Quảng Ninh: Tăng cường công tác ATVSLĐ trong khai thác đá
(LĐXH) – Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc chấn chỉnh công tác đảm bảo an toàn trong quá trình khai thác đá trên địa bàn tỉnh, từ ngày 11/4/2016 đến 15/4/2016, các địa phương của tỉnh Quảng Ninh đã đồng loạt tiến hành thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp, cơ sở khai thác
Từ ngày 11/4/2016 đến 15/4/2016, Sở Lao động - TB&XH đã chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng và UBND thành phố,thị xã: Cẩm Phả, Uông Bí, Quảng Yên, Đông Triều tiến hành trực tiếp thanh tra tại 05 doanh nghiệp khai thác đá; UBND huyện Hoành Bồ cũng đã chủ trì phối hợp với Sở Lao động - TB&XH, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành kiểm tra tại 12 doanh nghiệp khai thác đá trên địa bàn huyện; các đơn vị còn lại, trên cơ sở đề cương và yêu cầu của Sở Lao động - TB&XH, đã thực hiện tự kiểm tra và báo cáo kết quả với cơ quan chức năng.
Qua công tác thanh tra, kiểm tra cho thấy các doanh nghiệp trong lĩnh vực khai thác đá trên địa bàn tỉnh đã cơ bản thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở như: đã thành lập và tổ chức bộ máy làm công tác an toàn, vệ sinh lao động, bố trí cán bộ làm công tác AT-VSLĐ; thành lập mạng lưới an toàn vệ sinh viên; đã xây dựng Kế hoạch AT-VSLĐ hằng năm và tổ chức thực hiện và đánh giá việc thực hiện so với kế hoạch; thực hiện trang bị, cấp phát một số phương tiện bảo vệ cá nhân và tổ chức khám sức khỏe và huấn luyện định kỳ về AT-VSLĐ cho người lao động; các máy, thiết bị đang sử dụng có nội quy an toàn, quy trình vận hành và được kiểm định, khai báo theo quy định; đã tổ chức kiểm tra, giám sát về công tác AT-VSLĐ trong quá trình kiểm tra có đôn đốc nhắc nhở người lao động thực hiện đúng quy trình, quy phạm và xử lý các trường hợp vi phạm về AT-VSLĐ…
Các đơn vị cũng đã bám sát các quy định trong Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về an toàn khai thác chế biến đá (QCVN 05 : 2012/BLĐTBXH) và các quy định về an toàn lao động có liên quan; thực hiện các quy định về kỹ thuật an toàn trong khai thác đá như: Bổ nhiệm giám đốc điều hành mỏ, có đủ hồ sơ thiết kế, có tài liệu địa chất, hằng năm có cập nhật trắc địa khu vực khai thác; có hồ sơ pháp lý quản lý và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp. Hệ thống máy nghiền, sàng chế biến đá có bao che bộ phận truyền chuyển động, có mái che mưa nắng cho thiết bị và có hệ thống phun nước chống bụi.
Tuy nhiên, bên cạnh việc đã làm được, một số đơn vị vẫn chưa nghiêm túc thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ các quy định về công tác ATVSLĐ trong doanh nghiệp nói chung cũng như các yêu cầu trong lĩnh vực khai thác đá nói riêng, cụ thể: Một số đơn vị chưa xây dựng và ban hành Quy chế hoạt động của mạng lưới AT-VSV theo quy định tại Thông tư 01/2011/TTLT-BLĐTBXH-BYT ngày 10/01/2011; chưa thực hiện việc phân loại lao động theo danh mục công việc để tổ chức huấn luyện AT-VSLĐ cho người lao động theo quy định tại Thông tư số 27/2013/TT-BLĐTBXH; chưa thực hiện việc phân loại đầy đủ lao động theo nghề, công việc thuộc danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để thực hiện bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động theo quy định. Một số đơn vị chưa tổ chức khám sức khoẻ định kỳ đầy đủ cho người lao động; chưa tổ chức huấn luyện AT-VSLĐ đầy đủ cho người sử dụng lao động và lao động theo quy định. Chưa xây dựng đầy đủ các nội quy, quy trình vận hành các máy, thiết bị, một số công việc chưa có đầy đủ biện pháp an toàn; chưa xây dựng phương án xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp; chưa lập sổ giao việc cho người lao động theo quy định.
Tại hiện trường sản xuất của các đơn vị vẫn có thiếu sót, tồn tại, tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến tai nạn lao động hoặc sự cố thiết bị, đó là: Tại một số vị trí đặt máy, thiết bị không có bảng nội quy an toàn, quy trình vận hành hoặc có nhưng không đặt ở vị trí dễ đọc, dễ thấy; một số khu vực đặt máy nén khí chưa có nhà che, chưa bao che bộ phận truyền chuyển động, chưa được kê kích chắc chắn, vệ sinh công nghiệp không đảm bảo; một số đơn vị còn sử dụng máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động chưa được kiểm định kỹ thuật an toàn và khai báo theo quy định; Người lao động làm việc tại công trường chưa mang đầy đủ trang bị bảo hộ lao động được cấp phát; Các đơn vị tổ chức cắt tầng khai thác chưa đúng theo thiết kế (chiều cao tầng, góc dốc sườn tầng lớn hơn so với thiết kế); một số đơn vị chưa mở đường lên núi để phục vụ cho việc đi lại và di chuyển máy, thiết bị đi lên thi công; các tuyến đường vận tải hiện có chưa có thiết kế và cập nhật; tuy việc cập nhật trắc địa địa hình khu khai thác đã được một số đơn vị thực hiện nhưng các đơn vị chưa phân tích đánh giá hiện trạng khai thác so với thiết kế để rút kinh nghiệm; Một số đơn vị hệ thống cung cấp điện chưa đảm bảo như: Chưa có sơ đồ cung cấp điện, hệ thống dây cấp điện còn rải trên nền đất, một số đoạn lớp vỏ bọc cách điện trầy xước, mối nối không đảm bảo cách điện theo quy định.
Trong quá trình thanh, kiểm tra tại các đơn vị, Đoàn thanh tra đã lập biên bản tạm dừng sản xuất 02 vị trí khai thác do cắt tầng chưa đảm bảo theo thiết kế đã được phê duyệt; tạm dừng 02 máy bắn mìn do đã hết hạn kiểm định; tạm dừng 01 trạm nghiền sàng do chưa lắp bao che bộ phận truyền chuyển động, chưa lắp hệ thống phun nước dập bụi; tạm dừng 02 tời điện do chưa có hồ sơ, lý lịch, chưa được kiểm định kỹ thuật an toàn theo quy định; tạm dừng hoạt động của 20 máy nén khí do không có bảng nội quy an toàn đặt tại vị trí vận hành máy, các máy đặt trên nền không bằng phẳng, vệ sinh công nghiệp không đảm bảo; tạm dừng việc sử dụng vật liệu nổ công nghiệp của 01 đơn vị do Giấy chứng nhận sát hạch kỹ thuật an toàn về vật liệu nổ công nghiệp của các công nhân có liên quan đến vật liệu nổ công nghiệp đã hết hạn.
Đoàn thanh tra cũng đã lập Biên bản vi phạm hành chính về AT-VSLĐ đối với 3/5 đơn vị trực tiếp thanh tra (Công ty cổ phần khai thác đá và sản xuất vật liệu xây dựng Cẩm Phả, Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Ngân Sơn, Công ty TNHH Cơ khí và Xây dựng Ngọc Thắng); đã ban hành Quyết định xử phạt và các đơn vị đã nghiêm túc nộp phạt với tổng số tiền là 22.900.000 đồng./.
Cảnh Minh
TAG: