Người nông dân làm giàu, thoát nghèo trên dẻo cao Bắc Yên
Đó là hội viên nông dân Sồng A Mang, sinh năm 1971, người dân tộc Mông, ở bản Cáo A xã Làng Chiếu, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La một trong 63 nông dân tiêu biểu của cả nước được vinh danh là “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2019”. Với khát vọng làm giàu Anh đã vượt khó vươn lên bằng chính đôi tay của mình để trở thành triệu phú nơi rẻo cao Bắc Yên với mô hình phát triển kinh tế: Trồng Sơn tra, cây dong riềng, thu mua và sơ chế dong riềng và nuôi trâu, bò, gà, vịt mỗi năm thu nhập từ 700-800 triệu/năm.
Vượt quãng đường đèo dốc hơn 20 km từ trung huyện Bắc Yên theo tỉnh lộ 112 lên xã Làng Chiếu, nơi có độ cao hơn 1.700 so với mực nước biển, hỏi người già, trẻ nhỏ đường vào nhà anh Mang ai ai cũng biết. Căn nhà 2 tầng, khang trang nhất bản mới xây xong. Gặp anh Mang, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi về người đàn ông dân tộc Mông này là dáng người cao ráo, nhanh nhẹn, giọng nói chất chất, dễ gần nhưng ý chí vô cùng mạnh mẽ. Với những cái bắt tay thật chặt dẫn khách chúng tôi vào nhà. Ngôi nhà mới vẫn còn in mùi vôi, vữa, ngồi bên tách trà nóng anh Mang hồi nhớ lại những ngày gian khó: Tôi sinh ra và lớn lên trong gia đình đông anh em, nhà tôi cũng như bao người Mông ở bản Cáo A này, cuộc sống khó khăn, từ đời ông, đời bà đều gắn liền với những ngọn núi cao, đồi dốc, quanh năm mây mù bao phủ. Nơi đây người Mông chỉ biết phát nương làm rẫy trọc lỗ trồng bắp, trồng lúa, cả mùa vụ phó mặc cho ông trời muốn ra sao thì ra, năm nào được mùa tạm đủ ăn, năm nào mất mùa là đói. Đất bạc màu, những cánh rừng xanh dần hết cây rồi trở nên trọc lốc, giàu đâu chẳng thấy chỉ thấy cái đói, cái nghèo cứ bám diết lấy gia đình và bà con dân bản.
Cách đây hơn 10 năm trở về trước, làng Chiếu cũng như một số xã vùng cao của huyện Bắc Yên, từng là nơi ám ảnh đối với nhiều người. Khi đó đường từ trung tâm huyện lên Làng Chiếu chỉ là con đường mòn nhỏ, hẹp, quanh co, vắt vẻo qua bên những sườn núi dốc đi lại rất khó khăn. Nhà nào có công có việc xuống huyện hay đi chợ mua nhu yếu phẩm, phải thức từ lúc gà gáy đi bộ cả ngày trời, rồi kẽo kẹt gùi đồ hoặc thồ lên lưng ngựa ngược dốc trở về. Đường xá cách trở, cuộc sống của bà con người Mông như bị cách biệt với bên ngoài, cái đói, cái nghèo cứ mãi đeo bám. Nhưng giờ đã khác, bà con đồng bào Mông được Nhà nước đầu tư làm đường nhựa, điện thắp sáng, hướng dẫn cách làm ăn phát triển kinh tế gia đình… thay đổi cách nghĩ, cách làm cho bà con, thúc đẩy ý chí vượt khó vươn lên làm giàu, xây dựng cuộc sống ấm no.
Ngày trước do nhà đông người, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Anh Mang chỉ được đi học lớp xóa mù chữ 3 tháng, biết viết, biết đọc và tính nhẩm được ít con số. Cuộc sống khó khăn bươn chải làm đủ nghề kiếm sống, đi nhiều nơi được giao lưu tiếp xúc, học cái hay, cái tốt, cách làm hiệu quả từ những nơi khác, anh Mang quyết tâm thay đổi cách làm, nâng cao cuộc sống gia đình.
