Trên cơ sở các văn bản phát triển nghề CTXH của các bộ, ngành trung ương, tỉnh Ninh Thuận đã kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ CTXH. Bám sát các đơn vị truyền thông đại chúng như Báo Ninh Thuận, Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Thuận xây dựng chuyên đề, chuyên trang về các chính sách an sinh xã hội, các văn bản có liên quan lĩnh vực an sinh xã hội, trợ giúp CTXH. Thông qua các hoạt động trực tiếp, sâu sát đến các địa bàn, nhận thức của đội ngũ cán bộ các cấp đối với CTXH có những biến chuyển tích cực, góp phần giải quyết vấn đề giảm nghèo, lao động, việc làm và an sinh xã hội; giúp các đối tượng thụ hưởng tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, dạy nghề, việc làm để bản thân đối tượng, gia đình, nhóm cộng đồng tự vươn lên. Công tác trợ giúp xã hội đã được triển khai ngày càng có hiệu quả, thiết thực; kết quả trợ giúp ngày càng được mở rộng cả các nhóm đối tượng và quy mô thực hiện; góp phần đảm bảo công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Từ nguồn kinh phí phân bổ, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho 4.253 lượt cán bộ, viên chức, nhân viên các cấp, cộng tác viên CTXH. Chỉ riêng trong năm 2022, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tập huấn cho gần lượt 400 cán bộ, công chức phụ trách lĩnh vực bảo trợ xã hội trong toàn tỉnh. Cùng với đó, Sở Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cử cán bộ, công chức phụ trách lĩnh vực liên quan đến lĩnh vực trợ giúp xã hội tham gia các lớp tập huấn nâng cao năng lực, từ đó, tạo nguồn lực cán bộ, công chức, viên chức có kiến thức chuyên ngành, hỗ trợ hiệu quả trong việc tuyên truyền trực tiếp, góp phần giúp người dân, nhất là các đối tượng yếu thế biết đến nghề CTXH và trợ giúp CTXH trên địa bàn tỉnh.
Mạng lưới cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH Ninh Thuận phát triển theo hướng bền vững. Toàn tỉnh có 5 cơ sở với quy mô tiếp nhận khoảng 650 đối tượng/năm, số đối tượng nuôi dưỡng đạt 56% quy mô tiếp nhận. Tỉnh có 45 cộng tác viên đang công tác tại xã, phường, thị trấn. Hầu hết các cơ sở y tế và các trường học trên địa bàn đã thành lập được Nhóm/Tổ/Phòng Công tác xã hội. Tiêu biểu như Tổ CTXH của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi hiện có 11 cán bộ ở tất cả các khoa, phòng chức năng đã luôn phối hợp chặt chẽ với các khoa khám, điều trị để kịp thời hỗ trợ việc tiếp đón và hướng dẫn bệnh nhân khi đến khám bệnh. Trực tiếp tư vấn các chính sách, dịch vụ kỹ thuật mới cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân một cách kịp thời giúp người bệnh có sự lựa chọn phù hợp, tránh phát sinh những chi phí không cần thiết. Cùng với đó các thành viên trong Tổ hỗ trợ tư vấn cho bệnh nhân về quyền, lợi ích hợp pháp cũng như các nghĩa vụ của bệnh nhân điều trị nội trú.
Để thực hiện Chương trình phát triển CTXH giai đoạn 2020-2030 có hiệu quả, thời gian tới ngành Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục triển khai kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật về CTXH quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, nhiệm vụ, quy trình cung cấp dịch vụ CTXH của cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên CTXH trong các ngành, lĩnh vực và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức, cá nhân. Khuyến khích, thu hút doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH và trợ giúp CTXH phù hợp cho các đối tượng yếu thế và người dân có nhu cầu. Thực hiện quy hoạch và phát triển mạng lưới các cơ sở có cung cấp dịch vụ CTXH và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức, cá nhân được phép thành lập theo hướng thực hiện trợ giúp toàn diện, bền vững. Xây dựng các mô hình các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH và đầu tư, nâng cấp cải tạo cơ sở vật chất, kỹ thuật và trang thiết bị cho các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH.
Trần Huyền