Ninh Thuận ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số
(LĐXH)- Thời gian qua, tỉnh Ninh Thuận đã tập trung thực hiện các giải pháp giảm nghèo nhanh và bền vững theo chuẩn nghèo đa chiều, trọng tâm là huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và trẻ em, phụ nữ thuộc hộ nghèo…
Theo Quyết định 353/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 – 2025, huyện Bác Ái (tỉnh Ninh Thuận) nằm trong số 74 huyện nghèo thuộc 26 tỉnh; trong số 54 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thì tỉnh Ninh Thuận có xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam.
Nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới, ngày 2/3, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Kế hoạch thực hiện công tác giảm nghèo và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023. Qua đó, triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các Chương trình, chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia; hỗ trợ huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo nhằm nâng cao hiệu quả của công tác giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo góp phần thực hiện đạt mục tiêu giảm nghèo và chỉ tiêu giảm nghèo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đề ra.
Đồng thời, triển khai thực hiện kịp thời, đúng quy định các dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh; giảm dần khoảng cách giàu nghèo giữa các địa phương; hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới.
Năm 2023, tỉnh Ninh Thuận sẽ ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số
Đảm bảo 100% huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản; ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, gồm: đường giao thông, trường học, cơ sở y tế, cầu, hạ tầng điện, công trình thủy lợi.
Hỗ trợ xây dựng, nhân rộng mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.
100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm. 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo; lập kế hoạch có sự tham gia, xây dựng kế hoạch phát triển cộng đồng và nghiệp vụ giảm nghèo.
Thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định các chính sách đối với người nghèo, cận nghèo và các đối tượng khó khăn khác để góp phần giải quyết thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản.
Đối với Dự án Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo, tỉnh Ninh Thuận xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, thiết yếu, phục vụ dân sinh, sản xuất trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; hỗ trợ huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn từng bước thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo bền vững.
Về Dự án Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, xây dựng, phát triển các mô hình giảm nghèo, dự án giảm nghèo để tạo việc làm, sinh kế bền vững, có thu nhập tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống và thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho người nghèo. Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, phát huy các giá trị văn hoá của dân tộc, thế mạnh của vùng, địa phương để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó là thực hiện tốt Dự án cải thiện tình trạng dinh dưỡng và giảm suy dinh dưỡng thấp còi, chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể trạng và tầm vóc của trẻ em dưới 16 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và trẻ em sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển.
Ninh Thuận cũng sẽ chú trọng thực hiện Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn. Tập trung phát triển giáo dục nghề nghiệp cả về quy mô và chất lượng đào tạo, hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh, gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, sinh kế bền vững, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hỗ trợ việc làm bền vững, cung cấp thông tin thị trường lao động, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho người lao động, ưu tiên người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người lao động sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.
Về Dự án Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo, trong năm 2023, tỉnh đặt mục tiêu hỗ trợ nhà ở cho 264 hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo có nhà ở an toàn, ổn định, có khả năng chống chịu tác động của thiên tai, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững theo Quyết định số 1603/QĐ-UBND ngày 17/11/2022 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về phê duyệt đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025…
Chí Tâm
TAG: