An toàn lao động
Trang chủ / Lao động / An toàn lao động
Phát động Tuần lễ Quốc gia ATVSLĐ-PCCN lần thứ 18
02:18 PM 20/03/2016
(LĐXH) - Ngày 20/3/2016, tại TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên, Ban Chỉ đạo Tuần lễ Quốc gia An toàn, vệ sinh lao động - Phòng, chống cháy nổ (ATVSLĐ-PCCN) Trung ương phối hợp tỉnh Hưng Yên tổ chức Lễ phát động Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ-PCCN lần thứ 18 năm 2016, với chủ đề “Doanh nghiệp và người lao động tích cực chủ động thực hiện các quyền và trách nhiệm của mình theo Luật An toàn, vệ sinh lao động”.
Đến dự Lễ phát động có các đồng chí: Ủy viên TƯ Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng; Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tuần lễ Quốc gia ATVSLĐ-PCCN TƯ Doãn Mậu Diệp; Thượng tướng Trương Quang Khánh - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính; Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Đỗ Tiến Sỹ; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phóng... Tham dự buổi Lễ còn có các đại biểu của các tổ chức quốc tế: Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Hà Nội; Hiệp hội An sinh xã hội quốc tế ISSA Mining cùng lãnh đạo và 600 cán bộ, công nhân, viên chức tỉnh Hưng Yên.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi Lễ
Phát biểu tại Lễ phát động, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, an toàn lao động là quyền cơ bản của con người và đã được pháp luật quy định đầy đủ về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm đảm bảo an toàn lao động của nhà nước, doanh nghiệp, người lao động và toàn xã hội. Trách nhiệm bảo đảm an toàn lao động và phòng chống cháy nổ phải được thực hiện nghiêm, không thể vì hành vi chủ quan mà gây thiệt hại về tính mạng con người. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn, Lễ phát động sẽ thêm tiếng nói để tất cả mọi người, trước hết bản thân người lao động ý thức quyền nghĩa vụ của mình; người sử dụng lao động ý thức đầy đủ trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật. Các cơ quan, đơn vị, ban ngành phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để doanh nghiệp và người lao động ý thức phòng ngừa bằng các biện pháp đồng bộ, phải mua bảo hiểm cho người lao động. Công tác thanh tra, kiểm tra được thực hiện thường xuyên, xử lý nghiêm các vụ vi phạm về an toàn vệ sinh lao động.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp phát biểu tại lễ phát động
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tuần lễ Quốc gia ATVSLĐ-PCCN TƯ Doãn Mậu Diệp, kỳ họp thứ IX Quốc hội khóa 13 đã thông qua Luật ATVSLĐ và sẽ chính thức có hiệu lực từ 01/7/2016. Để Luật đi vào cuộc sống, quan trọng nhất, sát sườn nhất phải xuất phát từ chính doanh nghiệp và người lao động - nơi các chủ thể của quá trình sản xuất, kinh doanh diễn ra hàng ngày. Chính vì vậy, Tuần lễ Quốc gia ATVSLĐ-PCCN lần thứ 18 được phát động với chủ đề: “Doanh nghiệp và người lao động tích cực chủ động thực hiện các quyền và trách nhiệm của mình theo Luật ATVSLĐ”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tặng bằng khen cho các đơn vị có thành tích tốt trong công tác ATVSLĐ
Thời gian tổ chức Tuần lễ là từ ngày 20 đến 26/3/2016. Nhiều hoạt động sẽ diễn ra trước và trong Tuần lễ, như: Thanh tra, kiểm tra một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Thanh Hóa; Tổng kết 10 năm Nghị quyết 5b về đẩy mạnh công tác Bảo hộ lao động của tổ chức công đoàn trong tình hình mới và 20 năm phong trào “Xanh - Sạch - Đẹp, bảo đảm ATVSLĐ”; Chung kết Hội thi An toàn vệ sinh viên giỏi lần thứ 6 năm 2016 của tỉnh Hưng Yên; Thăm nạn nhân, gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tỉnh Hưng Yên và các hoạt động hưởng ứng tuần lễ của các địa phương, đơn vị. Để công tác ATVSLĐ-PCCN thu được kết quả, Ban chỉ đạo TƯ đề nghị các Bộ, ngành, cơ quan TƯ, địa phương và doanh nghiệp, người lao động cần tập trung và quyết liệt triển khai nghiêm túc các nhiệm vụ và giải pháp. Theo đó, các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp cần chủ động xây dựng và ban hành chương trình, kế hoạch hành động cụ thể theo tinh thần Chỉ thị 29-CT/TW ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư TƯ; Triển khai các quy định của Luật ATVSLĐ, các văn bản quy phạm pháp luật về ATVSLĐ-PCCN, các giải pháp và hoạt động của Chương trình Quốc gia về ATVSLĐ. Bên cạnh đó, cần tăng cường xây dựng văn hóa an toàn lao động và các biện pháp phòng ngừa ATVSLĐ-PCCN tại nơi làm việc; Tập trung đẩy mạnh các hoạt động huấn luyện, kiểm định, đánh giá rủi ro nhằm chủ động phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và sự cố cháy nổ, tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền ATVSLĐ, coi công tác ATVSLĐ-PCCN là công việc thường xuyên. Ngoài ra, người lao động cần chủ động tích cực tự giác thực hiện nghiêm các quy định, biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, phòng chống cháy nổ, cải thiện điều kiện lao động tại doanh nghiệp, trang bị kỹ năng tự bảo vệ sức khỏe và tính mạng của mình, đem lại hạnh phúc cho gia đình, góp phần phát triển doanh nghiệp và xã hội.

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương Tuần lễ Quốc gia An toàn vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ, trong năm 2015, toàn quốc xảy ra hơn 7.600 vụ tai nạn lao động làm gần 7.800 người bị nạn, trong đó số người chết là 666 người, số người bị thương nặng là 1.704 người. Đặc biệt, năm 2015 có nhiều vụ tai nạn lao động xảy ra hết sức nghiêm trọng như: Vụ tai nạn do sập giàn giáo ngày 25/3/2015 tại Dự án Formosa khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) làm 13 người chết, 29 người bị thương...
Về nguyên nhân của tai nạn nạn lao động, 53% số vụ tai nạn lao động là do doanh nghiệp không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, tổ chức lao động không hợp lý và điều kiện lao động không đảm bảo, 19% số vụ tai nạn lao độn là do người lao động vi phạm quy trình, quy chuẩn an toàn lao động, không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân, 28% số vụ còn lại là do các nguyên nhân khác.
Trong năm 2015, toàn quốc xảy ra 2.000 vụ cháy làm chết hơn 90 người, bị thương 143 người, thiệt hại về tài sản trị giá hơn 1.300 tỷ đông và hơn 1.300 ha rừng.
Thứ trưởng  Doãn Mậu Diệp  trao Cờ lưu niệm cho tỉnh Hưng Yên và Cờ luân lưu cho Thành phố Hà Nội
– địa phương đăng cai tổ chức Tháng hành động về ATVSLĐ lần thứ nhất năm 2017
Phát biểu tại buổi Lễ, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam Change-Hee Lee cho rằng, Lễ phát động là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh Luật ATVSLĐ của Việt Nam sắp có hiệu lực. Ông Change-Hee Lee hy vọng Lễ phát động sẽ tạo đà cho các bên liên quan tạo triển khai tốt Bộ luật trên đồng thời cam kết, tổ chức ILO sẽ hỗ trợ Việt Nam thực hiện Luật ATVSLĐ và đồng hành cùng Việt Nam trong xây dựng văn hóa phòng ngừa trong tai nạn lao đông và bệnh nghề nghiệp...
Cũng tại Lễ phát động Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ-PCCN, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác ATVSLĐ-PCCN. Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng và Thứ Trưởng Doãn Mậu Diệp đã trao Bằng khen của Bộ LĐ-TBXH và TLĐLĐVN cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác ATVSLĐ-PCCN./.
PV
TAG:
Tin khác
Cơ hội việc làm cho người khuyết tật
Cà Mau: Thực hiện hiệu quả công tác chi trả trợ cấp thất nghiệp
Tập đoàn MetLife ghi tên trong Top 25 Nơi làm việc tốt nhất Thế giới năm 2024
Bạc Liêu tích cực triển khai thu thập, cập nhật thông tin việc tìm người - người tìm việc
Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động tại Chi nhánh Phát điện dầu khí
Bạc Liêu: Tạo việc làm bền vững từ hoạt động xuất khẩu lao động
Cơ hội thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ vươn mình thành sản phẩm mũi nhọn
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược dài hạn thu hút và giữ chân lao động di cư
Thái Bình thực hiện các giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường lao động, tạo thêm việc làm cho người lao động