An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững ở Thanh Oai
05:50 PM 24/06/2023
(LĐXH) Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Thanh Oai đã tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác, giúp họ biết sử dụng vốn vay, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương.
Triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách
Ngay từ đầu năm 2023, NHCSXH huyện Thanh Oai đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác tổ chức giải ngân kịp thời vốn được bổ sung và vốn thu hồi cho vay quay vòng đến các đối tượng thụ hưởng, đảm bảo tuân thủ theo quy trình quy định và an toàn vốn, gắn việc đẩy mạnh tăng trưởng dư nợ với nâng cao chất lượng tín dụng trên địa bàn.
Lãnh đạo NHCSXH huyện đã báo cáo và tham mưu Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện phân bổ chỉ tiêu kế hoạch tín dụng năm 2023 đến các xã, thị trấn qua 3 đợt, trong đó đợt 1, 2 phân bổ tổng số tiền gần 5,1 tỷ đồng cho vay giải quyết việc làm (GQVL) từ nguồn vốn ngân sách thành phố Hà Nội và của huyện; Đợt 3: Điều chỉnh giảm Chương trình Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tổng số tiền 5,1 tỷ đồng, tăng chương trình nước sạch vệ sinh môi trường (NSVSMT) 13 tỷ, GQVL 17 tỷ, nhà ở xã hội 800 triệu, cho vay học sinh, sinh viên 1,2 tỷ đồng.
Cán bộ PGD NHCSXH huyện Thanh Oai phổ biến về các chương trình cho vay vốn tín dụng chính sách đến 
các hội, đoàn thể và người có nhu cầu vay vốn
Theo báo cáo của Phòng giao dịch (PGD) NHCSXH huyện Thanh Oai, tổng nguồn vốn hoạt động tại PGD NHCSXH huyện đến ngày 15/6/2023 là hơn 543,4 tỷ đồng, tăng 37 tỷ đồng so với đầu năm, tốc độ tăng trưởng 7,3%. Trong đó: Nguồn vốn ngân sách cấp trên: 460,3 tỷ đồng, tăng 31,9 tỷ đồng so với đầu năm. Nguồn vốn huy động tại tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) là gần 20,8 tỷ đồng, tăng 1,3 tỷ đồng so với đầu năm;  Nguồn vốn UBND huyện chuyển sang ủy thác cho vay hơn 10,3 tỷ đồng, tăng gần 2,2 tỷ đồng so với đầu năm, đạt 100% KH giao...
Về hoạt động sử dụng vốn: Doanh số cho vay trong quí là 2.218 lượt khách hàng, số tiền hơn 79,1 tỷ đồng. Trong đó: cho vay chương trình NSVSMTNT 1.081 lượt hộ, số tiền hơn 21,6 tỷ đồng; GQVL 1.121 lượt khách hàng, số tiền hơn 55,9 tỷ đồng; cho vay hộ mới thoát nghèo 14 lượt hộ, số tiền 670 triệu đồng; Học sinh sinh viên 20 lượt hộ, số tiền 373 triệu đồng...
Doanh số thu nợ trong năm là: gần 46,5 tỷ đồng. Tổng dư nợ đến 15/6/2023 của 10 chương trình tín dụng là hơn 542,1 tỷ đồng, tăng 36,4 tỷ đồng so với đầu năm, đạt 99,6% kế hoạch giao, với 15.460 món vay còn dư nợ.
Trong đó, cho vay theo Chương trình Nghị quyết 11/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ, NHCSXH huyện Thanh Oai đã triển khai Chương trình cho vay GQVL hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch được giao năm 2022, số tiền 6,5 tỷ, đạt 100% KH với 130 khách hàng vay vốn; Chương trình Máy tính cho em: cho vay được 14 học sinh số tiền 140 triệu đồng; Chương trình Nhà ở xã hội: cho vay được 01 món, số tiền 500 triệu đồng.
Hỗ trợ lãi suất 2%: năm 2022 đã hộ trợ lãi suất cho 4.440 món, số tiền: hơn 2,1 tỷ đồng, 3 tháng đầu năm 2023 thực hiện hỗ trợ lãi suất 2% đối với các món với số tiền: gần 953 triệu đồng. Lũy kế tổng số tiền hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết 11 đến nay là: gần 3,1 tỷ đồng.
Đoàn công tác của NHCSXH huyện Thanh Oai thăm, kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách
tại Cơ sở May Jolie tại thôn Phương Nhị, xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai, Hà Nội
Đến thời điểm hiện nay 100% các điểm giao dịch lưu động tại xã, thị trấn được Đảng ủy, UBND các xã bố trí địa điểm giao dịch tại Hội trường lớn của xã, nằm trong khuôn viên trụ sở UBND các xã thị trấn, được trang bị đầy đủ bàn, ghế cho tổ giao dịch cũng như khách hàng đến giao dịch.
