Đức - nền kinh tế đầu tàu châu Âu, đang phải đối mặt với một vấn đề nan giải mới bên cạnh những khó khăn về giá năng lượng và thiếu hụt lao động, đó là tình trạng nhân viên xin nghỉ ốm tràn lan. Tỷ lệ nghỉ ốm tăng vọt không chỉ ảnh hưởng đến năng suất của từng doanh nghiệp mà còn đe dọa đến "sức khỏe" của cả nền kinh tế, khiến Đức bị gắn mác "con bệnh của châu Âu". Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, một ngành nghề lại đang ăn nên làm ra, đó là dịch vụ thám tử tư.
Tờ Financial Times dẫn số liệu từ TK - công ty bảo hiểm y tế công lớn nhất nước Đức, trung bình mỗi nhân viên Đức nghỉ ốm tới 19,4 ngày trong năm 2023. Con số này cao hơn đáng kể so với mức trung bình 6,8% của các nước OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) và các quốc gia EU khác như Pháp, Ý hay Tây Ban Nha. Một trong những nguyên nhân được cho là xuất phát từ quy định cho phép người lao động có triệu chứng nhẹ được nghỉ ốm hưởng nguyên lương chỉ bằng giấy chứng nhận y tế từ bác sĩ. Đây là một "kẽ hở" bị nhiều người lợi dụng.
Trước tình hình đó, nhiều doanh nghiệp Đức đã tìm đến các thám tử tư để điều tra những trường hợp nghi ngờ gian dối. Thám tử tư Marcus Lentz tiết lộ rằng số lượng yêu cầu điều tra nhân viên ốm thật hay giả mà công ty ông nhận được đã tăng gấp đôi so với vài năm trước, lên tới 1.200 vụ mỗi năm. Ông cho biết nhiều nhân viên viện cớ ốm đau để làm thêm, giúp gia đình kinh doanh hoặc tranh thủ sửa nhà.
"Nếu ai đó nghỉ ốm 30 ngày, 40 ngày, thậm chí có khi lên đến 100 ngày trong một năm, thì ở một mức độ nào đó, họ cơ bản là không tạo ra năng suất cho người sử dụng lao động", Marcus Lentz nói.
Theo trang Inquirer, trước đó, tình trạng nhân viên xin nghỉ ốm tràn lan tại nhà máy Tesla ở Đức cũng từng khiến CEO Elon Musk "nóng mắt" và phải cử lãnh đạo cấp cao đến gõ cửa nhà những nhân viên nghỉ ốm để kiểm tra, xác minh. Thông tin này đã từng gây xôn xao trên các mặt báo. Nhiều doanh nghiệp cũng tìm đến các thám tử tư để điều tra những trường hợp tương tự.
Dù chi phí thuê thám tử không hề rẻ, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chấp nhận để "trút gánh nặng" bằng cách sa thải những nhân viên năng suất kém. "Những người thường xuyên nghỉ ốm không mang lại lợi nhuận cho chúng tôi, họ phải ra đi", một chủ doanh nghiệp chia sẻ. Rõ ràng, tình trạng lười biếng của một bộ phận người lao động đang trở thành một thách thức không nhỏ đối với nền kinh tế Đức.
Lê Nguyên