Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Ninh Bình: Thiết thực tri ân người có công
03:14 PM 29/08/2024
(LĐXH)- Phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng” đã trở thành nét đẹp trong đời sống hàng ngày ở Ninh Bình, có sức lan tỏa rộng khắp, từ đó tạo nguồn lực lớn để triển khai các hoạt động chăm lo đời sống người có công.
Trong cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, tỉnh Ninh Bình có hơn 235.000 cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên các mặt trận, hơn 16.900 người con Ninh Bình đã anh dũng hy sinh và được công nhận là liệt sĩ, 1.275  Bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng, 14 người được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, hơn 13.000 thương binh; 8.000 bệnh binh; 8.900 người bị nhiễm chất độc hóa học và có con đẻ bị ảnh hưởng.
Với tình cảm, tấm lòng, sự tri ân sâu sắc đối với những hy sinh, cống hiến của các anh hùng liệt sĩ, thương, bệnh binh, những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Ninh Bình coi việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, NCC là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Các ngành, địa phương trong tỉnh luôn quan tâm thực hiện tốt phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", chăm sóc đời sống người có công với cách mạng. Đặc biệt, việc xác nhận và đảm bảo đầy đủ, kịp thời các chế  độ, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công được coi là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa sâu sắc, thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" với những người đã có nhiều cống hiến, hy sinh cho độc lập, tư do của Tổ quốc. Việc giải quyết chế độ, chính sách cho các đối tượng người có công trên địa bàn tỉnh được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng qui định.

Đồng chí Bí Thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn cùng đoàn công tác đến thăm và tặng quà cụ Hoàng Thiện Bách – chiến sĩ Điện Biên ở  phường Vân Giang, thành phố Ninh Bình

Cùng với việc đổi mới tuyên truyền, tăng cường đối thoại, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các địa phương, ngành liên quan phổ biến kịp thời những quy định về thực hiện chính sách đối với người có công. Đồng thời hướng dẫn, đôn đốc các địa phương rà soát, phát hiện, tổ chức xác nhận đảm bảo không để tồn đọng hồ sơ. Sở cũng kịp thời báo cáo, xử lý cơ bản các trường hợp tồn đọng về xác nhận, công nhận người có công, đặc biệt đối với liệt sỹ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ, người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học theo quy định, hướng dẫn của Nhà nước… Đặc biệt, hiện nay, khi đã áp dụng những tiến bộ mới trong công tác quản lý, lưu trữ hồ sơ, việc xử lý, giải quyết những hồ sơ tồn đọng được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Ngành LĐTBXH tỉnh đã tổ chức chi trả các khoản trợ cấp, phụ cấp thường xuyên hàng tháng cho trên 22.000 lượt đối tượng hưởng trợ cấp ưu đãi, trên 12.500 người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ (1 lần/năm), trên 85.000 người hưởng ưu đãi bảo hiểm y tế (BHYT); trên 52.500 lượt đối tượng hưởng chế độ ưu đãi trong giáo dục, đào tạo. Hằng năm tổ chức chi trả gần 530 tỷ đồng trợ cấp ưu đãi cho các đối tượng chính sách NCC đảm bảo an toàn, đúng đối tượng thụ hưởng; thực hiện chế độ điều dưỡng, phục hồi sức khỏe tại nhà và điều dưỡng tập trung luân phiên 2 năm/lần cho trên 32.000 lượt NCC đảm bảo chu đáo, an toàn; cấp thẻ BHYT cho 100% NCC và thân nhân. 
Ngoài việc quản lý và thực hiện tốt các chế độ ưu đãi đối với người có công theo quy định của Nhà nước, nhiều chính sách khác cũng được cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm thực hiện. Tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo hướng dẫn chuyên đề về công tác người có công hoặc lồng ghép với các chương trình, kế hoạch kinh tế- xã hội của tỉnh. Nổi bật là Nghị quyết số 03-NQ/BCSĐ ngày 08/01/2019 của Ban cán sự đảng UBND tỉnh về đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác người có công và giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết của HĐND tỉnh về việc ban hành chính sách hỗ trợ điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung cho người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là Nghị quyết số 23/2020/NQ-HĐND ngày 27/5/2020 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh, mức hỗ trợ từ 1,6 triệu-2,1 triệu đồng/người/tháng. Đây là một chính sách đậm tính nhân văn, riêng có của tỉnh Ninh Bình dành cho người có công. 
Đến nay, các chính sách này vẫn đang được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, góp phần quan trọng vào việc cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người có công. Năm 2023, tỉnh có 347 hộ nghèo với 521 khẩu (chiếm 3,96%) có thành viên là NCC với cách mạng được hỗ trợ tổng số tiền trên 7,84 tỷ đồng theo Nghị quyết số 23/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Đến nay 100% hộ nghèo có thành viên là NCC với cách mạng trên địa bàn tỉnh đã thoát nghèo. 100% hộ gia đình NCC đều có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân trên cùng địa bàn cư trú. 100% các xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”. Các Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các đơn vị nhận phụng dưỡng suốt đời.
Khánh Linh
 
TAG:
Tin khác
Hiệu quả mô hình “Tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng” ở Đồng Nai
Herbalife Việt Nam đồng hành cùng Báo Tuổi Trẻ tổ chức Cuộc Thi Lan Tỏa Năng Lượng Tích Cực lần thứ năm liên tiếp
Chương trình Đi bộ từ thiện Đinh Thiện Lý: 20 năm những bước chân chia sẻ
TP.HCM: Người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH được nhận gộp lương 2 tháng trước Tết
Quảng Ngãi nâng cao năng lực cho tình nguyện viên phòng, chống mua bán người
'Tháp Eiffel bốc cháy': Cách phân biệt tin giả thời AI
Hội Cựu chiến binh quận Hà Đông tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao chất lượng vốn vay tín dụng chính sách
Quảng Bình: Đề xuất một số nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2026-2030
Những khó khăn trong công tác phòng chống mua bán người và giải pháp