Người tâm thần – Xin đừng kỳ thị!
LTS: Trong khuôn khổ Hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng truyền thông thực hiện Đề án phát triển nghề công tác xã hội trên báo chí năm 2016” do Tạp chí Lao động và Xã hội phối hợp với Cục Bảo trợ xã hội thực hiện, Ban Tổ chức đã quyết định trao giải cho những bài viết xuất sắc xung quanh đề tài phát triển nghề CTXH và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí. Laodongxahoi.net xin giới thiệu bài viết đạt giải Nhì của tác giả Nguyễn Thùy Hương, Tạp chí Gia đình và Trẻ em.
Người ta thường gọi người mắc bệnh tâm thần là “người điên” vì họ thường có những hành vi gây nguy hiểm cho những người xung quanh. Thái độ kỳ thị, xa lánh, quan niệm lệch chuẩn hoặc thờ ơ đối với người tâm thần vẫn còn khá phổ biến trong xã hội. Điều này đang tạo nên gánh nặng cho ngân sách Nhà nước trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng người tâm thần (đang có xu hướng tăng) tại các cơ sở bảo trợ xã hội và là gánh nặng đối với cộng đồng, xã hội.
Rối nhiễu tâm trí hoặc tâm thần có thể xảy ra với bất kỳ ai
Hiện nay, do áp lực của cuộc sống, áp lực kinh tế, tác động của khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế và nhiều nguyên nhân khác nhau nên số người bị rối nhiễu tâm trí hoặc tâm thần có xu hướng gia tăng, đặc biệt tại các thành phố, đô thị lớn.
Thống kê chưa đầy đủ của Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTBXH)cho thấy: Hiện nay, số người bị rối nhiễu tâm trí ở Việt Nam ước tính chiếm khoảng 10% dân số, tương đương gần 9 triệu người, trong đó số người tâm thần nặng chiếm 2,5% số người rối nhiễu tâm trí (tương đương 200 ngàn người). Số người có hành vi nguy hiểm cho gia đình, cộng đồng khoảng 154.000 người. Số người tâm thần có xu hướng gia tăng, đặc biệt là các thành phố, đô thị lớn, sức ép công việc lớn. Việc chăm sóc, phục hồi chức năng cho người tâm thần là một thách thức lớn và là một gánh nặng đối với cộng đồng, xã hội.
Theo giới chuyên môn y khoa, ngoài những người người bị tâm thần bẩm sinh do khiếm khuyết về thần kinh, mọi người bình thường đều có nguy cơ rơi bị rối nhiễu tâm trí hoặc tâm thần do gặp nhiều trở ngại trong cuộc sống như: áp lực từ công việc, làm ăn lụi bại, cú sốc tâm lý, gia đình tan vỡ, mất ngủ triền miên, nghiện thuốc lá, nghiện rượu, không được toại nguyện những điều mong muốn v.v… Do vậy, rối nhiễu tâm trí hoặc tâm thần có thể xảy ra với bất kỳ ai trong mỗi con người bình thường chúng ta. Chính vì không loại trừ ai, thái độ kỳ thị sẽ cản trở việc người tâm thần được chăm sóc, chữa trị giữa các thành viên trong gia đình cộng đồng. Tước đi cơ hội được nhanh chóng phục hồi của họ.
Coi người tâm thần là “đồ bỏ đi” – Tư duy đã cũ!
Tại Trung tâm Điều dưỡng phục hồi chức năng tâm thần Việt Trì đang kết hợp với các phương pháp trị bệnh: hóa dược, tâm lý, nhận thức, hành vi, ám thị, thư giãn, bình thường hóa các triệu chứng tâm thần… với các mô hình trợ giúp người tâm thần như: Mô hình điều dưỡng cho người tâm thần; mô hình phục hồi chức năng…
NTT cũng có nhu cầu được trò chuyện, được chăm sóc, được yêu thương và chia sẻ mọi nỗi niềm.
Sau khi điều trị tích cực, bệnh ổn định, người bệnh sẽ được bố trí tham gia lao động sản xuất. Căn cứ vào sở trường, độ tuổi, tình trạng sức khỏe của mỗi người mà sắp xếp, phân công cho phù hợp. Hiện tại, người bệnh được phân thành các tổ: nề, mộc, chăn nuôi, trồng rau, chăm sóc cây, làm đậu, may vá, đan lát, bảo vệ, làm dịch vụ… Ban đầu có cán bộ hướng dẫn, làm từ việc dễ đến khó, sau đó dần hình thành các tổ tự quản, có tổ trưởng. Trong lao động có bình xét, xếp loại công lao động theo A, B, C và thực hiện chi trả tiền hỗ trợ cho bệnh nhân 10 ngày một lần theo từng loại công. 6 tháng tổ chức sơ kết, cuối năm tổng kết bình chọn người bệnh đạt lao động xuất sắc và lao động tiên tiến để khen thưởng. Do vậy người bệnh hăng hái, tích cực tham gia lao động sản xuất.
Theo bác sĩ ông Phạm Công Thành, Phó Giám đốc Trung tâm: “Mục đích của lao động phục hồi chức năng là đưa người bệnh từ chỗ ăn không, ngồi rồi, lang thang, phá phách vào các hoạt động có ích, làm ra sản phẩm để cải thiện cho chính cuộc sống của họ. Đồng thời, giúp người bệnh bớt lo lắng bệnh tật, quên cảm giác khó chịu do hoang tưởng, ảo giác gây ra. Nhờ đó, họ phát huy được khả năng hoạt động của bản thân, cảm thấy mình vẫn có ích cho xã hội. Khi ổn định trở về sống với gia đình, cộng đồng, người bệnh tiếp tục lao động sẽ giảm bớt phần nào khó khăn cho bản thân và gia đình”. Như vậy, người tâm thần vẫn là những người sống có ích nếu như họ được cả xã hội dang rộng vòng tay yêu thương, chia sẻ đối với họ, cơ hội phục hồi bệnh tật của họ là rất lớn.
Kết hợp giữa chuyên môn Y tế với nghiệp vụ nghề CTXH giúp NTT nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng
Tác giả bài viết cùng Bác sĩ Trần Thị Hiền - Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần Hải Phòng trò chuyện với các bệnh nhân tâm thần.
Đến thăm mô hình trợ giúp người tâm thần tại Trung tâm điều dưỡng người tâm thần Hải Phòng, Bác sĩ Trần Thị Hiền, Giám đốc Trung tâm cho biết, chị về làm việc tại Trung tâm được 12 năm, trước đây chị công tác bên ngành y tế. Khi mới vào Trung tâm, chị thấy bệnh nhân lên cơn kích động rất nhiều. Trong những năm gần đây, chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ được nâng lên, số lượng nhân viên chăm sóc tăng lên. Cùng với đó là phác đồ điều trị kết hợp giữa chuyên môn y tế và vận dụng kiến thức học về nghề công tác xã hội do Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTBXH) tổ chức – hai yếu tố đó kết hợp với nhau nên kết quả chăm sóc và PHCN cho bệnh nhân rất tốt. “Khi chưa được học lớp CTXH cấp cao do Cục BTXH tổ chức thì tôi thường áp dụng phương pháp chữa bệnh theo kinh nghiệm cá nhân, ứng dụng chuyên môn của ngành Y tế là khám và điều trị. Khi được trang bị rất nhiều kỹ năng nghề CTXH, kỹ năng mà tôi thấy hiệu quả nhất là Kỹ năng quan sát bệnh nhân, chia sẻ và chấp nhận bệnh nhân. Đây là điều rất quan trọng đối với tất cả cán bộ, nhân viên, y bác sĩ ở đây. Mình phải chấp nhận tất cả những biểu hiện bất thường của người bệnh, họ là người bệnh thì mình mới dễ thông cảm và chia sẻ với bệnh nhân. Nghề CTXH còn có tác dụng thay đổi nhận thức của chính các y bác sĩ.” – BS Hiền chia sẻ kinh nghiệm.
Trò chuyện với các bệnh nhân tâm thần, điều đầu tiên chúng tôi nhận thấy là họ ngoài những lúc phát bệnh, còn lại họ cũng như tất cả những người bình thường chúng ta, họ cũng có nhu cầu được trò chuyện, được chăm sóc, được yêu thương và chia sẻ mọi nỗi niềm. Mỗi lần có các đoàn khách đến thăm hỏi hoặc có các đoàn từ thiện, người bệnh được chia sẻ tình thương, được sự chăm sóc, vỗ về của mọi người như trực tiếp nấu cho bệnh nhân ăn, cắt tóc, cạo râu, tắm gội, cho mặc quần áo mới, phát quà, cùng ca hát… Bệnh nhân được hòa nhập cùng cộng đồng, họ rất vui, tâm lý thoải mái. Do vậy, bệnh nhân không có tư tưởng trốn, cán bộ và bệnh nhân như trong một nhà, khách đến không có cảm giác sợ hãi. Chúng tôi cho đó là việc rất thành công trong việc chăm sóc, quản lí và điều trị bệnh nhân của đội ngũ y bác sĩ Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần Hải Phòng.
Người tâm thần rất cần sự chung tay trợ giúp của toàn xã hội
Theo ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, hiện có 4 giải pháp chính để hỗ trợ người tâm thần sớm hòa nhập cộng đồng, đó là: “Về phía Nhà nước phải có đội ngũ nhân viên công tác xã hội (CTXH) chuyên nghiệp. Chỉ có đội ngũ chuyên nghiệp này mới làm giúp công tác chăm sóc, lắng nghe, chia sẻ, phát hiện, tìm các biện pháp can thiệp, kết nối chuyên gia để can thiệp trợ giúp cho nhóm này một cách tốt nhất; Phải có chiến dịch truyền thông cho cộng đồng tránh kỳ thị người tâm thần; chính gia đình phải trực tiếp chăm sóc, nhận thức việc chăm sóc đúng cách sẽ đem đến cơ hội phục hồi. Họ cần được tập huấn kỹ năng, phương pháp để có kỹ năng chăm sóc cho người tâm thần tại gia đình, nhờ đội ngũ nhân viên CTXH để được hỗ trợ, cả về phúc lợi xã hội cũng như vận động sự hỗ trợ của các tổ chức; Phải hình thành những nhóm người hỗ trợ, nhân viên chăm sóc, lắng nghe, chia sẻ, phát hiện và kết nối cùng gia đình để trợ giúp người tâm thần”.
Kết hợp giữa chuyên môn Y tế với nghiệp vụ nghề CTXH giúp NTT nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng.
Đã đến lúc các cơ quan liên quan cần thay đổi phương pháp tiếp cận việc quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị, phục hồi chức năng cho người mắc bệnh tâm thần từ bao cấp hoàn toàn sang chia sẻ trách nhiệm giữa gia đình, cộng đồng, xã hội và Nhà nước, trong đó Nhà nước đóng vai trò chủ đạo. Có như vậy mới góp phần nâng cao hiệu quả chữa trị và phục hồi chức năng cho người tâm thần, giúp họ rút ngắn thời gian điều trị, sớm trở về hòa nhập cộng đồng và sống có ích.
Thùy Hương/Tạp chí Gia đình và Trẻ em
TAG: