Bình đẳng giới
Trang chủ / Xã hội / Bình đẳng giới
Những kết quả nổi bật sau 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới ở Bắc Giang
02:27 PM 27/07/2017
(LĐXH) - Trong 10 năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Bắc Giang đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc tuyên truyền và thực hiện nhiều chính sách cụ thể, tạo nhiều cơ hội và thuận lợi để phụ nữ được phát huy tiềm năng, sức sáng tạo, sự linh hoạt trong học tập, công tác và đời sống. Nhờ đó, vai trò, vị trí của phụ nữ trong xã hội ngày càng được khẳng định với nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Trong công tác quy hoạch cán bộ nữ, với mục tiêu “Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị”, những năm qua, các ngành, các cấp trong tỉnh đã thay đổi nhận thức, giảm dần các định kiến, các quan niệm thiên lệch về vai trò của nam và nữ trong gia đình và xã hội. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi trong công việc, nâng cao kiến thức về chính trị, kỹ năng quản lý, lãnh đạo cho các cán bộ chủ chốt, trong đó có cán bộ nữ. Tích cực tham mưu, giới thiệu nhân sự nữ tham gia ứng cử Đại biểu Quốc hội Khóa XIV, Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.  Đến nay, toàn tỉnh có 36,76% các sở, ban, ngành, đoàn thể và 9,29% UBND các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ; 50% cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội có lãnh đạo chủ chốt là nữ  ở những cơ quan, tổ chức có tỷ lệ 30% trở lên nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV đạt 62,5%; tỷ lệ nữ đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021: cấp tỉnh đạt 22,35%; cấp huyện 25,64%; cấp xã đạt 22,5%. Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2016-2020: cấp tỉnh đạt 15,09%; cấp huyện 11,87%; cấp xã 16,29%.

Hội nghị nói chuyện chuyên đề về bình đẳng giới tại 3 thôn thực hiện
Mô hình thí điểm về dịch vụ tư vấn, hỗ trợ về bình đẳng giới tại xã Biên Sơn, huyện Lục Ngạn

Đội ngũ cán bộ nữ của tỉnh từng bước phát triển, trưởng thành cả về số lượng và chất lượng, cơ bản đáp ứng được nhiệm vụ trong sự nghiệp đổi mới của Đảng. Việc bố trí, sắp xếp việc làm cho cán bộ nữ phù hợp với trình độ, năng lực chuyên môn, hoàn cảnh gia đình, tạo điều kiện thuận lợi cho chị em yên tâm công tác, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Bản thân cán bộ nữ đã chủ động khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu, nâng cao phẩm chất và trình độ mọi mặt, tự khẳng định mình trong công tác, biết kết hợp hài hòa giữa công việc gia đình và công tác xã hội.
Trong lĩnh vực kinh tế-lao động-việc làm, tỉnh đã triển khai tổ chức thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm”, tập trung vào khu vực nông thôn, vùng dân tộc thiểu số; tổ chức tập huấn khởi sự doanh nghiệp, nâng cao kiến thức kỹ năng quản lý, phát triển doanh nghiệp và tham quan mô hình sản xuất kinh doanh giỏi... Tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ cho phụ nữ tiếp cận được với các chương trình của nhà nước để thuận lợi vay vốn làm ăn, đặc biệt là phụ nữ nghèo làm chủ hộ được hỗ trợ giúp đỡ thoát nghèo. Thực hiện đầy đủ các quyền lợi, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động theo đúng quy định. Hội phụ nữ các cấp cũng đã có nhiều hoạt động giúp đỡ hội viên trong cuộc sống như: Đã huy động được gần 520 tỷ đồng giúp gần 700 nghìn lượt phụ nữ vay vốn để phát triển kinh tế; Vận động ủng hộ hỗ trợ xây mới 403 căn nhà tình thương, trị giá 7,8 tỷ đồng cho phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; Mở rộng và nâng cao chất lượng các hoạt động tín dụng trên địa bàn, số vốn các cấp Hội quản lý ngày một tăng, nguồn vốn đa dạng, từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của hội viên phụ nữ. Tính đến 31/03/2017, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh nhận tín chấp, uỷ thác với Ngân hàng CSXH và Ngân hàng NN&PTNN 2.284 tỷ đồng cho 71.526 hội viên vay phát triển kinh tế; phối hợp đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm cho trên 200 nghìn lao động nữ.
Hằng năm, trong tổng số người được tạo việc làm mới, có 50,71% là nữ giới; Tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp đạt 21,6%; Tỷ lệ lao động nữ được đào tạo chuyên môn kỹ thuật/tổng số người được đào tạo chuyên môn kỹ thuật đạt 25,5%; Tỷ lệ nữ ở vùng nông thôn nghèo, vùng dân tộc thiểu số có nhu cầu được vay vốn ưu đãi từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng chính thức đạt trên 85%; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị đối với lao động nữ giảm xuống còn 0,96%.
Công tác giáo dục và đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ cũng luôn được cấp ủy, chính quyền ở các cấp, các ngành quan tâm. Đội ngũ cán bộ, công chức từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên được cử đi đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao nhận thức chính trị và năng lực chuyên môn, trình độ quản lý. Bên cạnh đó còn có chính sách dành cho cán bộ nữ khi tham gia đào tạo, cụ thể: cán bộ, công chức, viên chức nữ được cử đi đào tạo nghiên cứu sinh trình độ Tiến sĩ sẽ được hỗ trợ 60 triệu đồng.
Chất lượng đội ngũ giáo viên ngày càng được nâng lên về mọi mặt. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT lớp 12 hàng năm duy trì trên 97%, năm 2016 đạt 98,64%. Học sinh đỗ và điểm trung bình thi vào các trường cao đẳng, đại học xếp thứ hạng cao, luôn nằm trong tốp 15 toàn quốc. Quy mô trường lớp các cấp học tại vùng dân tộc, vùng khó khăn phát triển hợp lý đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Đến hết năm 2016, toàn tỉnh có 10/10 huyện, thành phố và 224/230 xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2 (đạt 97,4%) và tỉnh được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi. Tỷ lệ biết chữ của nam và nữ trong độ tuổi từ 15 đến 40 ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn đạt 99,98%; Tỷ lệ nữ thạc sỹ đạt 56%; tỷ lệ nữ tiến sỹ đạt 40% (so với tổng số người có cùng trình độ).
Hoạt động chăm sóc sức khoẻ, bảo đảm thụ hưởng các dịch vụ văn hóa- thông tin cho phụ nữ và trẻ em cũng được tỉnh chú trọng. Thời gian qua, Bắc Giang đã có nhiều hoạt động tập trung nhằm nâng cao nhận thức về giới, thay đổi hành vi trong chăm sóc sức khỏe phụ nữ và kế hoạch hóa gia đình. Đổi mới và phát triển mạng lưới tư vấn sức khỏe, nhất là sức khỏe sinh sản; giáo dục giới tính và tình dục an toàn vị thành niên; vận động nam, nữ áp dụng các biện pháp tránh thai; tuyên truyền, hướng dẫn phụ nữ biết cách chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình; phòng trừ bệnh dịch. Đồng thời, phát triển cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nhất là chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ. 100% số xã có trạm y tế và bác sỹ làm việc, được cung cấp trang thiết bị cơ bản, quỹ thuốc thiết yếu và phương tiện chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình. Đến nay, tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản giảm xuống 47/100.000 trẻ đẻ sống; tỷ lệ phụ nữ mang thai được tiếp cận dịch vụ chăm sóc và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con lên 73%; tỷ số giới tính khi sinh 115,7 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái; các biện pháp tránh thai được cung cấp đầy đủ, kịp thời và miễn phí tại trạm y tế xã, phường, thị trấn tạo thuận lợi cho sự lựa chọn của người dân trong độ tuổi sinh đẻ.
Bên cạnh đó, các chiến dịch truyền thông, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh và tệ nạn xã hội; các chuyên mục chính sách, pháp luật về BĐG, y tế và sức khoẻ cộng đồng trên phương tiện thông tin đại chúng cũng được thực hiện thường xuyên. Hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao được xã hội hóa cao và triển khai rộng khắp, các hoạt động phong trào, hội thi quần chúng đều có phụ nữ tham gia tích cực, nhiều chị em phụ nữ giữ vai trò chủ đạo và đạt giải cao.  
Tỉnh thường xuyên tổ chức các hội nghị tập huấn để nâng cao nhận thức về công tác bình đẳng giới
Với sự tham gia tích cực của các cơ quan, đơn vị, đoàn thể và các địa phương, công tác phòng, chống bạo lực và bình đẳng giới trong gia đình được đẩy mạnh. Nhiều phong trào, chương trình, hội thảo đã được thực hiện, như: Hội thảo "Truyền thông và chia sẻ kinh nghiệm phòng chống bạo lực gia đình"; xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”; các phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”... Bên cạnh đó, Bắc Giang còn triển khai nhiều mô hình giúp phụ nữ tự tin, hiểu biết, chia sẻ kinh nghiêm, phòng tránh các tệ nạn xã hội như: Phụ nữ làm kinh tế giỏi; mô hình dịch vụ gia đình; ngăn ngừa giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới; nhóm tư vấn cộng đồng; địa chỉ tin cậy; nhà tạm lánh... Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 958 câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình với trên 23.800 nghìn hội viên tham gia; trên 200 mô hình địa chỉ tin cậy tại cộng đồng được hoạt động đã góp phần phát hiện, giúp đỡ nạn nhân bị bạo lực gia đình và chủ động phát hiện, tư vấn cho người gây bạo lực gia đình; 80 mô hình dịch vụ gia đình. Các địa chỉ tin cậy đã thực hiện hòa giải 480 vụ mâu thuẫn gia đình; tư vấn, tiếp nhận, giúp đỡ gần 40 nạn nhân bị bạo lực gia đình, mua bán trở về. 100% các hộ gia đình ở địa phương có CLB được tuyên truyền, học tập Luật phòng, chống bạo lực gia đình, Luật bình đẳng giới. 90-95% số hộ gia đình có nhiều thế hệ chung sống được tuyên truyền thực hiện ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, xây dựng gia đình bền vững, hạnh phúc.
Để đảm bảo sự bình đẳng giới giữa nam và nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội,  đặc biệt phát huy vai trò, tiềm năng của phụ nữ trong sự nghiệp CNH-HĐH đất nước, thời gian tới, tỉnh Bắc Giang sẽ tiếp tục đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về bình đẳng giới. Chú trọng phát hiện bồi dưỡng giới thiệu những cán bộ nữ đủ tiêu chuẩn, điều kiện đưa vào nguồn quy hoạch, đề bạt tham gia bộ máy lãnh đạo các cấp. Hỗ trợ phụ nữ học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, lao động, việc làm, y tế, giáo dục... từng bước giảm dần khoảng cách giữa nam và nữ, tạo điều kiện cho phụ nữ được tiếp cận và thụ hưởng các giá trị của đời sống xã hội, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc./.
Cảnh Minh
TAG:
Tin khác
Sơn La: Năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 11,1%
Tăng cường công tác phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh
Đắk Nông: Phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2024
Chi nhánh NHCSXH Hà Nội chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ đồng bào khó khăn sau bão
Khánh thành và bàn giao công trình xây dựng nhà nội trú cho ngôi trường tại huyện vùng cao Bắc Mê
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương về đánh giá 30 năm thực hiện Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh
Hành trình gieo mầm tri thức của cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương
Ninh Thuận phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
Kon Tum: Tích cực tiếp sức cho người khuyết tật