Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Nhìn lại 10 năm thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa ở Thừa Thiên Huế
04:15 PM 16/10/2017
(LĐXH) – Theo báo cáo của Sở LĐ-TBXH tỉnh Thừa Thiên Huế, toàn tỉnh hiện có trên 100 nghìn lượt người có công với cách mạng, trong đó có gần 19.000 liệt sỹ, 13.000 thương bệnh binh, 1.933 mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước bà mẹ Việt Nam Anh hùng (hiện có 125 mẹ còn sống); gần 5.000 cán bộ, chiến sỹ bị địch bắt tù đày; 30 nghìn người hoạt động kháng chiến, gần 3.500 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học, hơn 20 nghìn người có công giúp đỡ cách mạng...
Xác định việc chăm lo đời sống người có công vừa là nhiệm vụ chính trị quan trọng, vừa thể hiện đạo lý truyền thống uống nước nhớ nguồn cao đẹp của dân tộc, những năm qua, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Thừa Thiên Huế đã chung sức, đồng lòng triển khai nhiều việc làm thiết thực để thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách người có công và công tác “Đền ơn đáp nghĩa”. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội còn tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh phát động nhiều phong trào tình nghĩa với các hình thức đa dạng, phong phú, thu hút các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân tham gia như: phong trào đóng góp xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; xây dựng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa; chăm sóc phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng. Đặc biệt, phong trào nhận phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng và thân nhân liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn được quan tâm thực hiện chu đáo. 
Đoàn người có công tỉnh Thừa Thiên Huế trong buổi gặp mặt Bộ Quốc Phòng nhân dịp đoàn ra thăm Thủ đô Hà Nội
Trong 10 năm qua, tỉnh đã thực hiện chi trả trợ cấp đầy đủ, kịp thời cho gần 22.000 người đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Các cấp, các ngành trong tỉnh đã rà soát, xác minh, đối chiếu, giải quyết cho hơn 24.000 trường hợp hưởng chế độ, chính sách có công các loại, gồm: 364 người là lão thành cách mạng; 182 người là cán bộ tiền khởi nghĩa; công nhận 132 liệt sĩ, 74 thương binh, 44 bệnh binh, 847 người hoạt động kháng chiến nhiễm chất độc hoá học, 1.618 người có công giúp đỡ cách mạng, 3.086 người bị địch bắt tù đày, 1.261 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, 236 thanh niên xung phong, hơn 15.000 hồ sơ thờ cúng liệt sĩ...Từ ngân sách nhà nước hỗ trợ cùng với việc vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã xây dựng, sữa chữa 7.375 ngôi nhà tình nghĩa với tổng kinh phí 167,8 tỷ đồng; tặng 8.005 sổ tiết kiệm cho các gia đình chính sách; vận động các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng, chăm sóc suốt đời tất cả các Bà mẹ VNAH còn sống; tổ chức điều dưỡng cho 70.108 lượt người có công ở trong và ngoài tỉnh. Hàng năm, đã tổ chức Đoàn Người có công tiêu biểu đi thăm Lăng Bác, tham quan các danh lam thắng cảnh tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc; gặp gỡ, tiếp xúc, đề đạt nguyện vọng của mình với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các Bộ, ngành Trung ương.
Công tác đầu tư xây dựng, nâng cấp, chỉnh trang, tu bổ các công trình ghi công và các nghĩa trang liệt sĩ đã được quan tâm đúng mức. 10 năm qua, chính quyền các cấp đã huy động hơn 200 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp, chỉnh trang, tu bổ các nghĩa trang liệt sĩ, hàng chục nhà bia ghi danh, đền tưởng niệm và các công trình ghi công liệt sĩ khác. Nhiều công trình trở thành thiết chế văn hóa ở địa phương như Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Huế, Nghĩa trang liệt sĩ huyện Phong Điền, Đền liệt sĩ huyện Quảng Điền... Hệ thống cơ sở dịch vụ và sự nghiệp để phục vụ thương binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng điều dưỡng, phục hồi sức khỏe cũng được đầu tư, nâng cấp.
Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đã được Đảng và Nhà nước hết sức chú trọng. Tỉnh đã thành lập đội công tác đặc biệt chuyên trách thực hiện nội dung này. Từ năm 2013 đến nay, các cấp, các ngành và nhân dân đã tìm kiếm, phát hiện, qui tập gần 200 hài cốt liệt sĩ ở trong nước và quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam hy sinh trên đất nước bạn Lào đưa về an táng tại địa phương (trong đó có 95 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam hy sinh trên đất nước bạn Lào). Đã phối hợp với các cơ quan Trung ương khẩn trương làm tốt việc xác định danh tính các liệt sĩ, góp phần giúp các thân nhân liệt sĩ sớm có tin tức về người thân của mình; thông báo phần mộ liệt sĩ tại các nghĩa trang và giúp đỡ gia đình, người thân của liệt sĩ đến thăm viếng.
Cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể các cấp cũng đã thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách ưu đãi về giáo dục đào tạo, cấp thẻ bảo hiểm y tế, dạy nghề, tạo việc làm cho con em các gia đình chính sách; tổ chức các đoàn về thăm chiến khu xưa... Con liệt sĩ, thương binh được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm chăm sóc, tạo điều kiện học hành, công tác hoặc sản xuất, kinh doanh, nhiều người đã vượt khó vươn lên thành đạt.
Cùng với việc thực hiện các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước, hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” đối với người có công với nước đã trở thành một hoạt động thường xuyên và sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh. Cấp ủy Đảng, chính quyền cùng với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị, xã hội và nhiều đơn vị, cá nhân đã tự nguyện vận động và tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: tặng nhà tình nghĩa, xây dựng “Quỹ đền ơn đáp nghĩa”, thành lập “Tổ thương binh tình nghĩa”, “Đi tìm đồng đội”, “Xã, phường làm tốt công tác chăm sóc người có công”… đã mang lại hiệu quả to lớn, thiết thực.
Bên cạnh những kết  quả đã đạt được, công tác chăm sóc người có công trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc. Việc giải quyết khối lượng hồ sơ quá nhiều, trong đó có nhiều hồ sơ thông tin không thống nhất với hồ sơ gốc; nhiều hồ sơ thiếu sót cần điều chỉnh, bổ sung dẫn đến  việc đề nghị phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng và việc đính chính thân nhân trong hồ sơ người có công…bị chậm trễ. Đến nay, vẫn còn nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, chưa được xác định danh tính.
Bà Phan Minh Nguyêt, Phó Giám đốc Sở LĐ-TBXH tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục tổ chức quán triệt Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 25/ 01/ 2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo thực hiện chính sách ưu đãi người có công; Chỉ thị số 16-CT/TU ngày 29/ 12/ 2016 của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác người có công cách mạng. Đồng thời, chỉ đạo các cấp uỷ đảng, chính quyền làm tốt công tác tuyên truyền để mọi người dân trên địa bàn tỉnh nhận thức đầy đủ các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác thương binh, liệt sỹ, khơi dậy tình cảm, trách nhiệm của nhân dân trong việc chăm sóc người có công với cách mạng.
T. Quyên

 

TIN LIÊN QUAN
TAG:
Tin khác
Từ 1/7, người đủ 75 tuổi sẽ nhận trợ cấp hưu trí 500.000 đồng/tháng
Nestlé Việt Nam trao tặng hơn 17.000 sản phẩm nhân dịp Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025
Chuyến xe yêu thương dành cho các bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn
Xe ôm công nghệ tắt app, kiếm tiền triệu nhờ vận chuyển cây cảnh dịp Tết
Sở LĐ-TB&XH TP.HCM tổ chức họp mặt chúc tết cán bộ hưu trí của Sở qua các thời kỳ
Hưng Yên: Thực hiện kịp thời trợ cấp xã hội hàng tháng cho trên 64.000 đối tượng
Năm 2030 sẽ triển khai tàu khách tốc độ 120 km/h
Nhộn nhịp chợ hoa Quảng An, Hà Nội ngày cận Tết Ất Tỵ 2025
Hội chợ Tết 3 miền Xuân Ất Tỵ: “Đậm tình nguồn cội, Trọn nghĩa yêu thương”