Nghị định về Công tác xã hội - Đáp ứng nhu cầu cần thiết hiện nay
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Nghị định về Công tác xã hội (sau đây gọi chung là Nghị định), bài viết sau đây giới thiệu sự cần thiết ban hành và một số chính sách trong đề nghị xây dựng dự thảo Nghị định.
1. Việc ban hành dự thảo Nghị định là rất cần thiết
1.1. Chủ trương, chính sách của Đảng đối với công tác xã hội (CTXH)
CTXH là một trong số các công cụ quan trọng để bảo đảm an sinh xã hội, công bằng xã hội. “Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước và từng chính sách phát triển là một chủ trương lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta”. Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật chăm lo đời sống các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, góp phần ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI xác định: “Hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội”, “Chính sách xã hội đúng đắn, công bằng vì con người”, “Bảo đảm công bằng, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ công dân; kết hợp chặt chẽ, hợp lý phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội…; phát triển hài hòa đời sống vật chất và đời sống tinh thần, không ngừng nâng cao đời sống của mọi thành viên trong xã hội về ăn, ở, đi lại, học tập, nghỉ ngơi, chữa bệnh …”, “Tạo bước tiến rõ rệt về thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giảm tỉ lệ hộ nghèo; cải thiện điều kiện chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân”.
Việc ban hành Nghị định về nghề Công tác xã hội là thực sự cần thiết nhằm tạo hành lang pháp lý để thực thi các chính sách trong thực tế
Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/6/2012 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020 cũng nhấn mạnh: “Nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp xã hội, tiếp tục mở rộng đối tượng thụ hưởng với hình thức hỗ trợ thích hợp; …Củng cố, nâng cấp hệ thống cơ sở trợ giúp xã hội, phát triển mô hình chăm sóc người có hoàn cảnh đặc biệt tại cộng đồng, khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân vào triển khai các mô hình chăm sóc người cao tuổi, trẻ em mồ côi, người khuyết tật, nhất là mô hình nhà dưỡng lão”. Thể chế quan điểm của Đảng, Hiến pháp năm 2013 khẳng định "Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội” (Điều 34); “Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội, có chính sách trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn khác" (Khoản 2 Điều 59)…
1.2. Thực trạng CTXH thời gian vừa qua
Mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH đã được hình thành nhiều nhất ở ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, tiếp theo là ở các ngành Y tế, Giáo dục, các hội, đoàn thể chính trị - xã hội. Các tỉnh, thành phố từng bước tiếp tục phát triển các cơ sở có cung cấp dịch vụ CTXH đối với người già, người tâm thần, bảo vệ trẻ em, trợ giúp người khuyết tật phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng trên cơ sở bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ và kiện toàn cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở.
Đội ngũ công chức, viên chức, nhân viên và cộng tác viên làm công tác xã hội hiện có khoảng 235 nghìn người, trong đó có 35.000 công chức, viên chức và người lao động làm việc tại các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội công lập và ngoài công lập, gần 100 nghìn người làm việc tại các hội, đoàn thể các cấp; trên 100 nghìn cộng tác viên giảm nghèo, phòng chống tệ nạn xã hội, bảo vệ trẻ em và phát triển cộng đồng…tạo thành một mạng lưới cán bộ, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội trợ giúp các đối tượng yếu thế ở các cơ sở và cộng đồng, góp phần trợ giúp cho người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận, thụ hưởng các chính sách phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục, học nghề, tìm việc làm để ổn định cuộc sống. Trong công tác đào tạo nghề công tác xã hội chuyên nghiệp, so với những năm đầu triển khai Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg ngày 25/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 - 2020 (Đề án 32), số lượng các cơ sở có đào tạo chuyên ngành công tác xã hội tăng nhanh… Đội ngũ giảng viên, cán bộ, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Bên cạnh đó, nhận thức về vai trò, vị trí của nghề CTXH trong quá trình xây dựng nền an sinh xã hội tiên tiến của đất nước ở nhiều cấp, ngành đã có sự thay đổi. Nhiều địa phương đã chủ động, quyết liệt triển khai Đề án phát triển nghề CTXH trên địa bàn. Số lượng người dân có nhu cầu trợ giúp xã hội được tiếp cận, thụ hưởng dịch vụ CTXH ngày càng gia tăng. Công tác truyền thông đã được chú trọng thông qua việc đăng tải hàng nghìn tin, bài, phim, tài liệu tuyên truyền, đã góp phần nâng cao nhận thức về nghề CTXH.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, lĩnh vực CTXH vẫn còn những khó khăn, tồn tại, hạn chế như:
Đối tượng cần được can thiệp, trợ giúp của công tác xã hội ngày càng tăng, có thể là người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, hộ gia đình cần được trợ giúp đột xuất hàng năm, người nghiện ma tuý, phụ nữ, trẻ em bị ngược đãi, bị buôn bán, bị xâm hại hoặc lang thang kiếm sống trên đường phố; xã đặc biệt khó khăn và có vấn đề xã hội (tệ nạn xã hội, cuộc sống nghèo khổ); các cá nhân, gia đình, nhóm xã hội có các vấn đề xã hội.
Các dịch vụ CTXH chưa đa dạng, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH còn thiếu; năng lực cung cấp dịch vụ CTXH và chăm sóc, trợ giúp các đối tượng của các cơ sở đạt hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu của đối tượng. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, nhân viên, cộng tác viên CTXH còn mỏng, đa số được đào tạo từ ngành nghề khác hoặc một số ít thậm chí không được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, chưa dựa vào cộng đồng.
1.3. Những tồn tại, bất cập của pháp luật
Đến nay, hệ thống pháp luật Việt Nam đã có trên 15 bộ luật; 7 pháp lệnh và hơn 50 nghị định, quyết định, chỉ thị, thông tư và các văn bản chỉ đạo khác có nội dung quy định CTXH là cơ sở, tiền đề cho việc thực hiện CTXH ở Việt Nam… Một số quy định về CTXH để trợ giúp các đối tượng như người cao tuổi, người khuyết tật, bảo vệ trẻ em, người nhiễm HIV, người nghiện ma tuý, người bán dâm, bạo lực gia đình đã được quy định tại nhiều bộ luật, luật chuyên ngành như: Bộ luật Lao động; Luật Người cao tuổi; Luật Người khuyết tật; Luật Trẻ em; Luật Phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và nhiều chương trình, Đề án liên quan đến trợ giúp xã hội.
Tuy nhiên, khuôn khổ pháp lý phát triển CTXH chưa được quy định ở cấp độ nghị định một cách toàn diện, đầy đủ, đặc biệt là vai trò, nhiệm vụ của công chức, viên chức, nhân viên công tác xã hội; cấp chứng chỉ hành nghề; cấp, thu hồi, điều chỉnh giấy phép hoạt động của các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ CTXH chưa được xác định cụ thể trong hệ thống văn bản pháp luật; chưa có Nghị định quy định riêng về CTXH làm cơ sở định hướng phát triển CTXH trong các ngành, lĩnh vực hiện đang được điều chỉnh bởi các chuyên ngành; nhiều văn bản pháp luật quy định về CTXH có giá trị pháp lý tương đối thấp, chủ yếu là nghị định và thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành liên quan.
Từ các lý do trên, cần sớm xây dựng và ban hành Nghị định về Công tác xã hội. Việc xây dựng, trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định về Công tác xã hội không chỉ đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế và khu vực mà còn là sự quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng về hoàn thiện hệ thống pháp luật.
2. Một số chính sách trong dự thảo Nghị định
2.1. Tăng khả năng tiếp cận dịch vụ CTXH có chất lượng của các nhóm đối tượng thụ hưởng chính sách an sinh xã hội
a) Mục tiêu của chính sách
- Thể chế hóa quy định của Hiến pháp "Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội” (Điều 34); “Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội, có chính sách trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn khác" (Khoản 2 Điều 59)…;
- Vận động nguồn lực đáp ứng nhu cầu trợ giúp xã hội ngày càng cao của công dân, nhất là nhóm yếu thế dễ bị tổn thương, những người già cả, neo đơn, khuyết tật, mất sức lao động và trẻ mồ côi…;
- Người dân được thụ hưởng đầy đủ, có chất lượng các dịch vụ CTXH trong tất cả các ngành, lĩnh vực mà Nhà nước tổ chức và có điều kiện lựa chọn các hình thức cung cấp dịch vụ phù hợp, đáp ứng nhu cầu của đối tượng và toàn xã hội;
- Góp phần bảo đảm phát triển kinh tế đi đôi với công bằng xã hội trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
b) Nội dung của chính sách
Quy định mở rộng phạm vi đối tượng và người dân cần sự trợ giúp và quyền của người sử dụng dịch vụ CTXH; Quy định chất lượng cung cấp dịch vụ CTXH; nhân viên cung cấp dịch vụ CTXH; tiêu chí, tiêu chuẩn, quy trình cung cấp dịch vụ CTXH.
c) Giải pháp thực hiện chính sách và lý do lựa chọn giải pháp
Giải pháp được lựa chọn là nội dung của Nghị định về CTXH sẽ quy định về các nội dung của chính sách nêu trên (quy định các quyền của đối tượng thụ hưởng dịch vụ CTXH; nghĩa vụ của người hành nghề CTXH).
Lý do lựa chọn giải pháp:
Chính sách này phù hợp với quy định và tinh thần Hiến pháp và hệ thống pháp luật hiện hành về bảo đảm an sinh xã hội cho người dân. Chính sách này không trực tiếp làm phát sinh thủ tục hành chính. Chất lượng cung cấp dịch vụ xã hội được cải thiện, thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế - xã hội: hình thành đội ngũ người làm CTXH chuyên nghiệp một mặt giải quyết những hệ quả do phát triển kinh tế mang lại, giảm thất nghiệp, tệ nạn xã hội, mặt khác thúc đẩy ổn định và phát triển xã hội. Bên cạnh đó, quyền của người sử dụng dịch vụ công tác xã hội được bảo đảm và quy định rõ các quyền của họ.
2.2. Chuẩn hóa đội ngũ những người làm CTXH
a) Mục tiêu của chính sách
- Chuyên nghiệp hóa hoạt động CTXH, bảo đảm can thiệp kịp thời và hỗ trợ hiệu quả đối với cá nhân, nhóm, gia đình, cộng đồng, người dân gặp hoàn cảnh khó khăn hoặc có nhu cầu;
- Nâng cao chất lượng, hiệu quả và phát triển dịch vụ CTXH, đáp ứng nhu cầu của người dân về chất lượng dịch vụ.
b) Nội dung của chính sách
Quy định tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình hoạt động, chế độ, chính sách đối với người hành nghề CTXH; nâng cao năng lực, đào tạo, bồi dưỡng đối với người hành nghề CTXH chuyên nghiệp và những người làm CTXH.
c) Giải pháp thực hiện chính sách và lý do lựa chọn giải pháp
Có 3 giải pháp được đánh giá tác động, trong đó, giải pháp được lựa chọn là nội dung của Nghị định về CTXH sẽ quy định về các nội dung của chính sách nêu trên.
Lý do lựa chọn giải pháp: Chuyên nghiệp hóa đội ngũ những người làm CTXH, nâng cao được trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cho người làm CTXH đáp ứng được nhu cầu phát triển xã hội đồng thời phù hợp với xu thế quốc tế; đồng thời góp phần giải quyết những hệ quả do phát triển kinh tế mang lại, giảm thất nghiệp, tệ nạn xă hội, mặt khác thúc đẩy ổn định và phát triển xã hội.
2.3. Khuyến khích xã hội hóa phát triển công tác xã hội
a) Mục tiêu của chính sách
- Đẩy mạnh xã hội hóa đối với hoạt động công tác xã hội nhằm tăng khả năng tiếp cận của công dân đối với các dịch vụ CTXH;
- Góp phần phát huy năng lực của xã hội và sự đóng góp của cộng đồng đối với việc giải quyết các vấn đề xã hội;
- Khuyến khích sự đóng góp, ủng hộ của cộng đồng; phát huy tinh thần tương thân, tương ái để giải quyết các vấn đề khó khăn trong cuộc sống của mọi thành viên trong xã hội.
b) Nội dung của chính sách
Quy định không hạn chế đối tượng tham gia CTXH; quyền của người dân tham gia CTXH; chính sách khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động CTXH; quy định vai trò, trách nhiệm của Hiệp hội những người làm CTXH; quy định về huy động sự tham gia của người dân và thu hút các nguồn lực của khu vực tư nhân vào CTXH; quy định thúc đẩy các hoạt động từ thiện, thiện nguyện của các cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực CTXH (dịch vụ CTXH miễn phí).
c) Giải pháp thực hiện chính sách và lý do lựa chọn giải pháp
Có 3 giải pháp được đánh giá tác động, trong đó, giải pháp được lựa chọn là nội dung của Nghị định về CTXH sẽ quy định về các nội dung của chính sách nêu trên.
Lý do lựa chọn giải pháp: Giảm thiểu chi phí từ ngân sách nhà nước cho các dịch vụ CTXH, cho công tác đào tạo, bồi dưỡng những người làm CTXH (xu hướng khu vực tư nhân dần dần sẽ thay thế khu vực công trong việc thực hiện các dịch vụ công về CTXH). Huy động sự tham gia của người dân và thu hút các nguồn lực của khu vực tư nhân vào CTXH sẽ làm gia tăng các dịch vụ CTXH. Phương án này sẽ làm tăng tính cạnh tranh giữa các cơ sở dịch vụ CTXH, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ./.
PV
TAG: