Nhà báo Trương Đăng Lân giới thiệu về cuốn sách “Tản mạn với đời”
Nếu tập thơ “Lửa còn cháy mãi” là tiếng lòng của một người lính với trái tim rực lửa “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” lên đường vào Nam chiến đấu giải phóng quê hương đất nước, với bao hy sinh gian khổ đã làm nên một nhà thơ Trương Đăng Lân thì “Tản mạn với đời” là quyển sách tập hợp hơn 60 bài viết, các bài báo đăng trên Báo Lao Động và các báo khác mấy chục năm lăn lộn với đời, với người của một nhà báo đầy trách nhiệm và tâm huyết với nghề, mang bản sắc riêng Trương Đăng Lân, nhà thơ Thanh Hiếu (tên thật là Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch Công đoàn Cao su Việt Nam) chia sẻ tại buổi ra mắt “Tản mạn với đời”.
Nhà báo Trương Đăng Lân tặng hoa cô giáo Lê Minh Ngọc (nhân vật trong bài viết “Có một Nhà giáo như thế”
Tôi rất thích bài báo “Tôi ra thương trường với ý chí của người làm lính” viết về Anh hùng Lao động Lê Văn Kiểm và bài “Có một Nhà giáo như thế” viết về cô giáo Lê Minh Ngọc (một giáo viên là người miền Nam tập kết ra miền Bắc dạy học tại trường THPT Hiệp Hòa – Bắc Giang - PV), loạt bài đến với những người công nhân mở đất trồng cao su tại nước bạn Lào, Vương quốc Campuchia hay những người thợ mở lòng biển khai thác dầu mỏ làm giàu cho đất nước…
Nhà báo Trần Trọng Dũng – Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam (đứng ngoài cùng bên phải) tặng hoa chúc mừng nhà báo Trương Đăng Lân và nhà thơ Thanh Hiếu
“Với “bảo vệ người lao động”, anh thực sự là người chiến sĩ xông pha trên mặt trận đồng cam cộng khổ chiến đấu bảo vệ công bằng, lẽ phải, quyền lợi cho người lao động. Vũ khí của anh là ngòi bút sắc bén, tình cảm chân thành chứa chan, ý chí chiến đấu vì quyền lợi giai cấp công nhân. Những bài viết này đã phản ánh trung thực những sự kiện, vấn đề xảy ra trong mối quan hệ lao động một thời của nền kinh tế đất nước mới mở cửa, theo mô hình kinh tế nhiều thành phần, mang thương hiệu riêng của nhà báo Trương Đăng Lân”, nhà thơ Thanh Hiếu đánh giá.
Họa sĩ Lê Sa Long (ảnh đứng bên trái) tặng ảnh ký họa cho nhà báo Trương Đăng Lân và nhà thơ Thanh Hiếu
Còn nhà báo Lê Thanh Phong- Báo Lao Động chia sẻ, Trương Đăng Lân đảm trách nhiều vị trí khác nhau ở báo Lao Động, nhưng mảng đề tài anh theo đuổi nhiều nhất chính là viết về chân dung của người lao động và đấu tranh bảo vệ quyền lợi của người lao động. Anh chịu khó lăn lộn đi đến tận nơi, từng nông trường cao su, từng nhà máy, quan sát, chia sẻ với công nhân những vất vả, nhọc nhằn cũng như niềm mơ ước của họ. Trong bài “Chúng tôi là phóng viên đình công”, Trương Đăng Lân viết rất chân thực về nghề và về mình: “Hằng ngày, cứ nghe tin bạn đọc báo đang có cuộc đình công của công nhân xảy ra là dù bất kể đang làm gì chúng tôi cũng bỏ dở, chuẩn bị máy ảnh, máy ghi âm, khoác túi lên đường. Tinh thần chúng tôi đến với các cuộc đình công chẳng khác mấy các chiến sĩ phòng cháy, chữa cháy đi cứu hỏa”.
Trương Đăng Lân có những bài viết để lại dấu ấn một thời như loại bài “Cây cao su kêu cứu”. Chính Trương Đăng Lân nổ phát súng đầu tiên với bài viết “Ép người không tâm thần vào bệnh viện tâm thần”. Sau đó, anh cùng với một số đồng nghiệp tiếp tục điều tra, tung ta nhiều bài viết đầy sức chiến đấu, phanh phui những tiêu cực trong ngành cao su.
Nhà báo Hữu Tính (đứng bên trái) cùng các nhà báo và bạn đọc báo Lao Động dự chúc mừng nhà báo Trương Đăng Lân
Ngoài mảng đề tài công nhân- công đoàn, Trương Đăng Lân đi niều nơi trên thế giới và dành thời gian để đào xới những trầm tích văn hóa của các vùng đất mà mình đi qua. Đi thì có nhiều người đi nhưng cái hay, cái mới, cái để suy nghĩ thì chỉ có từ người biết quan sát tinh tế, có cảm xúc và biết cách thể hiện tỉ mỉ, có những góc nhìn ngoài ô cửa của quê hương mình. Nhưng trong tập sách này, những tác phẩm ấn tượng nhất lại là những tải văn và hình như đó mới là Trương Đăng Lân nhất. Mục tản văn trên báo Lao Động là mảng đất để người làm báo làm văn, để nói về những điều mà người đọc hiểu sau mặt chữ, là nơi để người viết chiêm nghiệm, thì thầm với chính mình. Trương Đăng Lân dành nhiều thời gian cho những chiêm nghiệm đó và đem đến cho bạn đọc những tản văn rất thú vụ.
Nhà báo Từ Anh Tuấn (ảnh đứng bên phải)- báo Nhân Dân tặng hoa nhà báo Trương Đăng Lân và nhà thơ Thanh Hiếu
Đến dự buổi ra mắt sách “Tản mạn với đời” của nhà báo Trương Đăng Lân, nguyên Trưởng Cơ quan thường trú báo Lao Động tại TP.HCM Nguyễn Hữu Tính cho rằng, cuộc đời của mỗi con người khác nào như Bộ phim nhiều tập. Liên tục, liên tục hết tập này đến tập khác cho đến khi trở về cát bụi. Làm sao mà viết hết, truyền tải hết muôn mặt cuộc sống đời người. Vậy nên nếu không viết hết về cuộc sống của riêng mình thì thi thoảng viết “Tản mạn đôi dòng” cũng là quý lắm rồi. Cho nên thật ý nghĩa khi hôm nay tôi được dự buổi giao lưu ra mắt tập sách “Tản mạn với đời” của nhà thơ - nhà báo Trương Đăng Lân. “Chúng tôi là anh em thân tình cùng làm báo bên nhau suốt mấy chục năm, đã nghỉ hưu, nên rất mừng khi thấy nhà báo Trương Đăng Lân liên tục ra thơ, ra sách. Tập sách “Tản mạn với đời ” chỉ là một trong nhiều tập sách anh cho xuất bản gần đây. Chúc mừng nhà báo Trương Đăng Lân - chàng trai quê hương Bắc Giang tôi luôn yêu quý”, nhà báo Hữu Tính chia sẻ.
Hải Đăng