Giáo dục - Nghề nghiệp
Trang chủ / Giáo dục - Nghề nghiệp / Giáo dục - Nghề nghiệp
Người đủ 14 tuổi được tham gia học nghề
09:50 AM 29/09/2024
(LĐXH)- Trường hợp học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động thì người học nghề, người tập nghề phải đủ 14 tuổi trở lên và phải có đủ sức khỏe phù hợp với yêu cầu học nghề, tập nghề.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang dự thảo Thông tư quy định về đào tạo thường xuyên.
Thông tư này quy định về tổ chức và quản lý đào tạo thường xuyên đối với các chương trình: Đào tạo thường xuyên theo yêu cầu của người học; chương trình bồi dưỡng, cập nhật, nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề; chương trình đào tạo theo hình thức kèm cặp nghề, truyền nghề, tập nghề; chương trình chuyển giao công nghệ và các chương trình đào tạo khác có thời gian đào tạo dưới 03 tháng.
Đối tượng áp dụng là cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp, lớp đào tạo nghề do tổ chức, cá nhân thành lập để tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo quy định tại Điều 1 của Thông tư này; cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Học sinh trường nghề trình diễn tại Ngày hội GDNN thành phố Hà Nội 
Theo Dự thảo, người dạy các chương trình đào tạo thường xuyên là nhà giáo; nhà khoa học, kỹ sư, cán bộ kỹ thuật, nghệ nhân, người có tay nghề cao, nông dân sản xuất giỏi và có chứng chỉ kỹ năng dạy học hoặc chứng chỉ sư phạm.
Đối với tuyển sinh đào tạo thường xuyên, Dự thảo nêu rõ: Đối tượng tuyển sinh: Người từ đủ 15 (mười lăm) tuổi trở lên, có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học. Đối với các ngành, nghề đặc thù trong danh mục do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ban hành sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được tuyển sinh đối với người dưới 15 (mười lăm) tuổi.
Trường hợp học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động thì người học nghề, người tập nghề phải đủ 14 tuổi trở lên và phải có đủ sức khỏe phù hợp với yêu cầu học nghề, tập nghề. Người học nghề, người tập nghề thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành phải từ đủ 18 tuổi trở lên, trừ lĩnh vực nghệ thuật, thể dục, thể thao.
Hình thức tuyển sinh: xét tuyển và được thực hiện nhiều lần trong năm.
Thời gian đào tạo đối với các chương trình đào tạo thường xuyên quy định tại Thông tư này được thực hiện theo yêu cầu của từng chương trình, bảo đảm sự linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng người học.
Thời gian đào tạo chương trình thường xuyên gồm: Thời gian học kiến thức chuyên môn, thời gian học thực hành, thời gian kiểm tra, đánh giá kết thúc khóa học, trong đó thời gian thực học thực hành nghề tối thiểu chiếm 80% tổng thời gian khóa học.
Việc bố trí thời gian thực học được thực hiện linh hoạt trong ngày; trong tuần (ngày làm việc hoặc ngày thứ bảy, chủ nhật, ngày nghỉ) theo yêu cầu của học viên và được cụ thể trong kế hoạch đào tạo của từng khóa học, lớp học.
Thời gian học mỗi buổi tối đa là 05 (năm) giờ và thời gian học trong một ngày tối đa là 08 (tám) giờ.
Phương pháp đào tạo phát huy vai trò chủ động, năng lực tự học, kinh nghiệm của người học; sử dụng phương tiện hiện đại và công nghệ thông tin truyền thông để nâng cao chất lượng hiệu quả dạy và học.
Về tổ chức lớp học và địa điểm đào tạo, Dự thảo nêu rõ: Lớp học kiến thức nghề, kỹ năng mềm tối đa 35 học viên. Lớp học kiến thức nghề, kỹ năng mềm dành cho người dân tộc thiểu số ít người, người khuyết tật tối đa 20 học viên. Riêng lớp học kiến thức nghề, kỹ năng mềm dành cho người mù tối đa 10 học viên.
Lớp học thực hành nghề hoặc học tích hợp tối đa 18 học viên. Lớp học thực hành nghề hoặc học tích hợp đối với người dân tộc thiểu số ít người, người khuyết tật, tối đa 10 học viên. Riêng lớp học thực hành nghề hoặc học tích hợp đối với người mù tối đa 8 học viên.
Mỗi lớp học có ít nhất một giáo viên hoặc người dạy nghề trực tiếp giảng dạy và phụ trách lớp.
Địa điểm đào tạo được thực hiện linh hoạt tại cơ sở đào tạo, doanh nghiệp, nơi sản xuất, nhưng phải đảm bảo các điều kiện để dạy và học về mặt bằng, địa điểm học kiến thức nghề; địa điểm học thực hành kỹ năng nghề; phương tiện, thiết bị, nguyên nhiên vật liệu phục vụ đào tạo theo yêu cầu của mô - đun, môn học trong chương trình đào tạo./.
Minh Hà
TAG:
Tin khác
Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ tiếp đón và làm việc với đoàn công tác bang Bavarian, Cộng hòa Liên bang Đức
Huyện Kế Sách: Đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động
Hiện thực hóa việc học Đại học bằng chương trình học bổng 100% tại Đại học Công nghệ Đông Á
Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế Lilama 2: Tuyển sinh đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp
Điểm danh 11 trường đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn nước ngoài năm 2024
Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội khai giảng năm học 2024 – 2025
8 thí sinh Trường Đại học SPKT Vĩnh Long dự Kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới lần thứ 47
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng: Hãy thắp lên ngọn lửa trí tuệ trong học sinh, sinh viên
Việt Nam - Hàn Quốc thắt chặt hợp tác khởi nghiệp tại Tuần lễ Đầu tư và Khởi nghiệp Hàn Quốc 2024