Năm 2000, một số cán bộ khuyến nông huyện lên vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng và hướng dẫn bà con bản Mông trong xã ươm giống và cách trồng táo Sơn tra. Năm 2002, anh Mang quyết định chuyển một phần đất trồng ngô, lúa sang trồng táo sơn tra với mong muốn thoát nghèo, đến năm 2004 diện tích trồng Sơn tra của gia đình anh tăng lên 2 ha. Sau 4 năm sau sơn tra bắt đầu cho thu hoạch. Nhờ táo sơn tra được người tiêu dùng ở các thành phố lớn ưa chuộng nên bán được giá, gia đình bắt đầu có thu nhập và bớt dần khó khăn. Năm 2007, ông trồng thêm 2 ha nữa nâng diện tích lên 4 ha, qua tham gia một số lớp tập huấn, đem kỹ thuật ứng dụng vào thực tế, thường xuyên cắt tỉa và phát quang cây cỏ dại, nên vườn táo của ông năm nào cũng sai quả.
Năm 2010, số tiền tích kiệm được từ bán táo sơn tra gia đình anh đầu tư mua một chiếc xe tải, vừa thu hái táo của gia đình, vừa thu mua táo cho bà con trong vùng vận chuyển bán cho một số thương lái ở các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Hải Phòng, Điện Biên...Những năm táo được mùa, được giá gia đình đã thu nhập hàng trăm triệu, có vốn anh đầu tư thuê nhân công cải tạo lại vườn táo. Dưới tán vườn táo ông trồng xen cây dong riềng với diện tích hơn 3 ha. Do hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nên cây dong riềng phát triển tốt, năng suất cao, chỉ tính riêng tiền bán dong riềng mỗi năm gia đình anh Mang thu nhập từ 250 – 300 triệu đồng.
Cùng với táo sơn tra, cây dong riềng bắt đầu được người Mông ở các xã vung cao Bắc Yên trồng nhân rộng với diện tích lớn, ông Mang thu mua luôn cả dong riềng “mùa táo bán táo, mùa dong bán dong” vừa làm vừa tìm hiểu thị trường. Qua khảo sát một số nơi thấy việc sơ chế tinh bột dong mang lại hiệu quả kinh tế cao, lại có thể giúp người dân tiêu thụ được sản phẩm tại chỗ. Năm 2013, anh quyết định đầu tư mua máy sơ chế tinh bột dong công suất lớn, mỗi ngày sơ chế khoảng 10 tấn dong. Trung bình mỗi năm gia đình anh thu mua và sơ chế từ 1,5 đến 2 nghìn tấn dong cho bà con trên địa bàn, từ đó kinh tế gia đình ngày càng khá giả.
Tuy không phải là chuyên gia về nông nghiệp nhưng anh Mang có cách làm rất khoa học, toàn bộ nước thải từ bã dong sau sơ chế được thu gom, sử dụng trở lại để tưới đất trồng dong và một số cây trồng khác thay thế cho phân bón hóa học. Không chỉ giảm được chi phí đầu tư mà làm đất trở nên màu mỡ, canh tác được lâu dài. Ngoài trồng táo, trồng dong ông còn chăn nuôi thêm trâu, bò, lợn, gà vừa để bán, vừa phục nhu cầu sinh hoạt tại chỗ của gia đình, mang lại thu nhập ổn định. Trong vài năm gần đây, tổng thu nhập của gia đình anh Mang mỗi năm từ 700 – 800 triệu đồng, trở thành hộ giàu có nhất vùng. Anh Mang đã chia sẻ, giúp nhiều hộ gia đình trong bản về kinh nghiệm trồng sơn tra, dong riềng, nuôi gia súc gia cầm để vươn lên thoát nghèo và có cuộc sống ngày càng khá giả.
Với ý chí và lòng quyết tâm vượt khó, người nông dânSồng A Mang đã biến ước mơ làm giàu trở thành hiện thực, là gương người nông dân tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo ở địa phương và được vinh danh là “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2019”./.
Hoàng Hoài Thương
TAG: