Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Người thương binh tâm huyết với hành trình “tiếp lửa” truyền thống cho thế hệ trẻ
04:49 PM 21/11/2023
(LĐXH)- Cựu chiến binh, thương binh hạng 4/4 Lê Xuân Niêm mong muốn trở thành nhịp cầu nối liền quá khứ với hiện tại, được khoả lấp, an ủi phần nào những niềm đau của những thân nhân liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng. Với ông, đây cũng là một cách tri ân những người lính, những anh hùng đã hy sinh trong sự nghiệp giải phóng đất nước.
Kể lại những năm tháng xưa cũ gắn liền với màu áo lính, ông Niêm vẫn còn nhớ đó là vào tháng 9/1965, khi ông mới 16 tuổi đã theo chân hai người anh trai lên đường nhập ngũ. Thời điểm ấy, cuộc chiến bảo vệ đất nước đang bước vào giai đoạn khốc liệt nhất, chiến trường nơi ông xung trận cũng là tâm điểm của cuộc chiến, đất lửa Quảng Trị anh hùng. Đến năm 1970, ông Niêm bị thương nặng và được đưa ra Bắc rồi nhận công tác tại Thanh Hoá. Năm 1972, ông được cử đi học quân y tại Sơn Tây, rồi về công tác tại Ban chỉ huy Quân sự quận Đống Đa (Hà Nội).
Đến cuối năm 1992, ông Niêm nghỉ hưu và bắt đầu cuộc sống bình thường như bao người khác. Nhưng cũng chính những ngày về với đời thường đó, ông thấy lòng mình day dứt khi chứng kiến nhiều hoàn cảnh éo le của đồng đội.
Nhớ về đồng đội, ông Niêm nói, nhiều đêm không thể ngủ được vì thương xót cho những anh em đang yên nghỉ ở một cánh rừng xa xôi nào đó, thấy xót xa cho những mẹ già đang lặng lẽ ngày đêm thương nhớ con xa, mong được ấp ôm con lần cuối trong đời, dù bóng dáng thân thương ấy chỉ còn lại là nắm đất vô hồn. Bởi thế, ông ao ước, một ngày nào đó, ông được hoá thân thành nhịp cầu nối liền quá khứ với hiện tại, được khoả lấp, an ủi phần nào những niềm đau mà thân nhân liệt sĩ, những gia đình có công với cách mạng đang gặp phải.

Thương binh Lê Xuân Niêm (hàng đầu, bên phải) cùng các cựu chiến binh, người có công vào Lăng viếng Bác.

Thấu hiểu nỗi lòng của ông, Giáo sư, Viện sĩ Phạm Minh Hải, khi ấy Phó ban Thường trực Ban Khoa giáo TƯ, Chủ tịch Hội Tâm lí Giáo dục Việt Nam, đã gợi ý với ông rằng Hội đang có dự định thành lập Trung tâm Giáo dục truyền thống và lịch sử, nếu có tâm huyết thì hội sẽ giao cho ông làm. Đề nghị của ông Hải giống như mở bầu tâm sự cho người cựu chiến binh, chỉ trong vài ngày, ông Niêm đã thảo xong đề án hoạt động của trung tâm. Cuối năm 1992, trung tâm do ông làm giám đốc đã chính thức đi vào hoạt động.
Và sau gần 30 năm hoạt động, trung tâm đã góp phần khơi dậy hào khí Việt Nam, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, nhân lên đạo lý "đền ơn đáp nghĩa", truyền thống anh hùng, đồng thời góp phần tạo động lực thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước trong thời kỳ mới. Trung tâm luôn chú trọng giáo dục truyền thống "đền ơn đáp nghĩa" bằng việc thường xuyên tổ chức các chuyến đi "về nguồn", các hoạt động, gắn với các ngày lễ kỷ niệm, các sự kiện chính trị-xã hội quan trọng.
Để tạo dấu ấn trong mỗi chuyến đi, tránh cách làm sáo mòn, đơn điệu, sau nhiều tìm tòi, thử nghiệm, ông Niêm cùng tập thể tiến hành các hình thức tuyên truyền mới, nhất là giao lưu với các nhân chứng lịch sử, tái hiện những hoài niệm, ký ức cùng đồng chí, đồng đội...
Trung tâm đã mời mế Cà Thị Om ở Sơn La, người đã hy sinh tình mẫu tử để cứu cán bộ Việt Minh thoát khỏi tay giặc; nữ Anh hùng LLVT nhân dân đầu tiên Nguyễn Thị Chiên; Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Thành Trung, người đã lái máy bay phản lực F5E của địch ném bom vào dinh Độc Lập ngày 8/4/1975; Anh hùng Lao động Phạm Thị Vách, người hai lần vinh dự được tặng Huy hiệu Bác Hồ và thân nhân các Anh hùng Võ Thị Sáu, Phan Đình Giót… về Thủ đô Hà Nội giao lưu với học sinh, sinh viên; qua đó để hiểu thêm những bài học lịch sử, nâng cao nhận thức và trách nhiệm đối với thế hệ đi trước, thêm trân trọng và phát huy giá trị lịch sử truyền thống.
Những câu chuyện xúc động như vậy là những kỷ niệm sâu sắc, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc nên ông Niêm cùng tập thể trung tâm cố gắng khai thác, tổ chức truyền bá trong cộng đồng.
Vị Giám đốc- thương binh Lê Xuân Niêm còn tự hào "khoe" rằng: "Đến nay, hơn 90% anh hùng và gia đình các nhân vật lịch sử nổi tiếng trong 2 cuộc kháng chiến vừa qua được ghi trong các trang sách học trò, Trung tâm đã mời về Thủ đô để gặp mặt và tôn vinh".
Sau gần 30 năm hoạt động, Trung tâm Giáo dục truyền thống và lịch sử đã tổ chức hơn 200 cuộc gặp mặt giao lưu truyền thống với hơn 2 triệu lượt người tham gia các chuyến "về nguồn", giáo dục truyền thống; thông báo hơn 8.000 tin tức về phần mộ các liệt sĩ; tham gia tìm kiếm và quy tập, cất bốc hơn 1.500 hài cốt liệt sĩ; trao hàng nghìn suất quà tặng gia đình chính sách và người có công.
Với những hoạt động tích cực, hiệu quả, Trung tâm Giáo dục truyền thống và lịch sử đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba; ông Lê Xuân Niêm cũng được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba./.
Mỹ Linh
 
TAG: thương binh Lê Xuân Liêm tiếp lửa truyền thống Trung tâm Giáo dục truyền thống và lịch sử
Tin khác
Vũng Liêm tích cực giải bài toán giảm nghèo bền vững
Triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ người dân Mỏ Cày Bắc giảm nghèo bền vững
Chương trình của Vinamilk hỗ trợ hơn 6 tỷ đồng cho học sinh, sinh viên vùng bão lũ qua Trung ương đoàn
Đề nghị trẻ em không có giấy tờ tùy thân cũng được cấp thẻ BHYT
TPHCM: Long trọng tổ chức lễ phát động “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2024”
BHXH TPHCM chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 10, qua tài khoản từ ngày 1/10
Ủy ban quốc gia về trẻ em làm việc với tỉnh Sơn La về thực hiện công tác phối hợp liên ngành trong phòng, chống bạo lực trẻ em, xâm hại tình dục trẻ em
Huyện Can Lộc huy động hệ thống chính trị thực hiện công tác giảm nghèo bền vững
Chăm lo chu đáo cho người có công trên mảnh đất Hà Tĩnh