Những khoảng trống cần lấp của đào tạo công tác xã hội và công tác xã hội trong chăm sóc sức khỏe tâm thần
(LĐXH)-Cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, việc đào tạo nguồn nhân lực công tác xã hội là rất quan trọng và cần thiết, đóng góp vào sự chuyên nghiệp hóa công tác xã hội ở Việt Nam.
Sự bùng nổ về đào tạo công tác xã hội
Kể từ năm 2010 đến nay - thời điểm bắt đầu triển khai Đề án phát triển nghề công tác xã hội 2010-2020 (Đề án 32), Việt Nam đã tạo được sự bùng nổ về lĩnh vực công tác xã hội (CTXH). Đó là sự đánh giá của thế giới dành cho Việt Nam trong lĩnh vực này. Sự bùng nổ ở đây thể hiện trước hết là ở số lượng cơ sở, số trường tham gia đào tạo. Hiện nay, Việt Nam đã có 57 cơ sở giáo dục đào tạo tham gia đào tạo về CTXH ở các trình độ khác nhau, trong đó có 32 cơ sở tham gia đào tạo ở trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ, còn lại 25 cơ sở tham gia đào tạo ở trình độ cao đẳng và trung cấp nghề. Theo mục tiêu đề ra của Đề án đến năm 2020, chúng ta phải đạo tạo 9.000 người ở các trình độ khác nhau. Có thể nói, sự bùng nổ này là một mặt tích cực để thúc đẩy nguồn nhân lực theo Đề án 32 đang thực hiện.
Khoảng trống về giáo viênTuy nhiên sự bùng nổ này cũng đã tạo nên khoảng trống, đó là sự thiếu hụt giáo viên. Sự bùng nổ mạnh mẽ số lượng các cơ sở đào tạo CTXH tất yếu dẫn đến sự bùng nổ nhu cầu về giảng viên công tác tại chính các cơ sở này. Thực tế, nhiều cơ sở đào tạo đã quan tâm nâng cao chất lượng giảng viên cử người đi học thạc sỹ, tiến sỹ về CTXH ở nước ngoài, những người này khi trở về sẽ là lực lượng nòng cốt thúc đẩy nâng cao chất lượng đào tạo CTXH ở Việt Nam. Song việc đưa giáo viên đi đào tạo nước ngoài đã không kịp đáp ứng nhu cầu cho công tác đào tạo cho nên các trường buộc phải tuyển giáo viên chuyên ngành xã hội học sang để giảng dạy lấp vào chỗ thiếu hụt giáo viên. Điều này là một cản trở lớn đối với chất lượng đào tạo. Bởi vì đội ngũ này mặc dù là những giảng viên giỏi của những chuyên ngành khác song lại nặng về lý thuyết, họ bị hạn chế về kỹ năng thực hành nghề cho nên việc đào tạo trở lại cho học viên và sinh viên cũng bị nặng về lý thuyết, kỹ năng thực hành nghề của sinh viên từ đó cũng bị hạn chế. Trong khi đó, đối với chuyên ngành CTXH, kiến thức và kỹ năng thực hành nghề là vấn đề cốt lõi cho quá trình đào tạo. Vì thực hành nghề công tác xã hội là điều kiện tiên quyết giúp người học hiểu CTXH là gì, CTXH làm gì và CTXH làm như thế nào.
Khoảng trống về cơ sở thực hành nghề
Nhiều cơ sở đào tạo còn thiếu cơ sở thực hành nghề cho sinh viên trước khi ra trường, cơ sở vật chất kỹ thuật hiện nay đang nghèo nàn. Những sinh viên CTXH không có cơ hội thực hành tại các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH buộc phải tìm cho mình cơ sở thực hành khác mà những cơ sở đó chưa thật sự đáp ứng yêu cầu của cở thực tập hành nghề CTXH. Bên cạnh đó là thiếu đội ngũ kiểm huân viên có chất lượng ở các cơ sở thực hành nghề cho sinh viên. Vậy ai sẽ là người đánh giá chất lượng hành nghề của sinh viên; do vậy nhiều sinh viên đi thực tập chẳng khác gì “đi du lịch”. Đội ngũ nhân viên CTXH “kém chất lượng” này sẽ cung cấp một hoặc nhiều dịch vụ “chất lượng thấp” đến số thân chủ mà họ đảm nhận, chăm sóc, hỗ trợ. Phản ánh không hài lòng từ nhóm thân chủ này dễ khiến xã hội có cách nhìn nhận, đánh giá không đúng bản chất của các hoạt động CTXH.
