Người dân vùng cao Yên Bái thoát nghèo từ cây quế
(LĐXH)- Nhiều năm qua, quế đã trở thành cây chủ lực trong phát triển kinh tế, đem lại đời sống khấm khá cho hàng nghìn hộ gia đình tại Yên Bái.
Trong hai năm thực hiện Đề án hỗ trợ trồng quế tại các thôn, bản, xã đặc biệt khó khăn giai đoạn 2019-2020, Văn Chấn đã có trên 500 ha quế được trồng mới, góp phần đưa diện tích quế tại các xã đặc biệt khó khăn lên 6.100 ha, tạo sinh kế bền vững cho người dân.
Theo thống kê, từ năm 2019-2020, xã Nậm Mười, huyện Văn Chấn có 72 hộ gia đình tại 4 thôn tham gia trồng quế theo Đề án của huyện với diện tích 52 ha. Ngoài 4 thôn của xã Nậm Mười, Đề án còn được triển khai ở 30 thôn, bản đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn.
Ông Đặng Phúc Chiêu - Chủ tịch UBND xã cho biết: "Nhiều năm nay, cây quế là cây trồng kinh tế mũi nhọn, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân Nậm Mười, nên ngay khi Đề án được triên khai, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân đăng ký tham gia trên cơ sở chuyển đổi diện tích vườn, rừng kém hiệu quả. Đồng thời, chỉ đạo cán bộ nông nghiệp phối hợp với kiểm lâm địa bàn và các thôn rà soát, kiểm kê diện tích đăng ký; hướng dẫn người dân phát dọn thực bì cũng như kỹ thuật trồng, chăm sóc cây quế. Nhờ đó, tỷ lệ cây sống đạt trên 90%, góp phần mở rộng diện tích quế toàn xã lên 700 ha, tạo sinh kế bền vững cho người dân”.
Sau 2 năm triển khai, thực hiện Đề án hỗ trợ trồng quế tại các thôn, bản, xã đặc biệt khó khăn giai đoạn 2019-2020, Văn Chấn đã hỗ trợ 789 hộ gia đình, cá nhân, tại 37 thôn, bản, thuộc 12 xã đặc biệt khó khăn của huyện trồng mới 518,2 ha quế, góp phần phát triển vùng nguyên liệu quế toàn huyện lên 8.200 ha, trong đó tại các xã đặc biệt khó khăn là 6.100. Qua đó, tạo sinh kế bền vững cho người dân vùng cao, đẩy nhanh quá trình xóa đói, giảm nghèo và cải thiện môi trường sinh thái, nâng cao độ che phủ của rừng.
Theo đánh giá, quế có nhiều công dụng làm dược liệu chữa bệnh, gia vị, phục vụ công nghiệp hóa mỹ phẩm và tạo sản phẩm gỗ… nên có giá trị kinh tế cao. Mỗi năm hàng nghìn tấn quế đưa ra thị trường đều được tiêu thụ hết. Cây quế là cây công nghiệp lâu năm, vừa cho thu hoạch lâu dài, vừa cho thu hoạch hằng năm. Tuy nhiên cũng cần nhiều biện pháp bảo đảm chất lượng sản phẩm và hướng mạnh vào xuất khẩu trực tiếp, bảo vệ thương hiệu để cho hương quế Yên Bái bay xa.
Hiện tại, tỉnh Yên Bái đã và đang chỉ đạo các địa phương tích cực triển khai hiệu quả tiểu đề án phát triển cây quế - thuộc Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hỗ trợ bà con về giống, lồng ghép một số chương trình, dự án để hỗ trợ nhân dân khai thác và chăm sóc cây quế. Thậm chí nhiều địa phương trong tỉnh còn đưa cây quế vào kế hoạch trồng rừng hằng năm. Đồng thời có nhiều chính sách thu hút đầu tư nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế từ cây quế.
Hiện toàn tỉnh Yên Bái có 8 nhà máy chế biến tinh dầu quế chính và hơn 200 cơ sở chưng cất tinh dầu quế quy mô hộ gia đình. Lễ hội quế hằng năm được tổ chức tại huyện Văn Yên cũng là một sản phẩm du lịch góp phần quảng bá, giới thiệu vùng quế đến bạn bè trong nước và quốc tế.
Cây quế Yên Bái, đặc biệt là chỉ dẫn địa lý quế Văn Yên đã khẳng định được giá trị, danh tiếng của sản phẩm và đem lại lợi ích thiết thực cho người dân. Bởi vậy trên toàn tỉnh cần đẩy mạnh thực hiện công tác duy trì, bảo tồn cây giống và nguồn gen giống của địa phương, chống pha tạp giống. Bên cạnh đó, cần tích cực tuyên truyền để người dân tổ chức trồng quế sạch, tăng cường công tác quảng bá cây và các sản phẩm từ quế để thâm nhập sâu rộng hơn nữa thị trường trong nước và nước ngoài.
Theo tìm hiểu, những năm qua tỉnh Yên Bái đã hỗ trợ trồng mới được hàng nghìn ha quế mỗi năm, nâng tổng diện tích quế của tỉnh Yên Bái lên gần 76.000 ha, trong đó tập trung chủ yếu ở các huyện Văn Yên, Trấn Yên, Văn Chấn với hơn 5.000 tấn vỏ được khai thác mỗi năm.
Từ năm 2011, cây quế Văn Yên được Cục sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý, là cơ sở để phát huy giá trị của cây quế nơi đây./.
Hồng Anh
TAG: