Người cựu chiến binh với niềm đam mê “viết lách”
(LĐXH) - Cống hiến trong môi trường quân đội đến khi về hưu, cựu chiến binh Phạm Nguyên Ngọ (ngụ khóm Bình Đức 3, phường Bình Đức, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang), người đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước được chính quyền địa phương tin tưởng, giao trọng trách Trưởng khóm, Bí thư Chi bộ khóm Bình Đức 4. Hơn 30 năm tiếp tục cống hiến, ông vừa giúp gia đình mình thoát nghèo, vừa vận động chỉnh trang địa bàn, nâng cao đời sống người dân.
Theo lời kêu gọi của Đảng, tháng 4/1966, chàng thanh niên Phạm Nguyên Ngọ lên đường nhập ngũ. Năm 1969 - 1970, ông tham gia trận đánh tại sân bay Biên Hòa và bị thương tật hạng 4/4. Sau 22 năm tham gia kháng chiến chống Mỹ ở chiến trường miền Nam và làm nhiệm vụ quốc tế trên chiến trường Campuchia, đến tháng 4/1987, ông được nghỉ hưu theo chế độ.
Trở về cuộc sống đời thường, với truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, ông luôn chăm chỉ lao động, tiên phong trong tham gia các phong trào cách mạng tại địa phương và được tín nhiệm giữ nhiệm vụ Trưởng ban Nhân dân khóm Bình Đức 4 (phường Bình Đức). Biết tuổi đã cao, ông lần nữa “nghỉ hưu”, dừng tham gia ban nhân dân khóm. Nhưng ông vẫn hoàn thành xuất sắc vai trò thành viên MTTQVN phường, trưởng ban liên lạc hưu trí phường, Câu lạc bộ cựu chiến binh Lữ đoàn 6 (Quân khu 9), hội cựu chiến binh phường…
Sự cống hiến đã mang lại cho ông nhiều phần thưởng của UBND TP. Long Xuyên trao tặng: “Gia đình nuôi con thành đạt”, “Người tốt việc tốt” (năm 2001), “Người công dân kiểu mẫu” (2002, 2007, 2012, 2016), “Đảng viên vượt khó, thoát nghèo” (2003), “Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” (2001, 2008, 2009, 2010, 2014…); thường xuyên được khen thưởng về thành tích học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh các cấp.
Tuy nhiên, thành tích ấn tượng nhất mà cựu chiến binh Phạm Nguyên Ngọ có được là gia tài từ những cuộc thi tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ước tính, ông đã viết trên 100 bài dự thi, từ tìm hiểu lịch sử, pháp luật, an toàn giao thông, sức khỏe vị thành niên, nông nghiệp, công an, quân đội, bảo vệ môi trường, học tập Bác, quyền trẻ em... từ cuộc thi cấp phường đến toàn quốc. Đáng ngạc nhiên, gần 70% bài viết mang lại thành tích cho ông. “Nhẹ nhất” là vào chung khảo cuộc thi cấp toàn quốc, còn đoạt giải nhất, nhì, ba, khuyến khích thì rất nhiều...
Điển hình, Giải nhì cuộc thi viết “Công an nhân dân vì sự bình yên cuộc sống” (năm 2005); giải 3 cuộc thi tìm hiểu tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (Ban Tuyên giáo Trung ương, năm 2007), khuyến khích (năm 2008); giải nhì cuộc thi tìm hiểu về đổi mới (Báo Nhân dân, năm 2000); giải nhì cuộc thi “30 năm đại thắng mùa Xuân” (Báo Đại đoàn kết, năm 2005); giải 3 cuộc thi tìm hiểu về biển đảo Việt Nam (năm 2005, 2011); giải khuyến khích cuộc thi tìm hiểu về Thăng Long Hà Nội (2010)…
Với những thành tích đạt được, cựu chiến binh Phạm Nguyên Ngọ là minh chứng sống động cho cả cuộc đời cống hiến vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, những đóng góp của ông cùng địa phương trong tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, lịch sử dân tộc, của tỉnh An Giang, đồng thời lan tỏa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho cán bộ và Nhân dân địa phương ngày càng sâu rộng.
Khánh Giang