Hiện nay, Hội các Trường đào tạo CTXH Việt Nam được Hiệp hội CTXH thế giới hỗ trợ tổ chức 2 khóa tập huấn mỗi năm cho giảng viên nguồn của các trường đại học và dự kiến sang năm 2018, Hiệp hội này sẽ hỗ trợ 5 khóa giảng viên nguồn cho các cơ sở thực hành, giúp đào tạo cán bộ cấp cơ sở. Mục tiêu là họ giúp ta đào tạo được đội ngũ giảng viên nguồn để ta tiếp tục triển khai đào tạo những giảng viên công tác xã hội khác chứ họ không trực tiếp đào tạo cho tất cả.
Khoảng trống về hệ thống pháp lý và chương trình đào tạo
Bên cạnh đó, hiện nay hệ thống luật pháp về công tác xã hội cũng đang từng bước được hoàn thiện. Cục Bảo trợ Xã hội ( Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đang chuẩn bị xây dựng Luật thực hành công tác xã hội trong đó có một chương về tiêu chuẩn thực hành nghề. Việt Nam hiện chưa có tiêu chuẩn thực hành nghề dẫn đến đào tạo chưa theo cơ chế thị trường, chưa đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng. Chương trình đào tạo hiện nay cũng có những điểm yếu đó là mặc dù chương trình có quy định 130 tín chỉ ở trình độ đại học như các nước nhưng số môn bắt buộc quá nhiều so với số môn tự chọn và đào tạo chưa đáp ứng theo 4 định hướng lớn. Ví dụ như công tác xã hội trong lĩnh vực y tế hiện nay đang có rất nhiều mảng trống. Theo các nước hiện nay, công tác xã hội trong chăm sóc sức khỏe tâm thần chỉ là một phần trong công tác xã hội trong lĩnh vực y học. Ngoài ra còn có CTXH trong cận tử, CTXH trong giảm nhẹ đối với bệnh nhân, CTXH trong lâm sàng. Song hiện các bộ môn này ở Việt Nam chưa được thiết kế đào tạo và chưa có tiêu chuẩn. Vừa rồi mới chỉ có một học phần CTXH trong chăm sóc sức khỏe tâm thần được đưa ra và cũng là giảng dạy chung. Đây cũng là một điểm đang khiểm khuyết trong đào tạo chính quy. Xu hướng trong tương lai chúng ta cần phải chú trọng hơn về mảng này để đào tạo. Hiện nay Trường Đại học Y tế cộng đồng bắt đầu đưa ra cái này nhưng chưa được một khóa nào cả, mới bắt đầu những khóa đầu tiên.
Còn đối với đào tạo ngắn hạn, đặc biệt là ở cấp cung cấp dịch vụ hiện nay, đa phần là họ chuyển tay ngang và họ chưa được đào tạo. Đào tạo nhóm này là phải kết hợp cả kiến thức phúc lợi xã hội, CTXH trong phúc lợi xã hội, CTXH trong lĩnh vực y tế, chăm sóc tại nhà, chăm sóc tại bệnh viện. Dù chăm sóc ở đâu thì cũng phải biết những kỹ năng này. Hiện nay chúng ta đang khiếm khuyết. Đối với nhóm này, đặc biệt ở cấp cơ sở,các cơ sở cung cấp dịch vụ cần phải có kết hợp đào tạo tốt hơn.
Khoảng trống về nhận thức
Một điểm trống nữa là có nhiều người đang nhầm lẫn giữa CTXH, dịch vụ CTXH với hoạt động trợ giúp xã hội, hoạt động xã hội khác có tính chất của CTXH, trong đó có cả các nhà quản lý, giảng viên các trường đại học, chính vì vậy mà chất lượng đào tạo cũng như hoạch định chiến lược phát triển dịch vụ CTXH chưa đúng hướng… CTXH mang tính chất chuyên môn, chuyên sâu. Còn bản thân những dịch vụ trợ giúp hoặc những cung cấp hiện nay của các cơ sở trợ giúp xã hội là rất cần thiết nhưng mới chỉ là sự kết hợp, còn tính chất chuyên môn, chuyên sâu của nó chính là sự tư vấn, tham vấn, trị liệu về mặt tâm lý, là vấn đè kết nối, truyền gửi, quản lý ca thì chưa bài bản. Hiện nay mới chỉ có các trung tâm CTXH cai nghiện thực hiện được những việc này. Theo khảo sát, trong số 25 nhóm dịch vụ chuyên môn chuyên sâu hiện nay thì Việt Nam mới triển khai được 9 nhóm và cũng mới là bước đầu.
Định hướng đào tạo CTXH và CTXH trong chăm sóc sức khỏe tâm thần
Tiến sĩ Nguyễn Hải Hữu - Chủ tịch Hội các Trường Đào tạo CTXH cho rằng, trong giai đoạn tới, cần khắc phục sự hạn chế của việc “bùng nổ” nhanh chóng số lượng các cơ sở đào tạo CTXH đã tạo ra những rào cản liên quan đến chất lượng nhân viên CTXH. Nhiều nghiên cứu cho thấy đa số các cơ sở đào tạo này chưa xây dựng được một chuẩn đầu ra phù hợp; chưa xây dựng được một bộ giáo trình đầy đủ và có chất lượng; năng lực đào tạo của một bộ phận giảng viên còn thấp bởi đa số từ ngành khoa học khác chuyển sang, thiếu trải nghiệm thực tiễn và chưa hiểu đúng bản chất của CTXH; đồng thời, thiếu hệ thống hướng dẫn thực hành, thực tập có kiểm huấn... Những thiếu hụt, yếu kém này là nguyên nhân khiến các cơ sở đào tạo CTXH hàng năm đào tạo những cử nhân CTXH chưa thực sự có đủ năng lực thực hành CTXH có chất lượng cao. Cần vận dụng kinh nghiệm quốc tế về định hướng chương trình nội dung đào tạo sao cho phù hợp với vị trí việc làm sau khi sinh viên tốt nghiệp ra trường; cần xác định rõ 4 lĩnh vực việc làm chính của sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành CTXH bao gồm lĩnh vực an sinh xã hội/trợ giúp xã hội; lĩnh vực y tế, lĩnh vực giáo dục và lĩnh vực tư pháp. Cần xác định một số môn học chuyên ngành bắt buộc hợp lý và mở rộng số lượng môn học tự chọn đề khuyến khích sinh viên tự định hướng lựa chọn các môn học phù hợp với việc lựa chọn việc làm sau khi tốt nghiệp. Việc lựa chọn cơ sở thực hành nghề CTXH cũng phải gắn với vị trí việc làm sau khi ra trường, như vậy sẽ nâng cao được chất lượng đào tạo. Đối với chuyên ngành CTXH trong lĩnh vực y tế nói chung và CTXH trong chăm sóc sức khỏe tâm thần nói riêng cần có những môn học bắt buộc liên quan đến cung cấp dịch vụ CTXH trong lĩnh vực y tế. Đồng thời công tác đào tạo ngắn hạn và dài hạn đều phải chú trọng đào tạo liên quan đến kỹ năng thực hành cung cấp dịch vụ công tác xã hội. Đây là những định hướng trong tương lai, kể cả các trường đại học cũng như các cơ quan lý Nhà nước tùy theo chức năng của mình mà cần quan tâm đến hai nhóm đó. Ngoài ra, cần phải làm cho các nhà quản lý, các giảng viên nhận thức đầy đủ hơn về dịch vụ CTXH và dịch vụ chăm sóc nuỗi dưỡng thông thường và các dịch vụ trợ giúp khác, có như vậy thì chất lượng đào tạo mới được cải thiện và nâng cao.
Hy vọng với một tiếp cận như vậy, chúng ta sẽ nâng cao được hơn nữa chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của chúng ta để đáp ứng yêu cầu cho phát triển CTXH đến năm 2020 và hướng đến tầm nhìn 2030./.
Mỹ Hạnh
TAG: