Trong 02 năm gần đây, dưới tác động nhiều mặt của đại dịch COVID-19, Ninh Thuận đã triển khai được rất nhiều hoạt động hỗ trợ các nhóm đối tượng yếu thế, như xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo có hiệu quả, duy trì các phong trào giúp nhau trong dòng tộc, cộng đồng dân cư, riêng đối với nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã được nhiều tổ chức, đoàn thể “đỡ đầu” trợ giúp hằng tháng, hằng quý, giúp các em có thêm điều kiện ăn ở, học tập. Địa phương đã và đang áp dụng thực hiện chính sách, pháp luật đối với trẻ em theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có trẻ em.
Đối với nhóm trẻ em khuyết tật, với trên 1.000 trẻ, tỉnh tiếp tục triển khai Đề án hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc giáo dục tại cộng đồng, ngoài việc tiếp cận giáo dục, các em còn được quan tâm bằng nhiều chính sách, hoạt động thiết thực. 100% trẻ được hưởng chính sách trợ cấp xã hội; được hỗ trợ bảo hiểm y tế. Các em thường xuyên tổ chức khám sàng lọc, phát hiện sớm và giúp trẻ tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, phục hồi chức năng. Hằng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chú trọng xây dựng mạng lưới cộng tác viên công tác xã hội ở cơ sở. Đến nay, toàn tỉnh phát triển 46 cộng tác viên nhằm đánh giá các vấn đề liên quan đến trẻ khuyết tật. Ngoài ra, tỉnh còn triển khai tập huấn và cung cấp kiến thức, kỹ năng tiếp cận, tư vấn, hỗ trợ chăm sóc, bảo vệ trẻ khuyết tật cho cán bộ làm công tác trẻ em. Đồng thời, vận động các tổ chức, nhà hảo tâm thăm hỏi, tặng quà vào các dịp lễ, tết, Ngày Người khuyết tật (18/4), Ngày Quốc tế Thiếu nhi (1/6) cho trẻ khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, động viên các em có thêm ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống.
Theo thống kê, đến thời điểm này, toàn tỉnh Ninh Thuận 160.293 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm 23,9% tổng dân số, trong đó, số trẻ có hoàn cảnh đặc biệt theo Luật trẻ em (14 nhóm) là 1.177 em và 21.657 em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt (trẻ sống trong gia đình nghèo, cận nghèo; trẻ bỏ học; trẻ sống trong gia đình có vấn đề xã hội như ly hôn, bạo lực gia đình, có nhiễm HIV/AIDS...). Bám sát chỉ đạo của Trung ương, UBND tỉnh, các ngành, địa phương ở Ninh Thuận đã chủ động xây dựng và thực hiện nhiều chương trình hành động cụ thể, thiết thực, lồng ghép với các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện để trẻ em phát triển toàn diện; tổ chức các diễn đàn, sân chơi bổ ích để trẻ em tham gia ý kiến.
Trên thực tế, số lượng trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn Ninh Thuận còn khá lớn, trong khi đó, mặc dù đã tăng cường truyền thông bằng nhiều hình thức nhưng nhận thức của một bộ phận người dân, bao gồm cả những người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ về các quyền của trẻ em còn hạn chế, nhất là đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Nguồn lực đầu tư cho công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em ở nhiều nơi chưa đáp ứng được nhu cầu của trẻ: không chỉ là ăn ở, chăm sóc về y tế, giáo dục, sức khỏe mà còn nhu cầu tham gia, bày tỏ nguyện vọng, được quan tâm, chia sẻ… Đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt hoặc có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, các nhu cầu này càng trở nên bức thiết. Do đó, công tác trẻ em luôn cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị, toàn thể cộng đồng trên cơ sở cộng đồng dành sự quan tâm nhiều hơn đến trẻ em, bổ sung các nguồn lực, mở rộng dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cộng đồng.
Từng bước nâng cao chất lượng hoạt động về công tác chăm sóc trẻ em, đảm bảo các em đều có quyền hưởng các quyền cơ bản nhất của mình, được chăm sóc, học tập và vui chơi giải trí lành mạnh trong môi trường an toàn, thân thiện – đây là những mục tiêu hướng đến của tỉnh Ninh Thuận trong mỗi chương trình, đề án, hoạt động vì trẻ em, của trẻ em.
Đăng Doanh