Tại điểm giao dịch đã thực hiện công khai toàn bộ thông báo chế độ tín dụng chính sách, công khai dư nợ, thông báo lãi suất, biển chỉ dẫn. NHCSXH huyện duy trì trực giao dịch lưu động tại các xã thị trấn theo đúng lịch cố định đã ấn định đối với các xã, Tỷ lệ giao dịch tại xã như giải ngân, thu nợ, thu lãi, thu tiết kiệm đảm bảo theo quy định, chiếm tỷ lệ trên 90% hoạt động của Phòng giao dịch; số giao dịch tại trung tâm là phát sinh các món trả nợ trước thời hạn không trùng vào ngày giao dịch xã.
Về kết quả phối hợp thực hiện Hợp đồng ủy thác với các tổ chức Hội, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Thanh Oai đã phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với các Hội đoàn thể huyện triển khai thực hiện tốt phương thức ủy thác cho vay. Tổng dư nợ đến 31/3/2023 ủy thác qua 4 tổ chức hội (Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh) nhận ủy thác là: 66 hội đoàn thể cấp xã, với 288 tổ TK&VV, tổng dư nợ hơn 541,6 tỷ đồng, với 11.144 khách hàng vay vốn.
Cơ sở May Jolie giải quyết việc làm cho 30 lao động
Phương thức cho vay ủy thác đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, truyền tải nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội kịp thời đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, đồng thời tối ưu được sức mạnh cộng đồng trong triển khai tín dụng chính sách, giúp người vay biết sử dụng vốn vay có hiệu quả, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần thực hiện thành công các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, giải quyết việc làm và xây dựng nông thôn mới.
Thông qua phương thức cho vay ủy thác, tổ chức Hội có điều kiện lồng ghép hiệu quả chương trình tín dụng với các chương trình khuyến nông, khuyến ngư, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất góp phần nâng cao hiệu quả vốn tín dụng chính sách.
Đến thời điểm 31/5/2023, tất cả 288/288 tổ TK&VV ở huyện Thanh Oai đều xếp loại tốt, khá. Đến nay, NHCSXH huyện đã thực hiện kiện toàn bổ sung vốn vay, không còn tổ dư nợ dưới 01 tỷ đồng; 100% các tổ tham gia gửi tiền tiết kiệm qua tổ có số dư gần 20,8 tỷ đồng đồng, tăng gần 1,3 tỷ đồng từ đầu năm cho đến nay, tốc độ tăng trưởng 6,6%.
 
Đẩy mạnh chương trình cho vay vốn giải quyết việc làm
Năm 2023, Chương trình cho vay vốn GQVL và Chương trình NSVSMT-NT ở  NHCSXH huyện Thanh Oai có số khách hàng và dư nợ tăng cao, cụ thể: Chương trình GQVL: 7.992 khách hàng dư nợ, số tiền hơn 383,7 tỷ đồng, tăng gần 30 tỷ đồng so với đầu năm. Chương trình NSVSMT-NT: 6.829 khách hàng dư nợ, số tiền hơn 132,7 tỷ đồng, tăng 12,8 tỷ đồng so với đầu năm. Trong khi đó, các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đều có dư nợ giảm từ khoảng 800 triệu đến hơn 5 tỷ đồng. Đặc biệt, Chương trình cho vay đối với hộ mới thoát nghèo có dư nợ giảm gần 5,2 tỷ đồng so với đầu năm.
Có thể nói nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng trong hỗ trợ GQVL cho người lao động ở địa phương, là “cú huých”, tạo động lực cho nhiều người mạnh dạn khởi nghiệp, mở rộng sản xuất kinh doanh để tạo việc làm cho bản thân, những người thân trong gia đình và lao động địa phương.
Anh chị Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Thị Hà tại xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai chăm sóc đàn gà 3.300 con của gia đình
Chúng tôi đến thăm cơ sở May Châu Jolie tại thôn Phương Nhị, xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai, Hà Nội, chuyên may bộ đồ mặc nhà cho phụ nữ, chị Nguyễn Thị Ngọc Trâm, 27 tuổi, chủ cơ sở cho biết: Cơ sở May của gia đình chị mới thành lập đầu năm 2023. Mỗi ngày cơ sở sản xuất và bán ra thị trường khoảng từ 300 - 500 bộ quần áo. Quần áo thương hiệu “Châu Jolie” được tiêu thị trên thị trường cả nước. Ban đầu mới thành lập cơ sở chỉ có 10 lao động, đến nay đã GQVL cho 30 lao động với thu nhập bình quân 7 - 8 triệu đồng/tháng.
Thông qua Hội Phụ nữ xã Hồng Dương, cơ sở của chị được vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay vốn GQVL. Đây thực sự là nguồn vốn quan trọng đối với một cơ sở sản xuất còn rất non trẻ như Cơ sở May Châu Jolie mà gia đình rất trân quý. Tuy nhiên, với qui mô sản xuất kinh doanh hiện tại, gia đình rất mong được NHCSXH huyện và các cơ quan chức năng quan tâm, tạo điều kiện cho vay nhiều vốn hơn nữa để tiếp tục phát triển sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương.
Trao đổi với chúng tôi, vợ chồng anh chị Nguyễn Thị Hà, Nguyễn Văn Thành, chủ trại gà ở xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi khi được tạo điều kiện vay vốn tín dụng chính sách ở cả hai chương trình GQVL (50 triệu đồng) và NSVSMT (20 triệu đồng).
Cán bộ Tổ TK&VV Hội Phụ nữ xã Hồng Dương và NHCSXH huyện Thanh Oai thăm trại gà của gia đình anh Nguyễn Văn Thành
Chị Nguyễn Thị Hà tâm sự: Quyết tâm bám trụ làm ăn sinh sống ngay tại quê hương, gia đình chị đã loay hoay làm nhiều công việc khác nhau. Gia đình đã làm tăm hương trong vài năm, sau thấy nghề này không ổn định, vốn bị nợ đọng nhiều nên chuyển sang phơi vầu, nuôi cá... Năm 2020 chuyển sang nuôi gà thịt rồi nuôi và bán gà giống, tháng 2/2023 mới quyết định nuôi gà đẻ trứng.
Hệ thống chuồng trại mà gia đình đã đầu tư xây dựng có thể nuôi 5.000 con gà, song do không có vốn nên hiện tại đàn gà nhà chị mới chỉ có khoảng 3.300 con, mỗi ngày thu khoảng 1.600 quả trứng.
Để làm trại gà này gia đình chị đã đầu tư số vốn hơn 1 tỷ đồng, mỗi tháng đàn gà ăn khoảng 3 tấn cám nên tiền mua cám cho gà ăn hàng ngày cũng rất tốn kém. Thêm vào đó, gà phải nuôi 6 tháng mới đẻ trứng, cứ mỗi năm phải thay đàn gà khác để việc chăn nuôi mang lại hiệu quả cao nhất. Việc có vốn để mua thức ăn chăn nuôi có chất lượng tốt với giá cao hơn cũng giúp gà phát triển tốt, không hao thịt, trứng to, mẫu mã đẹp, bán được giá hơn. Chưa kể lúc nhu cầu về trứng gà, thịt gà của thị trường xuống thấp, những hộ chăn nuôi rất cần có vốn để duy trì đàn gà đến khi nhu cầu của thị trường tăng lên, không bị tư thương ép giá, có lợi nhuận tốt hơn. Chính vì vậy, nhu cầu về vốn làm ăn rất lớn và gia đình rất mong muốn được tạo điều kiện cho vay thêm vốn với lãi suất tốt hơn để mở rộng qui mô chuồng trại,  tạo thêm việc làm cho những lao động khác của gia đình và địa phương.
Như vậy, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện Thanh Oai đã tạo điều kiện cho hàng trăm nghìn người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời, qua đó góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, được làm quen với việc vay, trả nợ ngân hàng, từng bước thay đổi cơ bản nhận thức, sử dụng vốn có hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo, góp phần quan trọng vào bảo đảm an sinh xã hội, hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế-xã hội địa phương./.
Thảo Lan
TAG: ngân hàng chính sách xã hội huyện Thanh Oai
Tin khác
Trường Cao đẳng Quảng Nam: Phát động đóng góp ủng hộ nhân dân các tỉnh thành phía Bắc khắc phục hậu quả thiên tai
150 xe đạp được trao tặng cho trẻ em ở An Giang
Huyện Đông Giang (Quảng Nam): Quyết tâm đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình giảm nghèo
Huyện Bắc Bình (Bình Thuận): Tập trung nguồn lực hỗ trợ người dân giảm nghèo, ổn định cuộc sống
Quảng Nam: Đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững
Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH TP.HCM tiếp xúc đối thoại với cán bộ quy hoạch và được bổ nhiệm
Cùng Enzo FX chung tay khắc phục  hậu quả bão Yagi
Vinamilk tổ chức nhiều hoạt động trung thu cho trẻ em mọi miền
Xâm hại tình dục trẻ em – Gia đình phải là lá chắn đầu tiên