơn 100 em nhỏ là trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật (khuyết tật nặng, khiếm thị, khiếm thính…), trẻ bị buôn bán qua biên giới ở các lứa tuổi. Đối với các cháu mồ côi, không nơi nương tựa, đơn vị tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng và tìm các gia đình mong muốn nhận nuôi trẻ để trẻ được sống và phát triển trong môi trường gia đình. Những trẻ bị buôn bán qua biên giới sẽ được hỗ trợ tạm thời trong thời gian cơ quan chức năng tiến hành tố tụng và tìm lại gia đình cho trẻ, trường hợp không liên lạc được với người thân, các cháu sẽ được nuôi dưỡng tại Cơ sở. Các trường hợp khuyết tật nặng được chăm sóc, nuôi dưỡng theo chế độ đặc biệt… Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng tập thể cán bộ, nhân viên của Cơ sở luôn dành hết tình yêu thương, coi các em như con em trong gia đình để bù đắp những thiệt thòi mà các em phải gánh chịu, nuôi nấng, dạy bảo các em thành người có ích cho xã hội.
Tại đây, những trẻ phát triển bình thường, hàng ngày các em được đến trường học với bạn bè cùng trang lứa. Cơ sở luôn phối hợp chặt chẽ với nhà trường để theo dõi tình hình học tập của các con; nhất là chú ý đến số trẻ cá biệt, học yếu, số trẻ mới tiếp nhận để có những biện pháp giáo dục kịp thời. Bên cạnh đó, phân công cán bộ, nhân viên đưa đón các trẻ học mẫu giáo, học tiểu học đi học, đảm bảo an toàn cho các em; cử cán bộ kèm học cho trẻ theo từng khối lớp để nhắc nhở, đôn đốc việc học của các con... Đối với các trẻ khiếm thính, từ năm 2007 đến nay Cơ sở đã tuyển sinh và giáo dục, dạy văn hóa cho 7 khóa với gần 150 trẻ theo chương trình chuyên biệt dành cho trẻ khiếm thính. Sự quan tâm, sát sao và tình yêu thương của những người mẹ thứ hai ở đây đã giúp các em quên đi mặc cảm, khó khăn, phấn đấu học tập chăm ngoan; những năm học qua, số cháu có học lực khá, giỏi hàng năm luôn đạt 70 % trở lên.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh tặng quà Trung thu cho trẻ em tại
Cơ sở Bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh Quảng Ninh.
Cơ sở cũng rất quan tâm đến đời sống của các cháu, luôn đảm bảo bữa ăn đủ dinh dưỡng để các cháu phát triển khỏe mạnh. Thường xuyên cải thiện món ăn, ăn chín uống sôi, ăn đúng giờ, đúng tiêu chuẩn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đầy đủ chất dinh dưỡng. Hàng tuần đơn vị đều mời cán bộ y tế đến kiểm tra, chăm sóc sức khỏe cho các cháu, nhất là những cháu bị suy dinh dưỡng, các cháu dưới 5 tuổi để kịp thời phát hiện các chứng bệnh và có hướng điều trị phù hợp; tổ chức khám bệnh định kỳ, phục hồi chức năng cho trẻ tàn tật... Bên cạnh đó, Cơ sở còn thành lập và duy trì các câu lạc bộ như võ vivonam, cờ vua...; thường xuyên tổ chức cho trẻ đi thăm quan, trải nghiệm tại các khu vui chơi, bảo tàng, thư viện tỉnh… góp phần giáo dục thể chất, trí tuệ và truyền thống của quê hương, giúp trẻ phát triển toàn diện.
Những năm qua, Cơ sở cũng nhận được rất nhiều sự quan tâm, ủng hộ của các cơ quan, ban ngành trong tỉnh; các tổ chức, cá nhân; các nhà hảo tâm; quỹ từ thiện trong và ngoài nước. Những ngày lễ, tết, lãnh đạo tỉnh, thành phố đều đến tặng quà và động viên các cháu; đoàn thanh niên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn cũng thường xuyên tổ chức dạy từ thiện, giao lưu, chơi trò chơi, tặng quà cho các em, động viên các em vươn lên trong cuộc sống.
Bên cạnh đó, với vai trò là đơn vị vận động và tiếp nhận Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh, Cơ sở đã tích cực vận động các nhà hảo tâm, các đơn vị trong và ngoài tỉnh ủng hộ Quỹ. Từ đầu năm 2021 đến nay, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã hỗ trợ Quỹ 3,2 tỷ đồng (bao gồm: tiền mặt, hiện vật, các chương trình, dự án), trong đó Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh vận động được gần 2.8 tỷ đồng; nguồn ngân sách hỗ trợ gần 500 triệu đồng. Từ nguồn kinh phí này, Quỹ Bảo trợ trẻ em Quảng Ninh đã tập trung hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong toàn tỉnh, giúp các em vơi bớt những khó khăn trong cuộc sống (đã có 12.000 lượt trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ, trong đó hỗ trợ quà và tiền mặt cho 1.842 trẻ với tổng giá trị là 1,5 tỷ đồng), với các hoạt động thiết thực như: Phối hợp với phòng Lao động – TB&XH, phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tổ chức khám sàng lọc cho hơn 7.000 trẻ em có biểu hiện, triệu chứng mắc các loại bệnh về mắt; đã phát hiện 1.208 trẻ mắc các bệnh về mắt như: Cận, loạn thị, lác, quặm, u mỡ, sụp mi...; tiến hành phẫu thuật cho 75 trẻ; Phối hợp với Bệnh viện Sản Nhi tỉnh tổ chức khám sàng lọc cho hơn 3.000 trẻ em có biểu hiện, triệu chứng mắc bệnh tim bẩm sinh, phát hiện 52 trẻ em mắc bệnh tim mạch và đã đưa ra phác đồ điều trị thích hợp; Hỗ trợ sữa cho 280 học sinh Trường tiểu học Lục Hồn (huyện Bình Liêu) uống trong vòng 9 tháng trị giá gần 400 triệu đồng; Tặng 20.000 hộp sữa cho Trường mầm non Thanh Sơn (Ba Chẽ); Tổ chức trao tặng 30 suất học bổng cho 30 trẻ em ở thành phố Uông Bí trị giá 30 triệu đồng do Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Generali tài trợ; Trao 170 suất học bổng trị giá 170 triệu đồng do Công ty Điện Lực AES Mông Dương hỗ trợ cho 170 trẻ em thành phố Cẩm Phả; Lắp đặt thiết bị vui chơi giải trí cho trẻ em tại xã Lục Hồn (Bình Liêu) trị giá 80 triệu đồng; Tổ chức trao tặng quà nhân ngày Tết Trung thu cho trẻ em tại xã Vũ Oai (thành phố Hạ Long) trị giá gần 20 triệu đồng...
Đẩy mạnh hướng nghiệp, dạy nghề cho trẻ khuyết tật
Song song với công tác chăm sóc, nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho trẻ, Cơ sở Bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt Quảng Ninh cũng quan tâm đẩy mạnh hướng nghiệp dạy nghề, giúp các em có việc làm, có thu nhập và tự tin hòa nhập cộng đồng.
Đối với các trường hợp trẻ mồ côi, những năm gần đây sau khi học xong lớp 12, Cơ sở đã tư vấn, định hướng cho các em nộp hồ sơ dự tuyển vào Trung tâm dạy nghề nhân đạo KOTO (Hà Nội) – đây là địa chỉ đáng tin cậy trong việc đào tạo nghề chuyên ngành khách sạn, nấu ăn. Trong quá trình học tập các em được chu cấp toàn bộ học phí 2 năm học, sau khi học xong sẽ được liên hệ việc làm tại các khách sạn có uy tín. Ngoài ra, các em còn được theo học nấu ăn tại các trường Cao đẳng Việt - Hàn; học trung cấp công nghệ ô tô và điện công nghiệp tại Trường cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam. Có một vài em học tốt hơn đã thi đỗ các trường đại học, một số em theo học nghề tóc và làm đẹp tại Thẩm mỹ viện Bích Hoà có thu nhập ổn định, tự trang trải cho cuộc sống.
Đối với trẻ khiếm thính, hàng năm, Cơ sở xây dựng kế hoạch dạy nghề cho trẻ song song với việc học văn hóa. Các nghề được lựa chọn phù hợp với đặc điểm tâm lý và sức khỏe của trẻ, như: Nghề làm mi, làm tóc, hoa pha lê, hoa đất sét, tranh cuốn giấy Nhật Bản...Trong 3 năm trở lại đây, đơn vị đã kết nối với các doanh nghiệp đào tạo nghề cho khoảng 60 trẻ khiếm thính.
Dạy nghề tóc cho trẻ khiếm thính tại Cơ sở Bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh Quảng Ninh.
Đặc biệt, từ năm 2019, nhóm các nhà hảo tâm và salon tóc trên địa bàn thành phố Hạ Long đã hỗ trợ Cơ sở 1 phòng học và đào tạo nghề cắt tóc cho trẻ em, rất nhiều trẻ khiếm thính ở đây được học nghề làm tóc. Phòng học được trang bị đầy đủ các thiết bị phục vụ nghề làm tóc, như: Chậu rửa, ghế xoay, máy sấy tóc, giá đẩy tay để dụng cụ làm tóc, gương, ma nơ canh... giúp việc dạy và học đạt hiệu quả cao. Hàng tuần, các salon tóc cử nhân viên đến dạy nghề cho các em vào những ngày thích hợp. Sau khóa đào tạo nếu có nhu cầu và khả năng, các em sẽ được Cơ sở kết nối để học nâng cao tại các salon tóc trên địa bàn.
Anh Vũ Ngọc Duy (chủ salon tóc Duy Anh), đại diện các salon tóc trên địa bàn thành phố Hạ Long cho biết: "Sau nhiều năm tổ chức cắt tóc miễn phí cho các em tại Cơ sở, chúng tôi có ý tưởng xây dựng một lớp học để đào tạo nghề cắt tóc miễn phí cho các em, đặc biệt là các em bị khiếm thính. Hi vọng rằng, lớp học sẽ là nơi định hướng nghề nghiệp, đào tạo nghề phù hợp để sau khi đến tuổi lao động, các em sẽ có việc làm, thu nhập cho bản thân". Anh Duy cũng cho biết, sau thời gian học tập, một số bạn học sinh có năng khiếu, nắm được kỹ thuật được những salon trong nhóm nhận vào làm việc chính thức. Tại đây, các em được hỗ trợ khoản thu nhập xứng đáng. Khi các em đã thành thạo, nhóm tiếp tục hỗ trợ mở cửa hàng, cửa tiệm theo đúng sở trường và điều kiện kinh tế của gia đình. Hiện salon tóc Duy Anh đang hỗ trợ 2 em học sinh Nguyễn Hồng Sơn (sinh năm 2003) và Nguyễn Ngọc Phong (sinh năm 2004) theo học nghề. Sau một thời gian đào tạo, tay nghề của các em đã cải thiện khá nhiều, đã nắm được một số kỹ thuật cắt tóc khó, kỹ thuật nhuộm tóc... Các em được hỗ trợ khoảng 1 triệu đồng/tháng để lo một phần chi phí ăn ở, đi lại.
Ông Nguyễn Văn Hiền chia sẻ: Nhìn các em khôn lớn và trưởng thành chính là động lực giúp chúng tôi vượt qua những lo lắng, khó khăn của nghề để trở thành người mẹ thứ hai và là điểm tựa tinh thần vững chắc giúp các em vượt qua khó khăn, vững tin, hòa nhập với cộng đồng.
Hiện, tỉnh Quảng Ninh có 326.546 trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó có 144.887 trẻ em dưới 6 tuổi; 3.214 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, với 2.678 trẻ khuyết tật. Theo kế hoạch, đến năm 2025, 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp; 90% trẻ em khuyết tật có nhu cầu được tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cộng đồng; 85% trẻ em khuyết tật có nhu cầu được cung cấp các kiến thức, kỹ năng hòa nhập cộng đồng phù hợp... Mong rằng, trong thời gian tới, Cơ sở Bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt Quảng Ninh sẽ tiếp tục hoạt động hiệu quả hơn nữa để trở thành điểm tựa vững chắc cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nói chung và trẻ em khuyết tật nói riêng của tỉnh, góp phần thực hiện các mục tiêu bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh./.
Minh Hiền
TAG:
Tin khác
Cù Lao Dung: Giảm nghèo hiệu quả nhờ đưa lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
Thanh Trì: Tập huấn Bình đẳng giới trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội
Hà Nội: Lan toả tinh thần “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”
Yên Bái: Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho thân nhân liệt sĩ
Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát toàn quốc: Cần sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và cộng đồng
Thị xã Phú Thọ sâu tình nặng nghĩa với người có công
Thái Nguyên: Phát huy hiệu quả nguồn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa
Phòng chống bạo lực thể chất, tinh thần, phân biệt đối xử với trẻ em và trẻ em khuyết tật