Bình đẳng giới
Trang chủ / Xã hội / Bình đẳng giới
Những nữ thủ lĩnh thôn bản
09:22 AM 22/11/2018
(LĐXH)- Không chỉ đảm việc nhà, nhiều nữ bí thư chi bộ ở huyện miền núi Quỳ Châu còn là những cán bộ gương mẫu, nhiệt tình trong việc thôn bản, được Đảng tin, dân mến…
Đón khách với nụ cười tươi, trong căn nhà nhỏ được bài trí gọn gàng, bà Lương Thị Xuân - nữ Bí thư Chi bộ bản Húa Na, xã Châu Hạnh vui vẻ kể về những ngày tháng tham gia công tác tại địa phương với một niềm say mê. Qua những lời tâm sự của người phụ nữ vùng cao đảm nhận vai trò bí thư chi bộ từ năm 2008 đến nay, chúng tôi cảm nhận được tinh thần nhiệt huyết với công việc, những cố gắng không mệt mỏi của bà để xây dựng bản văn hóa.
Bản Húa Na có 114 hộ, 492 khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái (chiếm 98%). Chi bộ đảng nơi đây có 22 đảng viên đều là những đầu tàu gương mẫu và dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của nữ Bí thư Lương Thị Xuân, đều đặn mỗi năm chi bộ kết nạp được 1 đảng viên mới. Với vai trò là bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác mặt trận, bà Lương Thị Xuân đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân bản Húa Na 13 năm liên tục không có người vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình. Ngoài ra, bà còn vận động người dân đóng góp tiền và ngày công xây dựng được 530m đường bê tông nội thôn, 1 cổng chào, 1 sân bóng chuyền và đổ bê tông sân nhà văn hóa xóm…
Bà con các dân tộc rất cần những cán bộ nữ gần dân
Những nỗ lực đó của Bí thư Chi bộ Lương Thị Xuân đã được các cấp, ngành ghi nhận như Giấy khen của Huyện uỷ Quỳ Châu về thực hiện tốt việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Ủy ban MTTQ huyện tặng Giấy khen đạt danh hiệu người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số… Đặc biệt, năm 2014, bà Xuân được vinh danh là bí thư chi bộ tiêu biểu toàn quốc; năm 2016 là 1 trong 4 đại diện của huyện Quỳ Châu tham gia Hội nghị người có uy tín tiêu biểu các tỉnh phía Bắc…
Chia sẻ kinh nghiệm, nữ thủ lĩnh của bản Húa Na cho biết: “Muốn dân tin tưởng và làm theo thì trước tiên người cán bộ phải gương mẫu. Đối với các khoản đóng góp, ủng hộ cần phải công khai, minh bạch để người dân thấy được hiệu quả, lợi ích của những việc mình làm vì cộng đồng. Từ đó tin tưởng vào đội ngũ cán bộ thôn bản và ủng hộ các công việc mà cấp ủy vận động, triển khai”. Ngoài tham gia công tác xã hội, Bí thư Chi bộ Lương Thị Xuân còn tích cực phát triển kinh tế gia đình như chăn nuôi lợn, gà, trâu, vịt bầu kết hợp sản xuất rượu cần truyền thống, bà chia sẻ: “từng gia đình no ấm thì bản làng mới ấm no, bản thân ổn định được kinh tế gia đình mới có thể toàn tâm, toàn ý cho việc dân, việc bản…”.
Còn tại bản Kiềng 1, xã Châu Bính, tuy mới đảm nhận vai trò bí thư chi bộ thôn bản gần 2 năm nhưng nữ Bí thư Sầm Thị Lan đã chứng minh được năng lực cá nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo, giúp địa phương có nhiều khởi sắc cả trong phát triển kinh tế, xã hội lẫn phong trào chung. Đón khách ngay tại nhà văn hóa bản, chị Lan vui vẻ “khoe” thành quả 20m bờ rào nhà văn hóa vừa mới được xây mới kiên cố, cùng mặt sân đã gần xong khâu đổ bê tông phẳng phiu, trong đó người dân tự nguyện hiến 81 cây, 760m2 đất và đóng góp kinh phí, ngày công xây dựng. Bản Kiềng 1 có 79 hộ, 358 khẩu. Năm 2015, khi chị Lan về làm bí thư chi bộ bản, cơ sở hạ tầng các công trình cộng đồng còn chưa đồng bộ, nhà văn hóa xóm xuống cấp, chưa có bờ rào, sân.
Trước thực tế đó, Bí thư Lan đã tham mưu cho cấp ủy chi bộ ra nghị quyết về tu sửa, xây dựng khuôn viên, bờ rào nhà văn hóa xóm. Đến nay, bản không chỉ hoàn thành tường bào quanh nhà văn hóa, làm 101m đường bê tông mà còn thành công trong việc vận động người dân xây nhà vệ sinh kiên cố tại nhà văn hóa cộng đồng và tại gia đình, xây dựng lò đốt rác tại gia để đảm bảo vệ sinh môi trường với 77/79 hộ thực hiện, còn 2 hộ chưa triển khai do đi làm ăn xa không có mặt tại địa phương…
Bí thư Sầm Thị Lan cùng với tập thể chi bộ còn xây dựng, triển khai các nghị quyết phát triển kinh tế hộ gia đình. Ngoài sản xuất lúa 2 vụ, phát triển diện tích ngô, rau đậu, người dân bản Kiềng 1 còn tích cực mở rộng chăn nuôi với tổng đàn gia súc 6 tháng đầu năm 2017 là 326 con, tăng 36 con so với đầu kỳ, tổng đàn gia cầm 3.100 con, tăng 900 con so với đầu kỳ, diện tích nuôi trồng thủy sản 1,9ha và các nghề phụ như sản xuất gạch không nung, trồng keo, buôn bán nhỏ...
Với kinh nghiệm nhiều năm tham gia cấp ủy ở xã, nữ Bí thư Chi bộ Sầm Thị Lan cũng thường xuyên quan tâm đến công tác xây dựng đảng, kiện toàn đội ngũ cán bộ thôn xóm. Nhờ vậy, kết quả xếp loại hàng năm chi bộ đạt TSVM, các chi hội đoàn thể đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tỷ lệ tập hợp cao (Hội nông dân 90%, hội phụ nữ 97%, CCB 97%, hội NCT 92%, đoàn thanh niên trên 50%)… Nhận xét về chị Sầm Thị Lan, đồng chí Lang Văn Xuân - Phó Bí thư Đảng ủy xã Châu Bình cho biết: Đó là 1 trong 7 nữ bí thư chi bộ năng nổ, nhiệt tình, giỏi việc thôn bản, đảm việc nhà, được dân mến, Đảng tin.
Ở xã Châu Hội, cấp ủy, chính quyền và người dân cũng giành nhiều tình cảm tin yêu cho chị Hà Thị Tiên - nữ Bí thư Chi bộ bản Đơn. Đây là bản gặp nhiều khó khăn với chỉ 29 hộ, 132 khẩu, dân cư sống thưa thớt, trình độ văn hóa không đồng đều, chưa có điện lưới, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào ruộng nước, trồng keo. Chi bộ chỉ có 8 đảng viên trong đó có 4 đảng viên tăng cường từ xã về. Đứng trước nguy cơ tái trắng chi bộ, Bí thư Hà Thị Tiên đã dày công tuyên truyền vận động, mở rộng nguồn từ các chi hội đoàn thể, trong đó hướng đến cả chị em trong hội phụ nữ - nơi lâu nay vẫn vướng phải rào cản về tâm lý tự ti do định kiến “trọng nam, khinh nữ” ít nhiều còn tồn tại trong cộng đồng.
Nhờ vậy năm 2017, chi bộ đã kết nạp được một đảng viên nữ là chị Lữ Thị Duyên, sinh năm 1987 và đang giới thiệu 2 quần chúng ưu tú đi học đối tượng đảng là anh Lữ Văn Kỳ - Thôn đội trưởng và Lữ Văn Mạnh - phó bản. Không chỉ là đảng viên luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, chị Hà Thị Tiên còn là một tấm gương phụ nữ vùng cao chủ động vượt khó, phát triển kinh tế với 5ha keo, chăn nuôi 3 con trâu, làm ruộng nước, trồng rau và phát triển đàn lợn…
Những nữ thủ lĩnh thôn bản mà chúng tôi đã gặp chỉ là số ít trong tổng số 74 nữ bí thư chi bộ trên toàn huyện Quỳ Châu. Thế nhưng, không thể phủ nhận rằng những đóng góp của họ dù ở mức độ nào cũng đã và đang khẳng định vai trò, vị thế của phụ nữ vùng cao trong gia đình và trong xã hội. Tuy mỗi người có cách làm riêng nhằm tạo nên sự thay đổi tích cực về mọi mặt ở cơ sở, nhưng giữa họ có điểm chung là đều “lấy dân làm gốc” nên đã được người dân đón nhận, ủng hộ./.
Khánh Ly
TAG:
Tin khác
Sơn La: Năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 11,1%
Tăng cường công tác phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh
Đắk Nông: Phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2024
Chi nhánh NHCSXH Hà Nội chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ đồng bào khó khăn sau bão
Khánh thành và bàn giao công trình xây dựng nhà nội trú cho ngôi trường tại huyện vùng cao Bắc Mê
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương về đánh giá 30 năm thực hiện Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh
Hành trình gieo mầm tri thức của cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương
Ninh Thuận phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
Kon Tum: Tích cực tiếp sức cho người khuyết tật