An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Nhiều cách làm hay giúp dân xóa đói, giảm nghèo ở Cà Mau
12:35 PM 26/04/2020
Theo thống kê năm 2019, công tác giảm nghèo của tỉnh Cà Mau đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận với tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,32% (giảm 1,74% so với kế hoạch); tỷ lệ hộ cận nghèo giảm còn 2% (giảm 0,63% so với kế hoạch).
Đặc biệt, bằng nhiều giải pháp giảm nghèo đồng bộ, thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã có hàng trăm ấp không còn hộ nghèo.
Từ những mô hình hay...
Trên tuyến đường về ấp Lê Hoàng Thá, xã Tân Bằng (Thới Bình), nhìn những ngôi nhà kiên cố, khang trang vừa mọc lên, chúng tôi mới cảm nhận hết thành quả từ sự nỗ lực của chính quyền địa phương và bà con nơi đây trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Từ một ấp khó khăn, heo hút, bằng sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, đến nay, ấp Lê Hoàng Thá trở thành điểm sáng về Mô hình “xóa trắng hộ nghèo” của địa phương. Dẫn chúng tôi tham quan một vòng quanh ấp, nhìn những cánh đồng lúa xanh mướt được kết hợp nuôi tôm càng xanh đang chờ mùa thu hoạch, ông Đoàn Văn Hiện, Trưởng ấp Lê Hoàng Thá, khoe: “Đây là một trong những mô hình giúp người dân trong ấp vươn lên thoát nghèo thời gian qua. Từ một vụ lúa “5 ăn, 5 thua”, đời sống cơ cực, khi mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa nhen nhóm, bà con đã tận dụng cả diện tích vườn tạp, mở rộng thêm 100ha, nâng tổng số diện tích mô hình đến nay lên gần 480ha. Với mô hình này, bà con vừa ít tốn chi phí, năng suất cao mà lợi nhuận cũng gấp đôi so với trồng lúa hay nuôi tôm thông thường”.
Mô hình tôm-lúa giúp bà con có nguồn thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo
Tương tự, là nơi có “rừng vàng, biển bạc” nhưng trước đây U Minh bị coi là “túi nghèo” của tỉnh Cà Mau. Song, với quyết tâm vượt qua nghèo khó của chính quyền và người dân, những lợi thế, tiềm năng từ đất rừng ở U Minh đã được đánh thức. Gặp gỡ nhiều người dân cả đời bám trụ đất rừng mới biết, trồng rừng thâm canh đã trở thành một trong những mô hình xóa đói, giảm nghèo hiệu quả tại địa phương. Ông Trương Hòa Lợi, xã Khánh Thuận, huyện U Minh, cho biết: “Trong 5 năm gần đây, nhờ địa phương hướng dẫn công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, phần lớn hộ trồng rừng ở U Minh Hạ đã nắm vững cách thức trồng rừng theo hình thức thâm canh. Với hình thức này, sản lượng gỗ thu được cao gấp hai đến ba lần so với cách trồng rừng theo kiểu quảng canh truyền thống, lợi nhuận cũng tăng gấp đôi”.
...đến việc khơi dậy tinh thần vươn lên
Theo thống kê, toàn tỉnh Cà Mau có hơn 100/949 ấp, khóm trên địa bàn toàn tỉnh không còn hộ nghèo. Để có được kết quả trên, cái hay trong cách làm của tỉnh Cà Mau là biết khơi dậy tinh thần vươn lên của từng hộ dân và trao sinh kế kết hợp cầm tay chỉ việc để bà con từng bước thoát nghèo bền vững. Điển hình như ấp Ông Như, xã Tân Ân Tây (Ngọc Hiển), xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, nên chính quyền địa phương cùng các đoàn thể thường xuyên gặp gỡ từng hộ nghèo, nắm rõ hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng để có biện pháp hỗ trợ phù hợp, kịp thời. Ông Bùi Lũy, Bí thư chi bộ, Trưởng ban nhân dân ấp Ông Như, cho biết: “Đối với những hộ cần mở rộng mô hình sản xuất, mua bán thì địa phương xem xét hỗ trợ vốn. Đối với hộ chưa có việc làm ổn định thì đẩy mạnh đào tạo nghề, giới thiệu việc làm. Hộ nào khó khăn về nhà ở thì vận động, tạo điều kiện xây mới, sửa chữa nhà ở… Nhờ vậy, đến nay, toàn ấp có gần 70% hộ khá, giàu, đặc biệt không có hộ nghèo”.
Ngoài việc chọn những hộ nghèo chí thú làm ăn để hỗ trợ, đối với đối tượng nghèo nhưng do không chí thú làm ăn, cờ bạc, rượu chè, cán bộ ấp trực tiếp đồng hành, kèm cặp theo kiểu “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn bà con cách làm ăn và tích cực tuyên truyền nhằm phát huy tối đa nội lực, tinh thần tự vươn lên của những hộ nghèo. Là hộ thoát nghèo cuối cùng của ấp Ông Như, ông Huỳnh Văn Tích nhớ lại, trước đây do không có nghề nghiệp ổn định, không đất sản xuất, nhà ở tạm trên phần đất của họ hàng, hằng ngày ông lại hay uống rượu nên làm mãi không đủ trang trải cuộc sống. “Cũng nhờ chính quyền địa phương động viên, chỉ cho cách làm ăn rồi hỗ trợ xây dựng ngôi nhà theo Chương trình 167. Từ khi có được nhà ở ổn định, vợ chồng tôi yên tâm lao động sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo. Giờ mới thấy làm lụng vất vả, cực khổ bao nhiêu cũng không sợ, chỉ sợ mình không cố gắng. Mà đã mang cái danh hộ nghèo, bản thân mình tự thấy ngại với bà con chòm xóm”, ông Tích bộc bạch.
Còn tại ấp Lê Hoàng Thá, xã Tân Bằng (Ngọc Hiển), để từng bước xóa trắng hộ nghèo, ngoài triển khai những mô hình kinh tế hiệu quả, địa phương còn thành lập các câu lạc bộ (CLB) nghề nghiệp. Trong đó, CLB phụ nữ khuyết tật xã Tân Bằng đang hoạt động rất tốt. Theo đó, những chị em không đủ sức lao động được hỗ trợ học nghề thêu, kết cườm, làm bình hoa... Ban chủ nhiệm CLB giới thiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm. Ngoài ra, các thành viên có đủ sức khỏe thì được nhận vào tổ hợp tác làm dây trói cua hay tham gia CLB nấu ăn. Ngoài việc đào tạo nghề cho hội viên, CLB cũng làm dịch vụ, phục vụ nấu đám tiệc trên địa bàn xã và các địa phương lân cận… Chủ tịch UBND xã Tân Bằng Lê Hoàng Phương nói: “Với những công việc nhẹ nhàng cũng giúp chị em có thêm thu nhập mỗi tháng từ 2 đến 3 triệu đồng. Từ những mô hình này chúng tôi muốn cho bà con biết, khi có quyết tâm thì không gì là khó. Để có thể thoát nghèo thì tinh thần vươn lên là yếu tố quyết định 30% thành công”.
Nhận định về công tác giảm nghèo thời gian qua, theo ông Thân Đức Hưởng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau: Các mô hình giảm nghèo ở Cà Mau đã mang lại hiệu quả thiết thực. Thành công của Cà Mau là phát huy được vai trò đảng viên, người có uy tín trong việc khơi dậy tinh thần vươn lên của các hộ nghèo. “Năm 2020, tỉnh Cà Mau đặt mục tiêu phấn đấu giảm 0,5% hộ nghèo và tỷ lệ hộ cận nghèo giảm từ 0,3% trở lên. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau tăng cường chỉ đạo các cấp, ngành tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững thời gian tới”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nhấn mạnh./.
Ngọc Quyên
TAG:
Tin khác
Huyện Đức Thọ: Không ngừng nâng cao đời sống người có công
Nghệ An chăm lo chu đáo đối với người có công
Thành phố Bắc Giang: Thực hiện tốt công tác Đền ơn đáp nghĩa
Bắc Giang: Chung tay hỗ trợ nhà ở cho người có công
Bắc Giang: Thiết thực tri ân người có công
Chuyển biến tích cực về cải cách hành chính trong lĩnh vực người có công ở Bắc Giang
Hà Tĩnh giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo
Phòng chống bạo lực học đường dưới góc nhìn của các đại biểu Quốc hội trẻ em
Phú Yên tập trung xóa nhà tạm cho người nghèo