An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Những khó khăn trong công tác phục hồi chức năng cho người bệnh tâm thần ở Phú Thọ
06:22 AM 06/09/2022
(LĐXH)- Tỉnh Phú Thọ hiện có hơn 5.600 người mắc bệnh tâm thần và 214 người có nhu cầu được nuôi dưỡng tập trung tại cơ sở bảo trợ xã hội, trong đó có 4.185 người tâm thần nặng thuộc diện hộ nghèo...
Trên địa bàn đã có 5.029 người bệnh tâm thần hưởng trợ cấp hàng tháng tại cộng đồng; 130 người tâm thần nặng, lang thang có hành vi gây nguy hiểm được tiếp nhận vào quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng tại Trung tâm Trợ giúp xã hội và Phục hồi chức năng cho người tâm thần tỉnh Phú Thọ.
Nhiều năm qua, công tác phục hồi chức năng cho người tâm thần và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng đã được các cấp, các ban, ngành, đoàn thể ở Phú Thọ quan tâm phối hợp, chỉ đạo thực hiện hiệu quả. Qua đó đã tạo điều kiện cho người tâm thần và người rối nhiễu tâm trí sớm tái hòa nhập cộng đồng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, vừa đồng hành với người yếu thế trên địa bàn.
Tuy nhiên, công tác phục hồi chức năng cho người tâm thần và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng ở Phó Thọ còn gặp nhiều khó khăn và vấn đề phát sinh, nhất là việc quản lý, chăm sóc, điều trị bệnh cho người tâm thần nặng. Trong đó, công tác tư vấn, trị liệu tâm lý và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí tại cộng đồng còn hạn chế nên hiệu quả trợ giúp còn thấp; nhiều người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí còn bị xa lánh, kỳ thị dẫn đến khủng hoảng, bệnh lý trầm trọng hơn. Đa số gia đình, người thân của người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí có hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng và kinh nghiệm chăm sóc nên việc điều trị, phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí tại gia đình còn nhiều khó khăn.

Phục hồi chức năng cho người bệnh tâm thần tại Bệnh viện tâm thần Phú Thọ

Đa số người dân và một bộ phận gia đình có người mắc bệnh tâm thần chưa nhận thức rõ, cũng như chưa hiểu biết đầy đủ về kiến thức, phương pháp chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí nên hiệu quả phòng bệnh, chữa bệnh, trợ giúp chưa cao.
Đặc biệt, số người tâm thần có nhu cầu chữa bệnh đang quá tải so với khả năng thực tế của Bệnh viện tâm thần của tỉnh. Số lượng người tâm thần có hành vi gây nguy hiểm cho gia đình và cộng đồng cần đưa vào trung tâm đông, dù đã được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho Trung tâm Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần tỉnh song chưa đáp ứng nhu cầu.
Tại một số cơ sở chăm sóc người tâm thần chưa có nhiều mô hình lao động trị liệu phù hợp cho đối tượng là người tâm thần sau khi điều trị ổn định. Nhiều đối tượng bị sao nhãng, bỏ rơi, không có người đón về hòa nhập cộng đồng.
Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện chính sách trợ giúp và phục hồi chức năng cho người bệnh tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng ở Phú Thọ còn chưa phát huy được hiệu quả rõ nét về tính cộng đồng. Nguyên nhân là do việc trang bị kiến thức, kỹ năng cho người dân về phương pháp hỗ trợ người bệnh tâm thần còn hạn chế, chưa khắc phục được tình trạng đa số người dân còn xa lánh hoặc ngại tiếp xúc với người mắc bệnh tâm thần.
Công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa vào cộng đồng, chăm sóc tại cơ sở bảo trợ xã hội, điều trị tại các bệnh viện mới chỉ tập trung chủ yếu ở nhóm tâm thần thể nặng. Một số biểu hiện rối nhiễu tâm trí, tâm thần khác chưa được chú trọng. Các vấn đề về sức khỏe tâm thần đang được xem là vấn đề của ngành y tế, xu hướng chú trọng vào khía cạnh trị liệu hơn là phát hiện sớm và phòng ngừa; khả năng tiếp cận với các dịch vụ, cơ sở chăm sóc, chuẩn đoán còn hạn chế, công tác phát hiện, can thiệp sớm những người rối nhiễu tâm trí, người bệnh tâm thần tại cộng đồng chưa tích cực.
Bà Phạm Thị Thu Hương, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Phú Thọ, đánh giá: Do áp lực cuộc sống, di truyền, sang chấn tâm lý, tai nạn lao động, tai nạn giao thông, nghiện chất và nhiều nguyên nhân khác nhau nên số người mắc bệnh tâm thần phân liệt, loạn thần do rượu, trầm cảm, rối loạn cảm xúc, rối loạn hành vi và các thể bệnh tâm thần khác ngày càng gia tăng. Gia đình có người bệnh tâm thần thiếu kỹ năng, quản lý, nuôi dưỡng chăm sóc. Tình trạng người bệnh không duy trì thuốc chuyên khoa, không thăm khám đổi sổ, nhiều người bệnh bị nhốt, xích, cách ly xã hội hoặc đi lang thang, gây mất an ninh trật tự xã hội, không được tiếp cận dịch vụ trợ giúp xã hội phù hợp.
“Người mắc bệnh tâm thần, người rối nhiễu tâm trí ngày càng trẻ hóa, hành vi của người bệnh có những diễn biến bột phát, nguy hiểm cho cộng đồng. Các Trung tâm nuôi dưỡng người tâm thần không đáp ứng đủ việc chăm sóc, nuôi dưỡng người tâm thần. Do đó, tỉnh Phú Thọ rất cần đầu tư nguồn nhân lực, kinh phí đảm bảo công tác chăm sóc, phục hồi, nuôi dưỡng đối tượng” - Giám đốc Phạm Thị Thu Hương, trao đổi.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, thời gian tới tỉnh Phú Thọ sẽ tập trung huy động sự tham gia của xã hội, nhất là gia đình, cộng đồng để tăng cường trợ giúp về vật chất, tinh thần, chăm sóc, phục hồi chức năng cho người tâm thần và người rối nhiễu tâm trí hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống. Sàng lọc, phát hiện và hỗ trợ can thiệp, phòng ngừa người rối nhiễu tâm trí, đặc biệt là trẻ tự kỷ bị tâm thần nặng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp xã hội đối với người tâm thân và người rối nhiễu tâm trí…

Chí Tâm

TAG:
Tin khác
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
Thanh Trì: Tập huấn Bình đẳng giới trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội
Hà Nội: Lan toả tinh thần “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”
Yên Bái: Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho thân nhân liệt sĩ
Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát toàn quốc: Cần sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và cộng đồng
Thị xã Phú Thọ sâu tình nặng nghĩa với người có công
Thái Nguyên: Phát huy hiệu quả nguồn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa
Phòng chống bạo lực thể chất, tinh thần, phân biệt đối xử với trẻ em và trẻ em khuyết tật
Vĩnh Long: Tạo sinh kế bền vững cho người nghèo