Những nỗ lực trong công tác quản lý, nuôi dưỡng đối tượng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Nam Định
(LĐXH) - Trong thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, các ngành chức năng mà trực tiếp là Sở Lao động -Thương binh và Xã hội, sự đoàn kết, lỗ lực phấn đấu khắc phục những khó khăn của tập thể cán bộ, nhân viên trong đơn vị, Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Nam Định đã hoàn thành tốt chỉ tiêu kế hoạch được giao, góp phần vào việc thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Ngày 24/5/2019, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành Quyết định số 1068/QĐ-UBND về việc thành lập Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Nam Đinh, trên cơ sở hợp nhất Trung tâm Dạy nghề cho trẻ khuyết tật và Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Nam Định, thuộc Sở Lao động – Thương binh và xã hội. Trung tâm có chức năng thực hiện chính sách trợ giúp xã hội cho đối tượng xã hội thuộc diện đặc biệt khó khăn không tự lo được cuộc sống như trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi mất nguồn nuôi dưỡng; người cao tuổi cô đơn thuộc hộ gia đình nghèo; người khuyết tật đặc biệt nặng; người lang thang xin ăn, các đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp; phục hồi chức năng cho người tâm thần; dạy nghề, phục hồi về trí tuệ, khả năng giao tiếp cho trẻ khuyết tật còn khả năng lao động, còn khả năng tiếp thu nghề để hoà nhập cộng đồng. Trung tâm hiện nay có Chi bộ Đảng; Công đoàn cơ sở, Đoàn TNCSHCM. Trung tâm có 02 địa điểm: Địa điểm trụ sở chính: Thị trấn Xuân Trường, huyện Xuân Trường. Cơ sở 2: Thôn Lộng Đồng, xã Lộc An, TP Nam Định.
Xác định công tác chính trị, tư tưởng có vai trò quan trọng trong việc hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, nhân viên, người lao động, Chi bộ Đảng, Ban Giám đốc Trung tâm đã triển khai toàn diện các mặt công tác. Tổ chức và thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo các văn bản, chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên; lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, nhân viên trong toàn đơn vị thực hiện tốt các chỉ tiêu kế hoạch, nhiệm vụ được giao. Phổ biến, tuyên truyền, giáo dục cán bộ, nhân viên trong đơn vị thực hiện tốt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nội quy, quy chế của Ngành, của đơn vị; tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ chí Minh”, thực hiện 5 chuẩn mực đạo đức, lối sống, phong cách làm việc của cán bộ công chức, viên chức trong đơn vị, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Nhiều cán bộ, viên chức, người lao động trong đơn vị đã tham gia nghiên cứu khoa học, viết sáng kiến; 100% cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhiều tập thể phòng thuộc Trung tâm được UBND tỉnh công nhận danh hiệu tập thể xuất sắc.
Công tác xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể đã từng bước đổi mới và phát triển đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển của đơn vị; phát huy vai trò trách nhiệm, tinh thần đoàn kết của tập thể cấp ủy. Chi bộ đề ra các giải pháp lãnh đạo thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn của đơn vị. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ đảng viên có phẩm chất chính trị, có trình độ chuyên môn; luôn coi trọng công tác phát triển đảng. Công đoàn cơ sở và Chi đoàn thanh niên Trung tâm hoạt động có hiệu quả. Công đoàn cơ sở quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ trong cơ quan và thực hiện các chế độ, chính sách đảm bảo đúng quy định. Ngoài ra, Trung tâm cũng chủ động rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, qua đó đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung một số cơ chế chính sách cũng như các chế độ tiêu chuẩn, định mức, quy định không còn phù hợp với tình hình thực tế. Công khai, đơn giản hoá thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, tăng cường đầu tư trang thiết bị, dụng cụ đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác của cán bộ trong đơn vị.
Bên cạnh đó, Trung tâm không ngừng tăng cường cơ sở vật chất; đổi mới, cải tiến phương pháp làm việc, phương pháp quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng; dạy nghề cho các đối tượng, phát huy tốt nội lực của đơn vị nhằm đáp ứng việc thực hiện nhiệm vụ, cụ thể trên các mặt công tác. Năm 2019, 2020, Trung tâm được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quan tâm đầu tư kinh phí từ ngân sách Nhà nước để đầu tư sửa chữa, cải tạo cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của đơn vị. Trung tâm đã được UBND tỉnh và các cấp có thẩm quyền phê duyệt và đã được đưa vào vốn đầu tư trung hạn khởi công xây dựng.
Nhìn chung, với sự quan tâm nỗ lực của tập thể cán bộ, nhân viên Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Nam Định, đến nay việc tiếp nhận đối tượng vào nuôi dưỡng tại đơn vị được rút ngắn thời gian, đúng đối tượng theo quy định; Không để xảy ra mất an toàn, như mất an toàn về an toàn vệ sinh thực phẩm, đối tượng bỏ trốn, đánh nhau gây thương tích và công tác nội vụ vệ sinh sạch sẽ, gọn gàng. Số lượng bệnh nhân lên cơn kích động giảm; không có trường hợp sẩy ra đánh nhau giữa các đối tượng dẫn đến chết người hoặc gây thương tích. Công tác quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội được chú trọng. Đơn vị duy trì đều đặn chế độ ăn uống phục vụ các diện đối tượng, ngày ăn 3 bữa có thực đơn cho từng diện đối tượng, đảm bảo tiêu chuẩn, định lượng quy định và có phần cải thiện thêm như rau xanh tại chỗ; Cung cấp và hỗ trợ đối tượng tiếp cận, thụ hưởng các chính sách và chương trình trợ giúp xã hội. Đối tượng nuôi dưỡng tại Trụ sở chính: Trung tâm phân công cán bộ chia thành ca kíp thường thực 24/24 giờ trong ngày để quản lý, chăm sóc đối tượng. Đối với người già, người tàn tật đặc biệt năng nặng không tự phục vụ trong sinh hoạt của bản thân cần có người khác giúp đỡ, Trung tâm đã bố trí, sắp xếp, phân công cụ thể một số viên chức để thường xuyên chăm sóc. 100% đối tượng được chăm sóc điều trị bệnh: Chăm sóc sức khỏe ban đầu; Sử dụng thuốc để điều trị bệnh; sơ cứu khi cần thiết, trong trường hợp vượt quá khả năng, thẩm quyền của đơn vị, đơn vị làm các thủ tục cho đối tượng đi các tuyến bệnh viện để điều trị và cử cán bộ đi quản lý, chăm sóc. Trung tâm có cán bộ y tế, trang thiết bị, dụng cụ y tế phù hợp, tủ thuốc bảo đảm chăm sóc sức khỏe ban đầu, sơ cấp cứu khi cần thiết; điều trị và mở sổ theo dõi; kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng và hàng năm cho từng đối tượng. Đối với đối tượng là người tâm thần, được cấp thuốc hướng thần theo tuyến theo quy định. Đối với trẻ mồ côi đang đi học tại địa phương, đơn vị cử cán bộ đưa đón và hướng dẫn, giúp đỡ các cháu trong học tập.
Các hoạt động công tác xã hội luôn được đơn vị quan tâm và thường xuyên triển khai các hoạt động như tư vấn đồng cảnh cho các diện đối tượng, mục đích, hỗ trợ về mặt tâm lý giữa những người đồng cảnh với nhau để họ lắng nghe nhau và cùng nhau chia sẻ và bớt đi những mặc cảm về mình. Đơn vị đã tổ chức các hoạt động như thể dục buổi sáng để nâng cao thể chất, xem ti vi. Một số đối tượng có sức khỏe, tổ chức cho đối tượng lao động liệu pháp, như trồng rau, quét dọn vệ sinh... Trong công tác dạy nghề và phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật, Trung tâm thực hiện chương trình dạy nghề may và nghề mộc, phục hồi chức năng ngôn ngữ, khả năng giao tiếp và thể chất cho đối tượng theo chương trình kế hoạch. Tổ chức kiểm tra cấp chứng chỉ sơ cấp nghề, tư vấn tìm việc làm cho đối tượng hết thời hạn ra khỏi Trung tâm. Năm 2020, Trung tâm đã quản lý, nuôi dưỡng và dạy nghề phục hồi chức năng cho 246 đối tượng, trong đó: Đối tượng bảo trợ xã hội 160 đối tượng; trẻ em khuyết tật vào học nghề 86 em. Hoàn thành việc quản lý tạm thời 04 đối tượng lang thang xin ăn có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh trong dịp lễ hội. Trong năm 2021,Trung tâm đã chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy nghề, phục hồi chức năng, thực hiện trợ giúp cho 243 đối tượng và trong 6 tháng đầu năm 2022 là 236 đối tượng.
Có thể nói, sở dĩ đạt được những kết quả trên là do Trung tâm luôn coi trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, tác phong làm việc đối với cán bộ, viên chức trong đon vị đơn vị. Tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ, nhân viên bằng các biện pháp nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho đội ngũ cán bộ cán bộ, nhân viên. Phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo của Chi bộ Đảng, tăng cường sự đoàn kết nội bộ, sự phối kết hợp giữa tổ chức đảng - chính quyền và các đoàn thể chính trị như: Công đoàn, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong việc thực hiện nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả quản lý. Xây dựng kế hoạch công tác, phân công cụ thể cán bộ đảm trách có kiểm tra giám sát, sơ tổng kết rút kinh nghiệm. Đẩy mạnh các biện pháp nâng cao năng lực và chất lượng phục vụ đối tượng. Để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, trong thời gian tới, Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Nam Định đề kiến nghị cấp trên quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung trang thiết bị phục vụ sinh hoạt dạy nghề cho các đối tượng; Quan tâm bổ sung chỉ tiêu biên chế và có chính sách ưu tiên, chính sách đặc thù trong tuyển dụng viên chức và người lao động làm việc tại đơn vị để thu hút người có trình độ cao vào làm việc, như: bác sỹ, giáo viên có trình độ sư phạm chuyên biệt cũng như các chế độ đãi ngộ như tiền trực đêm cho cán bộ trực tiếp chăm sóc đối tượng; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo các Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố quan tâm tuyên truyền và xác nhận các thủ tục để các cháu khuyết tật vào học nghề và phục hồi chức năng tại Trung tâm./.
Hồng Phượng
TAG: