Trẻ em
Trang chủ / Xã hội / Trẻ em
Nhân rộng mô hình gia đình, cá nhân nhận nuôi có thời hạn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại Thái Nguyên
09:51 AM 04/01/2018
(LĐXH) Trong những năm qua, tỉnh Thái Nguyên được đánh giá là một trong những địa phương triển khai thực hiện tốt dịch vụ công tác xã hội trợ giúp đối tượng yếu thế, đặc biệt là trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Kết quả sau 2 năm thực hiện thí điểm mô hình gia đình, cá nhân nhận nuôi có thời hạn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh đã giúp cho nhiều trẻ tìm được mái ấm gia đình thực sự và hòa nhập với cộng đồng.
Thực hiện Quyết định số 647/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án chăm sóc trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em nhiễm HIV/AIDS, trẻ em là nạn nhân của chất độc hóa học, trẻ em khuyết tật nặng và trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa dựa vào cộng đồng giai đoạn 2013-2020. Với mục tiêu huy động sự tham gia của xã hội nhất là gia đình, cộng đồng trong việc chăm sóc, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, phát triển các hình thức chăm sóc thay thế trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng. Từng bước thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với trẻ em bình thường tại nơi cư trú. Năm 2015, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Thái Nguyên triển khai thí điểm Mô hình gia đình, cá nhân nhận nuôi có thời hạn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng cho 10 trẻ và 10 cá nhân, gia đình nhận nuôi tại 4 xã Minh Lập, Văn Lăng, Quang Sơn và Tân Long của huyện Đồng Hỷ.
Để triển khai mô hình, Trung tâm đã tổ chức khảo sát, lập danh sách trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nắm bắt nguyện vọng của các em và nhu cầu, năng lực nhận nuôi của các gia đình tại cộng đồng. Xây dựng một “quỹ” 15 gia đình, cá nhân sẵn sàng nhận nuôi trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khi các em mất môi trường nuôi dưỡng. Những gia đình, cá nhân nhận nuôi dưỡng phải đảm bảo các điều kiện như: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và thực hiện tốt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; Tự nguyện nhận chăm sóc trẻ; Có nơi ở ổn định và chỗ ở cho trẻ được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng; Có điều kiện về kinh tế, sức khỏe, kinh nghiệm chăm sóc trẻ; Không phải là người đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên hoặc bị kết án mà chưa được xóa án tích theo quy định của pháp luật. Ưu tiên những gia đình, cá nhân là người thân quen họ hàng của trẻ để tránh trẻ bị sốc tâm lý khi sống trong một môi trường hoàn toàn mới.

Cán bộ Trung tâm trao kinh phí hỗ trợ cho gia đình, cá nhân nhận nuôi có thời hạn trẻ em có HCĐB tại xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ
Cùng với việc lựa chọn, Trung tâm đã bàn giao trẻ em về với các gia đình nhận nuôi và hỗ trợ kinh phí nuôi dưỡng nhằm giảm bớt khó khăn cho gia đình. Hàng tháng, Trung tâm đều tổ chức tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng sống, kỹ năng chăm sóc trẻ cho trẻ và gia đình nhận nuôi. Trong năm 2015, triển khai hoạt động của mô hình, cán bộ Trung tâm đã tiến hành khảo sát, phỏng vấn trẻ và gia đình trong mô hình thí điểm để thu thập thông tin, trên cơ sở đó tổng hợp, phân tích nội dung để tìm ra các vấn đề, kiến thức cần trang bị; tổ chức 15 buổi tập huấn (mỗi tháng 3 buổi) nhằm trang bị các kiến thức, kỹ năng chăm sóc trẻ với các nội dung như dạy dỗ, chăm sóc trẻ tại gia đình, tâm sinh lý lứa tuổi, sử dụng kinh phí để nuôi dạy trẻ... cho đại diện gia đình nhận nuôi; tổ chức các buổi tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng sống cho trẻ như: Kỹ năng ứng phó với sự phân biệt, kỳ thị, kỹ năng tự chăm sóc bản thân, xác định vị trí của bản thân đối với gia đình, xã hội, kỹ năng giao tiếp, ứng xử... Hình thức tổ chức các lớp trang bị kiến thức, kỹ năng được áp dụng linh hoạt như: Thuyết trình, tọa đàm, trao đổi, phát tài liệu trực tiếp hoặc tổ chức các buổi giao lưu... để đa dạng hóa cách thức tiếp cận kiến thức, giúp trẻ em và người nhận nuôi chủ động trong việc tiếp nhận thức và vận dụng kiến thức vào cuộc sống. Bên cạnh đó, Trung tâm còn phối hợp với các địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện các biểu hiện khác lạ về tâm lý, thói quen sinh hoạt, học tập của trẻ, kịp thời tư vấn, hỗ trợ, giúp trẻ ổn định tâm lý, thể chất, nâng cao kết quả học tập.
Ngoài ra, Trung tâm đã thực hiện trên 50 cuộc tư vấn trực tiếp cho trẻ và người nuôi dưỡng, kết nối dịch vụ đảm bảo cho 10 trẻ đều được đến trường và hưởng các chế độ chính sách đầy đủ. Với tổng kinh phí hỗ trợ trong năm là 200 triệu đồng, định kỳ hàng tháng, nhân viên công tác xã hội của Trung tâm đến thăm trẻ và gia đình nhận nuôi. Đồng thời cấp phát kinh phí hỗ trợ và trang bị kiến thức kỹ năng cho gia đình, cá nhân nhận nuôi trẻ và trẻ khi tham gia mô hình. Cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước và của tỉnh, Trung tâm đã phối kết hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương nơi cư trú và các cơ quan, tổ chức, ban ngành khác để tìm thêm nguồn lực hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và gia đình nhận nuôi.
Có thể nói, mặc dù là mô hình mới được triển khai thí điểm tại Thái Nguyên nhưng bước đầu đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.Trước đây, khi chưa được sự hỗ trợ của mô hình, cuộc sống của trẻ còn gặp nhiều khó khăn, chưa được đảm bảo về các nhu cầu cơ bản như: ăn, mặc, ở, đến trường học, cuộc sống của các em còn rất khó khăn do bố mẹ không còn khả năng lao động. Sau khi được hỗ trợ của mô hình, trẻ được đảm bảo môi trường sống an toàn, tạo điều kiện tham gia các hoạt động xã hội; nâng cao nhận thức, kỹ năng cho trẻ và gia đình, giúp họ có khả năng tự nhận diện và giải quyết vấn đề của bản thân; huy động được sự tham gia của chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, cộng đồng vào việc chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại cộng đồng.
Tiếp nối những kết quả đã đạt được trong năm 2015, năm 2016, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Thái Nguyên tiếp tục duy trì mô hình năm 2015 tại 03 xã: Minh Lập, Văn Lăng, Tân Long (huyện Đồng Hỷ). Trong đó có 05 gia đình tham gia mô hình từ năm 2015 được hỗ trợ kinh phí thêm 03 tháng (từ tháng 12/2016-2/2017). Đồng thời mở rộng địa bàn với 10 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và 10 gia đình, cá nhân nhận nuôi tại 03 xã: Kim Sơn, Kim Phượng, Định Biên (huyện Định Hóa), thời gian từ tháng 12/2016 - 5/2017. Với các gia đình và trẻ tham gia mô hình năm 2016 được hỗ trợ 6 tháng. Tổng kinh phí hỗ trợ mô hình 200 triệu đồng. Để hỗ trợ các gia đình, cũng như đảm bảo cho trẻ được nhận nuôi, các gia đình, cá nhân nhận nuôi trẻ và trẻ
được hỗ trợ 900.000 đồng/tháng; hỗ trợ quần áo, học tập, sinh hoạt 900.000 đồng/trẻ/năm.
Bà Trần Bảo Khánh, Phó Trưởng phòng Can thiệp và Hỗ trợ, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh cho biết: Việc triển khai mô hình này đã giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trải nghiệm cuộc sống gia đình thực sự. Các em được đáp ứng nhu cầu học tập, chế độ dinh dưỡng, trang bị kiến thức tâm sinh lý, bảo vệ bản thân, được sống trong một môi trường an toàn, lành mạnh và đủ điều kiện để phát triển về thể chất, tinh thần, hòa nhập cộng đồng. Hiện đa số những gia đình nhận nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đều là những người có quan hệ huyết thống. Để đạt được hiệu quả tốt nhất thì việc triển khai thực hiện mô hình phải đồng bộ, có sự tham gia của các cấp chính quyền và các tổ chức, cá nhân liên quan. Phải có sự kiểm tra, quản lý giám sát chặt chẽ về mặt chuyên môn để đảm bảo tính chuyên nghiệp cao. Đồng thời luôn theo sát các hộ gia đình, cá nhân nhận nuôi trẻ để có thể hỗ trợ họ khi cần thiết, thường xuyên tư vấn, tham vấn cho trẻ và gia đình những kiến thức, kỹ năng cần thiết.
Tuy nhiên, do đây là hình thức chăm sóc thay thế còn mới tại Việt Nam nên trong quá trình triển khai còn bộc lộ một số hạn chế về nhận thức của chính quyền địa phương, gia đình, cá nhân và cộng đồng về việc nhận nuôi có thời hạn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, chủ yếu người nhận nuôi trẻ vẫn chỉ là người thân và họ hàng. Đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác xã hội đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn còn thiếu về số lượng, yếu về kỹ năng, phương pháp chăm sóc trợ giúp trẻ em. Kinh phí đầu tư cho mô hình gia đình, cá nhân nhận nuôi có thời hạn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn còn hạn hẹp...Trong thời gian tới, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Thái Nguyên sẽ phối hợp với địa phương, cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền nhằm tạo sự thay đổi về nhận thức trong cộng đồng đối với vấn đề nhận và nuôi dưỡng có thời hạn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đồng thời tăng cường công tác đào tạo, tổng kết đánh giá mô hình để tiếp tục có thể nhân rộng. Với tính ưu việt và ý nghĩa nhân văn, thiết thực trong việc chăm sóc, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trên cơ sở kết quả đạt được tại hai huyện Đồng Hỷ và Định Hóa, rất mong sự quan tâm, đầu tư hỗ trợ hơn nữa của cộng đồng và chính quyền địa phương để mô hình được nhân rộng ra nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh, giúp các trẻ em kém may mắn có đủ điều kiện để phát triển và hòa nhập cộng đồng.

Nguyễn Minh Anh
 
TAG:
Tin khác
Hội thảo thúc đẩy và bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em trong ASEAN
Huyện Nam Trà My: Triển khai nhiều giải pháp thực hiện Chương trình giảm nghèo
Trọn vẹn nghĩa tình ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Cam kết thực hiện bình đẳng giới vì sự phát triển của toàn xã hội
Phú Lộc: Huy động nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
Cù Lao Dung: Giảm nghèo hiệu quả nhờ đưa lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
Thanh Trì: Tập huấn Bình đẳng giới trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội
Hà Nội: Lan toả tinh thần “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”