Nhiều mô hình phát triển kinh tế ở Chiềng San (Sơn La), giúp người dân giảm nghèo bền vững
Khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, những năm gần đây, xã Chiềng San (huyện Mường La, tỉnh Sơn La) đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, khuyến khích bà con ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, giúp giảm nghèo bền vững.
Ông Cầm Văn Luân, Chủ tịch UBND xã Chiềng San cho biết: Để giúp người dân phát triển kinh tế, xã đã bám sát các chủ trương của huyện, tỉnh, triển khai nhiều giải pháp thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; hướng dẫn người dân đưa những giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao vào trồng thay thế những cây lương thực kém hiệu quả; tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa... Đồng thời, phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho bà con; tạo điều kiện để bà con tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất. Trong năm nay, từ nguồn vốn của các Chương trình 135, 30a, nông thôn mới, xã đã giao hơn 18.000 cây giống xoài, nhãn cho các hộ dân ở các bản Nong Luồng, Keo Ớt, bản Lâm, bản Chiến để đưa vào sản xuất.
Nông dân xã Chiềng San (Mường La) thu hoạch chuối
Được biết, hiện toàn xã có 1.300 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó gần 80 ha lúa nước 2 vụ, 492 ha ngô, 66 ha sắn, hơn 100 ha chuối và hơn 15 ha rau màu các loại. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc, từ năm 2017 bà con đã cải tạo vườn tạp, trồng mới gần 100 ha cây ăn quả các loại, chủ yếu là xoài, nhãn... nâng diện tích cây ăn quả trên địa bàn xã lên hơn 600 ha, sản lượng ước gần 1.000 tấn quả các loại/năm.
Bên cạnh đó, bà con còn tu sửa, làm chuồng trại chăn nuôi gia súc nhốt chuồng. Ngoài nguồn thức ăn từ rơm rạ, cây chuối... người dân còn trồng hơn 60 ha cỏ voi VA06 để làm thức ăn cho gia súc. Từ đầu năm đến nay, cán bộ thú y xã phối hợp với các bản tiêm 2.600 liều vắc xin phòng bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng cho trâu, bò; 650 liều vắc xin phòng dịch tả lợn; phun 114 lít tiêu độc khử trùng tại các chuồng trại chăn nuôi. Ngoài ra, duy trì mô hình chăn nuôi lợn rừng với 124 con ở bản Pá Chiến; chăn nuôi thỏ ở bản Chiến, với tổng đàn 700 con... Hiện, tổng đàn vật nuôi toàn xã lên 1.800 con trâu, bò, 1.470 con dê, hơn 1.780 con lợn và trên 12.500 con gia cầm. Đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ hộ nghèo ở xã giảm còn 27%.
Nong Luồng là bản phát triển kinh tế khá của xã, nhiều hộ dân thu nhập trên 100 triệu đồng/năm từ chăn nuôi và trồng trọt, như hộ gia đình các ông: Lò Văn Cường, Lò Văn Giá, Lò Văn Mẳn.... Trưởng bản Lò Văn Sen cho biết: Bản có 200 hộ dân, chủ yếu là dân tộc Thái. Hằng năm, bà con thâm canh 200 ha ngô, 25 ha lúa nước 2 vụ, 20 ha chuối, tổng sản lượng lương thực ước hơn 700 tấn/năm. Đồng thời, duy trì nuôi trên 600 con gia súc và hơn 4.000 con gia cầm. Các hộ dân trong bản đã liên kết với doanh nghiệp ghép cải tạo vườn xoài, quy mô 20 ha và trồng mới 20 ha xoài, hiện diện tích này đang phát triển tốt.
Trong thời gian tới, xã Chiềng San tiếp tục khuyến khích bà con phát triển mô hình chăn nuôi, trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao theo hướng tập trung, nhân rộng các mô hình kinh tế hộ gia đình; chỉ đạo cán bộ khuyến nông xã hướng dẫn nông dân sản xuất đúng mùa vụ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tăng giá trị thu nhập trên diện tích đất canh tác... Với quyết tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự nỗ lực của người dân, cùng sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án của Nhà nước sẽ giúp Chiềng San xóa đói, giảm nghèo bền vững, từng bước nâng cao đời sống người dân, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới.
Huyền Trang
TAG: