Văn hóa
Trang chủ / Văn hóa - Thể thao / Văn hóa
Người Việt ở Mỹ những ngày cuối năm âm lịch: Đôi khi muốn đánh đổi tất cả...
03:21 PM 29/01/2019
Gần hai mươi năm miệt mài viễn xứ, hễ thấy trời lành lạnh, lên Facebook nghe chuyện mua vé về quê ăn Tết, ghé mấy chợ Việt là lòng lại rộn lên một nỗi niềm khó tả. Bỗng ước thầm được quay ngược thời gian...
Trẻ em người Việt cũng háo hức theo cha mẹ đến các phiên chợ bán đồ Tết
Tết nguyên đán về ngang trước ngõ... đầy tuyết
Thủ đô Washington, D.C. đã quay trở lại vẻ trầm lắng vốn có sau những ngày lễ hội ồn ào. Có thể nói cuối năm, dẫu lạnh tái tê nhưng là khoảng thời gian rực rỡ sắc màu nhất. Không khí “holiday” tràn ngập phố phường từ đầu tháng mười, khi các siêu thị hay nursery (vườn ươm) bắt đầu bán bí ngô, bánh kẹo, mặt nạ ma quỷ… cho Halloween. Tới tháng mười một, giữa thu vàng se lạnh, ai nấy cũng tất bật cố làm xong việc để xin nghỉ phép, về với gia đình trong Thanksgiving. Vừa xong lễ Tạ ơn, chưa kịp tiêu hết con gà Tây, khoai lang hầm, nui xào bơ thì đã lật đật xếp hàng mua sắm Black Friday. Qua tuần sau, bật kênh radio nào cũng nghe những giai điệu Giáng Sinh vui tươi, rộn rã. Ra đường, quen lạ gặp nhau đều cười tươi “Merry Christmas!”. Chớp mắt, lại nghe thiên hạ gửi thiệp, chúc nhau “Happy new year!”. Đêm cuối năm, cả nhà quây quần trước tivi reo hò nhìn quả cầu pha lê được thả từ trên cao giữa lòng Times Square - New York.
Mà tôi để ý, sau Christmas đã thấy hết lễ rồi vì đó là ngày holiday lớn nhất trong năm, khi những đứa con phương xa tìm về với gia đình, bạn bè người thân quây quần quanh cây thông Noel, mở những gói quà nhiều màu sắc. Năm mới với họ chỉ đơn giản là khởi đầu cho một thời khắc với nhiều mong ước cho sức khỏe và kiếm được nhiều tiền chứ chẳng được nghỉ dài ngày như các nước khác. Người Mỹ “siêng” làm nhất thế giới. Nghỉ lễ chỉ đúng một ngày. Thứ hai đi làm, thứ ba nghỉ Giáng Sinh, sang thứ tư, cơ quan nhà nước, văn phòng tư nhân, bác sĩ, luật sư mở cửa như thường. Ai muốn dài hơi thì tự lấy phép mà nghỉ.
Tết Tây vừa qua, đã thấy Tết Nguyên đán về ngang trước ngõ. Tết ta thường rơi vào tháng một và hai. Đó là khoảng thời gian kinh khủng nhất của Maryland nói riêng và cả nước Mỹ nói chung khi mọi thứ chìm sâu vào băng giá. Nhiệt độ luôn nằm dưới 0, gió rít từng cơn nghe ê ẩm. Trận bão tuyết này chưa tan, trận khác đã dồn dập tới. Tuyết rơi cả đêm, dày hơn nửa thước. Xe chạy khắp đường cào xới, rải muối cho mau tan. Mọi thứ đen thui, dơ hầy chứ chẳng đẹp xinh như những gì mình thấy trong phim hay tranh ảnh.
Mọi khi là vậy, nhưng năm nay không biết sao trời ấm hẳn lên. Tôi nhớ như in đợt lạnh kéo dài hai tuần năm rồi ở miền Bắc và Đông Bắc Mỹ. Trời không có hột tuyết làm thuốc, nắng vàng ươm, nhưng trời ơi, cái lạnh -20°C như nhát dao cứa sâu vào da thịt. Và gió lạnh từ rặng Appalachia dọc phía tây Maryland ùa về, gió từ Vòng cực Bắc khô khan thổi xuống bén ngót, len vào các khe hở áo quần, làm đông cứng từng tế bào da thịt. Bước ra khỏi nhà, cứ như có ai bê nguyên thau nước đá tạt vô làm xây xẩm mặt mày, muốn ngộp thở, té xỉu ngay. Đầu thì nhức bưng bưng như búa bổ.
Năm nay đỡ hơn, ngoài một hai ngày mưa dầm thì nắng ngập tràn. Thủ đô rực rỡ sắc màu ở tầm quẩn quanh 10°C. Mà thôi, ba mươi chưa phải là Tết. Trái đất ấm lên, hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu, báo chí nói quá trời. Sinh ra và lớn lên ở xứ nhiệt đới gió mùa, quen với ánh nắng mặt trời và những trận mưa dầm dề. Trời ấm được ngày nào cứ vui mừng ngày đó đi, nghĩ làm gì tới cảnh tuyết rơi cho mệt.

Hẹn lần, hẹn lựa, năm sau con sẽ về

Hồi mới qua Mỹ, mấy chữ “về quê ăn Tết” coi bộ khó như lên trời. Lương bảy tám đô một giờ, mà vé gần ngàn rưỡi bạc. Có buồn có nhớ gì cũng ráng dằn lòng hẹn một cái Tết mơ hồ nào đấy sẽ về. Chứ như đâu giờ, quá trời hãng cạnh tranh, bay Tết, book sớm của ANA, Korean Air, Air China còn đâu bảy trăm bạc.
Nói nào ngay, thuở đó, làm gì có Viber vai biếc, Facetime, iMessage hay Zalo như giờ. Giữ liên lạc bên nhà bằng vài lá thư tay viết vội giữa những đêm lo học bài không ngủ. Rồi chiều nào cũng ra trước cửa, ngóng bác đưa thư như chờ má đi chợ về mua quà bánh lúc nhỏ. Cuộc sống bận rộn, lu bu quá không viết thư tay, chuyển qua lóc cóc gõ email, hay nhắn tin Yahoo! Messenger. Cuối tuần, rủ người thân hay bạn bè ra tiệm net nối mạng bằng điện thoại bàn, dial-up connection, tiếng được tiếng không. Webcam chập chờn, lâu lâu đứng im như tượng. Mà có tiền cũng hổng dám gọi điện thoại bàn về nhà nhen. Sợ sướng miệng quá nói một lèo. Cuối tháng hóa đơn về choáng váng cả mặt mày. Phải ra tiệm mua thẻ. Hai mươi đô gọi được ba chục phút. Mà phải nói liền một lèo. Chứ ngắt nửa chừng là bị trừ gần hết.
Mỗi lần ra chợ, thấy người ta lôi những hộp mứt dừa, bí, thèo lèo đủ màu, bắt mắt của Đài Loan hay Trung Quốc có khi chục năm trước còn lại cũng hổng chừng, và các bịch hoa mai, hoa đào giả bụi bặm bám đầy, mới hay, Tết đã cận kề trước ngõ. Lật đật mua một bịch thiệt to. Rồi vô công viên, thấy cành cây khô nào đẹp đẹp, len lén bẻ trộm, đem về gắn bông lên, để giữa nhà. Coi như mình cũng có mai vàng năm cánh.
Và chạnh lòng nhớ ba với má.
Khi còn sống, năm nào má cũng gọi qua hỏi, Tết này bây có về không? Tôi luôn nghẹn lòng trước câu hỏi tưởng chừng vu vơ đó. Má tôi như những bà mẹ Việt ngày xưa tiễn con đi, rồi mỗi bữa lại ra ngõ trước, chái sau, trông ngóng con về, cồn cào ruột đau từng chặp. Dẫu biết ba má thương con không hết, chẳng bao giờ giận hờn những đứa con miệt mài phiêu bạt vì manh áo miếng cơm, nhưng lòng cứ rưng rưng mỗi khi nhớ lại. Thế là hẹn lần, hẹn lựa, năm sau con sẽ về.
Tới năm sau lại hẹn năm sau nữa sẽ về để má con mình đi chợ sắm đồ, mua cúc, mua mai chưng đầy trước ngõ như những ngày xưa cũ. Hứa hoài, hẹn mãi, năm tháng tàn phai. Cứ ngỡ cha mẹ như ông bụt bà tiên sống mãi với cuộc đời, nào ngờ chớp mắt, trở mình, họ bỏ mình ra đi không lời từ biệt.
Hồi đó, dù bận trăm công ngàn việc, nhưng ít nhiều ba má cũng lo cho gia đình một cái Tết ấm êm. Ba lui cui sai hết thằng này dọn mạng nhện, quét vôi tường, tới đứa kia đi xin khế, hốt tro, kì cọ chân đèn sáng bóng. Má sai chị ra chợ mua me lột sẵn, lựa trái thiệt mập, căng tròn, đem ngâm đường cát sống chứ không ngâm vô nước đường nấu nguội bởi me sẽ ra nhớt nhanh, không để được lâu.
Cho đến nay hình ảnh những món đồ Tết được bày bán trong siêu thị Mỹ vẫn còn nguyên vẹn trong tôi dù bao nhiêu mùa xuân đã qua 
Thêm vài kí kiệu, phơi héo, cắt rễ, lột vỏ, ngâm trong nước tro cho trắng, lèn vô thẩu, pha giấm, muối, đường, hong nắng làm kiệu chua. Đu đủ với cà rốt gọt vỏ, lấy dao cắt miếng cỡ đầu ngón tay, phơi hai nắng rồi bỏ thẩu làm dưa món. Mua mớ mứt dừa, gừng, mứt dẻo, hột đưa, thẩu bánh thửng, mấy đòn bánh tét về để trong bếp, cúng ông bà và đãi khách. Ba tôi giỏi nhất là làm đầu với tai heo ngâm mắm. Trời ơi, chẳng biết ông làm cách nào, mà chỉ cần ngâm hai bữa thôi, mắm nhĩ trộn ớt xiêm thấm rất đều, xắt miếng thịt ra vừa giòn vừa dẻo vừa dai, cuốn với bánh tráng ăn, ngon không tả nổi.

Gì cũng có chỉ thiếu... vị mùi của Tết

So với các thành phố như Los Angeles, San Jose (California), Dorchester - Boston (Massachusetts), hay Houston (Texas) thì người Việt ở khu vực thủ đô Washington D.C. không nhiều. Theo thống kê, có khoảng gần 50.000 người sống rải rác ở D.C., Maryland và đông nhất là phía bắc Virginia. Và tất nhiên, nơi nào có đông người Việt, sẽ có một khu shopping để tụ tập đồng hương tới mở nhà hàng, siêu thị, tiệm ăn nhanh hay trà sữa. Khu Eden (hay Vườn địa đàng) mang dang dấp của chợ Bến Thành, là chốn để bà con chuyện trò, gửi tiền, sắm vàng, hớt tóc, bán dĩa cơm tấm bì sườn, ổ bánh mì, ly chè ba màu, nước mía, hay mâm bánh bèo, bánh bột lọc, chả lụa, nem chua… Cuối năm, chẳng cần gói bánh tét, bánh chưng, bào dừa, ngâm me, sên mứt, làm kiệu chi cho mệt. Cứ tới Eden hay mấy chợ Việt Nam. Đảm bảo, tất tần tật những món ngon ba miền ở Việt Nam, bên này có đủ.
Mà người Việt có tật “đói con mắt”. Thấy gì cũng muốn mua. Tại cả tuần mới đi chợ, cả năm mới Tết một lần mà. Nhìn thức ăn ngon, đồ quen là hốt hết, chất đầy xe mang về. Kệ, tốn có nhiêu đâu, cứ chất tủ lạnh ăn dần, rồi nhìn quẩn nhìn quanh cho mát mắt.
Nhưng cái thiếu ở đây là vị mùi của Tết.
Nếu Tết rơi vào cuối tuần thì còn đi chùa Giác Hoàng hay chùa Xá Lợi lễ Phật cầu an. Trong tuần đành chịu, bởi phải đi làm kiếm sống. Nếu có xin nghỉ cũng một hai ngày chứ nghỉ lâu lại thâm vô ngày phép. Các hội đoàn người Việt ở đây cũng tổ chức hội chợ Tết vào dịp cuối tuần để bà con rảnh rang mang hoa quả, bánh tét, mứt, củ kiệu, dưa hành tự làm tới bán.
Ở đó, có những đứa trẻ sinh ra ở xứ người, cô cậu thanh niên, ông bà già lụm khụm mặc áo dài, khăn đóng (kèm theo cái áo bông dày) tung tăng giữa nắng nhạt vàng. Có bánh chưng, bánh tét gói bằng lá chuối, lá dong đúng hiệu. Có thẩu me xanh ngâm đường ngòn ngọt. Thau mứt dừa, mứt bí, mứt gừng nồng nàn trên đầu lưỡi. Thỉnh thoảng người ta đốt pháo đì đùng như Việt Nam mấy mươi năm về trước.
Dù bận bịu, nhưng ai cũng cũng tranh thủ ra ngắm cho có không khí. Đôi khi ngậm ngùi nhìn vài cụ ông cụ bà đầu bạc trắng, đầy vết chân chim bởi những vất vả lo toan và nỗi nhớ nhà hằn trong từng suy nghĩ, nhờ con cái chở tới để ôn cố tri tân. Bè bạn gặp nhau, mừng mừng tủi tủi. Gặp nhau lần này rồi hổng biết sang năm có còn dịp nhìn thấy nhau không? Ai cũng mể mẩn nhìn hoa mai vàng tưng bừng khoe sắc. Chậu cúc đại đóa vàng ươm nằm gọn trong lòng bàn tay, hay cành đào hồng tươi rói (nói thiệt ở quê cho cũng hổng thèm). Cho nên dù hoa có mắc gấp đôi gấp ba ngày thường, ai cũng mua về chưng cho có mùi Tết.
Mới hay, người Việt tha hương khắp bốn bể năm châu, nhưng vẫn khó hòa nhập vào văn hóa xứ người. Chúng tôi vẫn cố giữ cho mình những phong tục tập quán cổ truyền để làm niềm vui và quay đầu về quê cha đất tổ.

Tháng năm vô tình đi mải miết

Gần hai mươi năm miệt mài viễn xứ, hễ mỗi lần thấy trời lành lạnh chuyển sang đông, lên Facebook nghe bà con hỏi chuyện mua vé về quê ăn Tết chưa, ghé mấy chợ Việt, thấy người ta bày bán hộp bánh mứt, hay mớ bao lì xì từ tám chín đời dương, lòng lại rộn lên một nỗi niềm khó tả. Muốn bỏ hết công ăn việc làm, hổng màng chi tiền tài danh vọng, cũng chẳng thèm nhà cao cửa rộng, xe cộ đủ đầy, chỉ muốn mua cái vé máy bay, ngồi hai mươi mấy tiếng ê mông, rời xứ người giữa mùa đông buốt giá.
Chỉ cần đặt chân xuống Sài Gòn ấm áp, nghe tiếng người Việt ríu rít khắp nơi là nỗi buồn nào cũng tan biến. Rồi lật đật bay về Ninh Hòa đi tảo mộ ba má, để kịp ăn Tết với gia đình, bên người thân ruột thịt. Nghe mùi bánh tét nồng thơm trên đầu mũi, nhà ai đang xào gừng, trộn dừa, thấy hũ me ngâm đường căng tròn chị để sẵn trên bàn cùng với ấy cây bánh tét mập ù là chỉ muốn nhào vô ăn cho đã nư. Bên kia đường, mấy chậu cúc ánh lên sắc vàng kiêu hãnh, đợi ai đó mua về, thắp sáng những ngày xuân.
Bỗng buộc miệng ước thầm, muốn đánh đổi tất cả những gì mình đang có để quay ngược thời gian, về bên cạnh má ba tháng năm khổ nghèo, để mười mấy người chia nhau từng nồi canh rau, con mực mặn, xoong cá kho hay dĩa gỏi gà mà ấm êm. Chỉ một lần thôi, sẽ không tiếc nuối, viễn vông gì nữa hết.
Mà tháng năm thì vô tình đi mãi miết, mơ ước thì nhiều nhưng có bao giờ quay lại được đâu?
Theo Thanh niên
TAG:
Tin khác
NSƯT Hồng Liên, Hồ Quỳnh Hương lan toả tinh thần Phật giáo tại đêm nhạc “Sáng Đạo Trong Đời”
Chính thức khai mạc Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam 2024 tại Hà Nội
Tuần lễ chiếu phim hoạt hình Việt - Pháp miễn phí
Tiếp tục vun đắp truyền thống đoàn kết, giữ vững danh hiệu ấp văn hóa
BIM Group IRONMAN 70.3 Phú Quốc 2024: Sự kiện đẳng cấp cho các vận động viên và cộng đồng tại Việt Nam
Giao lưu văn hóa, du lịch Việt – Trung: Nhịp cầu kết nối nhân dân hai nước
Triển lãm Hương Vị Italia: Cầu nối văn hóa ẩm thực Ý – Việt
Thạc sĩ Vũ Hồng Yến lan toả ý nghĩa sự phát triển Yoga toàn diện tại Ấn Độ
Long An tổ chức Tuần Văn hóa – Thể thao - Du lịch lần 2 năm 2024