An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Người nghèo huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình) mạnh dạn vay vốn tín dụng chính sách để thoát nghèo bền vững
10:57 AM 19/07/2020
Đồng vốn tín dụng chính sách đã đáp ứng được những nhu cầu cơ bản, thiết yếu trong cuộc sống của người nghèo trên địa bàn huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Binh; giúp cho đời sống của đồng bào bớt khó khăn, giảm bệnh tật, thất học, các tệ nạn xã hội và dần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Khi chính sách đến đúng đối tượng

Có thể khẳng định rằng, chương trình tín dụng ưu đãi của NHCSXH cho vay hộ mới thoát nghèo theo Quyết định 28/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã và đang có hiệu quả tích cực trên địa bàn huyện. Nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo bền vững với các mô hình sản xuất hiệu quả.

Hộ mới thoát nghèo làm thủ tục nhận vốn vay ưu đãi tại Điểm giao dịch xã

Theo ông Hoàng Đại Túy, Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Quảng Ninh, chương trình cho vay vốn hộ mới thoát nghèo được thực hiện từ năm 2015. Đối tượng được vay vốn là hộ có thu nhập bình quân đầu người cao hơn chuẩn cận nghèo theo quy định. Chương trình là một trong những giải pháp để giảm nghèo bền vững vì hầu hết điều kiện kinh tế của những hộ mới thoát nghèo tuy đã khá hơn trước nhưng vẫn chưa ổn định, rất dễ rơi vào tình trạng tái nghèo nếu gặp rủi ro.

Điểm đặc biệt là từ năm 2019, chương trình được nâng mức cho vay từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ. Thời hạn cho vay do NHCSXH và hộ mới thoát nghèo thỏa thuận trên cơ sở chu kỳ sản xuất kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng, nhưng không quá 5 năm, đã tạo điều kiện cho người vay xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn.

Nếu như tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách xã hội ở huyện Quảng Ninh đến nay đạt 328 tỷ đồng thì chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo đạt gần 70 tỷ đồng, với trên 1.300 hộ gia đình vay vốn để sản xuất kinh doanh. Chương trình này thực sự có ý nghĩa đối với người dân tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, bởi bà con có thêm nguồn vốn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Là thương binh, không làm được việc nặng nên trước đây đời sống gia đình ông Hà Văn Bàng, thôn Phúc Duệ, xã Vĩnh Ninh rất khó khăn, nhiều năm liền, gia đình luôn nằm trong diện hộ nghèo của xã. Không ngừng nỗ lực, đến năm 2018 gia đình ông Bàng thoát nghèo, nhưng nỗi lo thoát nghèo luôn thường trực. “Với những gia đình ở nông thôn như chúng tôi chỉ cần mất mùa hoặc trận bão là có thể tái nghèo”, ông Bàng tâm sự. Tuy nhiên, may mắn đến với gia đình ông Bàng sau khi biết được thông tin Phòng giao dịch NHCSXH huyện có chủ trương cho hộ mới thoát nghèo vay vốn ưu đãi làm ăn, ông liền làm hồ sơ để được hỗ trợ vốn vay.

Từ nguồn vốn vay ưu đãi, ông Hà Văn Bàng đã phát triển mô hình nuôi ong lấy mật đem lại thu nhập ổn định

Sau khi được ngân hàng cho vay 80 triệu đồng, ông Bàng đầu tư nuôi ong và bò. Với phong cách của người lính nên ông cũng rất cẩn trọng trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng vốn. Những ngày đầu chập chững vào nghề, ông chỉ nuôi một vài thùng ong. Vừa nuôi, ông vừa học hỏi thêm kỹ thuật với mong muốn có thể phát triển quy mô nuôi ong lớn hơn. Sau thời gian vừa học vừa làm, ông Bàng đã nhân rộng lên thành 30 thùng ong, bước đầu đem lại thu nhập ổn định.

Ông Bàng chia sẻ, ông nuôi ong bằng hoa tự nhiên nên mật vàng óng và rất thơm ngon. Cứ đến mùa mật là bạn bè, người thân trong gia đình lại đặt mua, nhiều lúc không đủ mật để bán. Với giá 350.000 đồng/chai, bình quân gia đình ông Bàng thu về hơn 20 triệu đồng/năm. “Thời gian tới, gia đình tôi muốn được hỗ trợ vay thêm vốn để mở rộng quy mô nuôi ong. Bởi chúng tôi không chỉ bán mật, mà còn bán thêm cả ong giống cho người dân có nhu cầu”, ông Bàng chia sẻ.

Tiếp tục đáp ứng nhu cầu vay vốn

Đến thăm cơ ngơi của ông Lê Hạnh ở tổ dân phố Phú Bình, thị trấn Quán Hàu huyện Quảng Ninh, không ai tin nó được dựng lên từ đôi tay của một nông dân từng thuộc diện hộ nghèo của địa phương.

Vài năm trước, được chính quyền thị trấn tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn vay, trong đó thông qua chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo của NHCSXH huyện Quảng Ninh, gia đình ông Hạnh đã vay 100 triệu đồng để mua sắm thuyền, ngư lưới cụ nuôi cá lồng trên sông. Mỗi ngày, sau khi đánh bắt cá về, ông đưa lên chợ bán, số cá nhỏ còn lại ông đem nuôi tại các lồng dọc bờ sông. Hiện nay, người dân rất ưa chuộng cá sông nên gần như ngày nào gia đình ông Hạnh cũng có thu nhập từ việc bán cá, bình quân mỗi năm, gia đình ông thu về hơn 50 triệu đồng.

“Hiện tại, gia đình tôi không còn sống trong cảnh thiếu thốn trăm bề như trước đây. Không chỉ có điều kiện cho con cái học hành đến nơi đến chốn, tôi còn mua sắm thêm trang thiết bị để mở rộng quy mô các lồng cá. Nếu không có nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH, tôi khó gây dựng được mô hình kinh tế ổn định như bây giờ”, ông Hạnh bày tỏ.

Theo ông Hoàng Đại Túy, chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo đã tạo đà cho các hộ thoát nghèo bền vững; góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Thời gian tới, để nguồn vốn chương trình phát huy hiệu quả, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Quảng Ninh tiếp tục chỉ đạo tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm sử dụng vốn, đôn đốc, thu hồi nợ đến hạn.

“Chúng tôi sẽ rà soát, nắm danh sách đối tượng có nhu cầu vay để hướng dẫn, tạo điều kiện cho vay, đáp ứng nhu cầu vay vốn của các hộ dân”, ông Hoàng Đại Túy chia sẻ.

Lãnh đạo Phòng giao dịch NHCSXH huyện Quảng Ninh khẳng định: Cho vay hộ mới thoát nghèo được xem là một trong những chương trình tín dụng có sức lan tỏa, nhận được sự đồng tình, hưởng ứng cao của cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là các hộ dân. Nguồn vốn này kịp thời "tiếp sức" cho các hộ mới thoát nghèo tiếp tục có điều kiện đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống. Tuy nhiên, để đồng vốn chính sách được sử dụng hiệu quả, chính quyền các cấp và các tổ chức hội, đoàn thể, các tổ tiết kiệm và vay vốn cần định hướng, tư vấn cho hộ vay về phương án làm ăn khi vay; tăng cường giúp đỡ, giám sát hộ vay trong quá trình sử dụng vốn... qua đó, giúp cho hộ vay hạn chế được các rủi ro, vốn đầu tư sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn./.


Lan Chi




TAG:
Tin khác
TP.HCM: Lập Đoàn 35 thăm tặng quà các đơn vị, cá nhân dịp Tết Ất Tỵ năm 2025
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
Bác sĩ tí hon cao 90cm được vợ cõng đi chữa bệnh cho hơn 2.000 người
Yêu cầu các địa phương báo cáo về nhu cầu và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 15/1
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
Cục Người có công tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024
Cô sinh viên hộ nghèo xây nhà báo hiếu bố mẹ ở tuổi 24