Trang Sohu đưa tin, sự việc hy hữu xảy ra tại một công ty ở thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Trong bữa tiệc tất niên tri ân nhân viên cuối năm, ban giám đốc công ty thay vì tổ chức những màn bốc thăm trúng thưởng thông thường lại phát vé số cho nhân viên.
Một nhân viên của công ty đã may mắn khi trúng giải độc đắc với số tiền thưởng lên tới 6,08 triệu nhân dân tệ (tương đương hơn 21 tỷ đồng). Không nghĩ tới, niềm vui chưa được bao lâu, nhân viên này nhận được yêu cầu từ phía công ty về việc trả lại tờ vé số trúng thưởng. Lý do mà công ty đưa ra là họ muốn chia đều số tiền thưởng này cho tất cả nhân viên có mặt tại buổi tiệc tất niên.
Hành động này của công ty đã vấp phải sự phản ứng gay gắt từ phía nhân viên trúng thưởng. Anh kiên quyết từ chối yêu cầu vô lý này, dẫn đến tranh cãi nảy lửa giữa hai bên. Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khiến vụ việc phải nhờ đến sự can thiệp của cơ quan cảnh sát. Cảnh sát địa phương sau đó xác nhận đây là một tranh chấp dân sự và khuyến nghị các bên nên giải quyết thông qua con đường pháp lý.
Một nguồn tin nội bộ của công ty tiết lộ, điều trớ trêu là kết quả trúng thưởng của tờ vé số này đã được công bố trước khi nó được phát cho các nhân viên. Lẽ ra, bộ phận tài chính của công ty phải có trách nhiệm kiểm tra kỹ lưỡng thông tin này. Tuy nhiên, do sự tắc trách của nhân viên kế toán, tờ vé số may mắn đã vô tình đến tay một nam nhân viên và mang về giải thưởng lớn cho anh.
Ngay sau khi thông tin về vụ việc lan truyền trên mạng xã hội, đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng, dấy lên làn sóng tranh luận về quyền lợi của người lao động và đạo đức kinh doanh. Hầu hết các ý kiến đều đứng về phía nhân viên trúng thưởng, chỉ trích hành động của công ty là "quá đáng" và "vô lý". Thậm chí họ còn không tin vào cái gọi là "nguồn tin nội bộ" của công ty. Nhiều người bình luận rằng "vé số thuộc về ai thì tiền thưởng thuộc về người đó" và "kiên quyết phản đối việc chia đều tiền thưởng".
Một luật sư thuộc Văn phòng Tư pháp thành phố Ninh Ba cho biết trong một cuộc phỏng vấn, việc công ty tặng vé số cho từng nhân viên tại tiệc tất niên có nghĩa là công ty và nhân viên đã thiết lập giao dịch quà tặng, tức là đã tặng quyền tương ứng với số vé số cho nhân viên. Do đó, "kể từ thời điểm nhân viên nhận được vé số, quyền sở hữu đã được chuyển giao". Theo luật dân sự Trung Quốc, trong trường hợp này, không có cơ sở pháp lý để công ty thu hồi vé số hoặc chia đều giải thưởng cho tất cả những người tham dự tiệc tất niên.