An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Ninh Thuận: Ký kết thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững năm 2023
11:11 AM 23/03/2023
(LĐXH)- Tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương , lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã ký kết Kế hoạch phối hợp triển khai mỗi xã, phường, thị trấn xây dựng 1 mô hình sinh kế thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2023-2025.
Ngày 21/3/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương ký kết thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững năm 2023. Các đồng chí: Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Văn Bình,  Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể và các cơ quan, đơn vị liên quan. Tại điểm cầu các huyện, thành phố và 65 xã, phường, thị trấn có lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQVN tỉnh, các phòng, ban và các tổ chức chính trị - xã hội có liên quan. 
Những năm qua, từ nguồn hỗ trợ của Trung ương và nguồn lực vận động của địa phương đã hỗ trợ về vốn và tư liệu sản xuất, xây dựng và sửa chữa nhà ở, các công trình dân sinh, đặc biệt là hàng nghìn hộ cận nghèo được hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm y tế để có điều kiện khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe… góp phần thiết thực vào thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia trên địa bàn tỉnh và thực hiện nhiệm vụ chính trị đề ra.

Đồng chí Trần Quốc Nam – Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của tỉnh Ninh Thuận vẫn còn khá cao so với bình quân chung của cả nước; tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn chiếm tỷ lệ cao, điều kiện để giảm nghèo ở những vùng này còn nhiều khó khăn. Nguồn lực huy động cho chương trình chủ yếu dựa vào các nguồn lực từ ngân sách là chính. Một số chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo có mức đầu tư thấp, còn dàn trải, chồng chéo. Việc huy động nguồn lực tại chỗ để giảm nghèo ở địa phương còn khó khăn, chưa đáp ứng được nhu cầu hỗ trợ của người nghèo, dẫn đến việc giúp người nghèo thoát nghèo nhưng tính bền vững chưa cao.
Cùng với đó, công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của chính quyền địa phương một số nơi chưa được quan tâm thường xuyên, liên tục; bên cạnh đó việc triển khai thực hiện chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các sở, ngành, địa phương nên việc tổ chức Hội nghị ký kết chương trình phối hợp thực hiện giảm nghèo bền vững năm 2023 là hết sức cần thiết, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc nhằm tập trung thực hiện các hoạt động cải thiện đa dạng sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, với phương châm phát huy nội lực là chính, từ đó giúp bà con nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, thoát nghèo bền vững, phấn đấu “Vì một Ninh Thuận không còn người nghèo” theo tinh thần Chỉ thị số 19-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh và UBMTTQVN tỉnh ký kết kế hoạch phối hợp

Tại hội nghị, lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã ký kết Kế hoạch phối hợp triển khai mỗi xã, phường, thị trấn xây dựng 1 mô hình sinh kế thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2023-2025; Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ký kết Kế hoạch phối hợp thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh ký kết Kế hoạch phối hợp thực hiện tín dụng chính sách xã hội.
Với mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm trên địa bàn tỉnh từ 1,5-2%; huyện nghèo Bác Ái giảm từ 5-6% và để các chương trình, kế hoạch phối hợp ký kết được triển khai thực hiện đạt hiệu quả, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu cấp ủy, chính quyền các địa phương, sở, ngành chức năng có trách nhiệm định hướng, hướng dẫn, hỗ trợ và chia sẻ cho các chủ thể thực hiện các mô hình sinh kế trong suốt quá trình thực hiện; định hướng cho bà con lựa chọn thực hiện mô hình sản xuất phù hợp; chuyển giao, giúp bà con ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh; kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia, hỗ trợ cho bà con tiêu thụ sản phẩm... Bên cạnh đó, các tổ, hội, nhóm, hộ gia đình tham gia mô hình sinh kế cần phát huy vai trò chủ thể, phát huy nội lực, tích cực, sáng tạo, vượt lên khó khăn để thực hiện tốt mô hình. Các cấp, các ngành chức năng cần phối hợp để xây dựng nguyên tắc trong việc sử dụng, quản lý các nguồn vốn phục vụ công tác giảm nghèo, trong đó chú trọng việc lồng ghép các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp; đẩy mạnh xã hội hóa kêu gọi cộng đồng, doanh nghiệp chung tay thực hiện các mô hình giảm nghèo. Trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch có sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, khắc phục tồn tại hạn chế; khen thưởng, biểu dương kịp thời những cá nhân, tập thể thực hiện tốt. Đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh chỉ đạo hệ thống Mặt trận và hệ thống chính trị - xã hội các cấp tăng cường hoạt động giám sát và phản biện xã hội trong công tác giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh bảo đảm hiệu quả, đúng quy định./.
Mỹ Linh
TAG: ký kết thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững năm 2023
Tin khác
 Đắk Nông: Cải thiện dinh dưỡng, giúp người dân thoát nghèo
Hơn 8 tỷ đồng học bổng Đinh Thiện Lý được trao tặng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn
Bắc Giang: Tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội ở huyện nghèo
Sở LĐ-TB&XH TPHCM chuyển hơn 1,1 tỷ đồng ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3
Trường Cao đẳng Quảng Nam: Phát động đóng góp ủng hộ nhân dân các tỉnh thành phía Bắc khắc phục hậu quả thiên tai
150 xe đạp được trao tặng cho trẻ em ở An Giang
Huyện Đông Giang (Quảng Nam): Quyết tâm đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình giảm nghèo
Huyện Bắc Bình (Bình Thuận): Tập trung nguồn lực hỗ trợ người dân giảm nghèo, ổn định cuộc sống
Quảng Nam: Đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững