77 năm thực hiện công tác thương binh, liệt sĩ và người có công (NCC), nhiều chính sách, chế độ ưu đãi NCC với cách mạng và gia đình người có công được bổ sung và điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ. Phát huy tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”, thời gian qua, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng các sở, ngành, địa phương ở Ninh Thuận đã quan tâm chăm lo, giải quyết kịp thời, đầy đủ các chế độ chính sách cho NCC và thân nhân gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh.
Toàn tỉnh Ninh Thuận hiện đang quản lý gần 40 nghìn hồ sơ người có công, có trên 8.300 đối tượng người có công và thân nhân người có công còn sống, thực hiện chi trả trợ cấp hàng tháng gần 3.000 đối tượng/07 tỷ đồng/tháng, 100 tỷ đồng/năm từ nguồn ngân sách Trung ương; kinh phí cấp từ nguồn ngân sách địa phương trên 6 tỷ đồng/năm; tiếp nhận, giải quyết chế độ ưu đãi trên 1.000 hồ sơ/năm; 100% hồ sơ tiếp nhận được giải quyết kịp thời trước, đúng hạn; hiện không có hồ sơ tồn đọng.
Năm 2023 vừa qua, dù còn nhiều khó khăn, nhất là do tác động của đại dịch COVID- 19 đối với thế giới cũng như tình hình kinh tế - xã hội trong nước, nhưng bằng nhiều nỗ lực, đồng lòng, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa ở cả 3 cấp đã vận động 2,8 tỷ đồng; 100% Mẹ Việt Nam anh hùng được các đơn vị nhận phụng dưỡng, số tiền từ 2-3 triệu đồng/tháng/mẹ; vận động hỗ trợ hộ gia đình người có công xây dựng mới xây mới 33 căn/1.220 triệu đồng; tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa 10 sổ/50.000.000 đồng và nhiều hoạt động phong phú, việc làm nhân ái như: nhận đỡ đầu bố, mẹ liệt sĩ cô đơn, con liệt sĩ mồ côi, nhận chăm sóc thương binh, bệnh binh khó khăn... Cùng với đó là sự nỗ lực vươn lên của chính thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng để cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, qua đó đời sống của người có công và gia đình người có công với cách mạng không ngừng được nâng lên.
Đến nay, 99,5% hộ NCC có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú, 100% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các mẹ Việt Nam Anh hùng, các anh hùng, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ đã cống hiến to lớn trong công cuộc bảo vệ, xây dựng quê hương, đất nước. Đồng thời, ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao kết quả thực hiện phong trào đền ơn đáp nghĩa, tri ân NCC với cách mạng của các cấp, các ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và nhân dân.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh kêu gọi các cấp, các ngành, tổ chức đoàn thể, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân bằng những đóng góp thiết thực của mình tạo ra sự lan toả chạm đến trái tim của mọi người để cùng nhau làm tốt hơn nữa công tác đền ơn đáp nghĩa, coi đây là trách nhiệm, là tình cảm và vinh dự nhằm tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã có công lao đối với sự nghiệp giải phóng và bảo vệ đất nước để chúng ta có được cuộc sống hôm nay.
Để làm tốt công tác thương binh liệt sĩ, NCC trong thời gian đến, Phó Chủ tịch Nguyễn Long Biên đề nghị các ban ngành, đoàn thể tiếp tục quán triệt sâu sắc, tập trung triển khai toàn diện, đồng bộ các giải pháp thực hiện tốt hơn nữa các chế độ, chính sách ưu đãi đối với NCC với cách mạng, đặc biệt là sớm triển khai thực hiện Nghị định số 77/2024/NĐ-CP của Chính phủ về điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với NCC với cách mạng; phát triển sâu rộng và nâng cao chất lượng các phong trào, chương trình đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ NCC tham gia phát triển kinh tế, vươn lên ổn định cuộc sống. Đồng chí mong muốn các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, NCC với cách mạng tiếp tục giữ vững phẩm chất, truyền thống đạo đức cách mạng tiếp tục xây dựng quê hương giàu đẹp.
Đăng Doanh