(LĐXH)-Ngày 1/6/2016, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) vừa ra mắt phim ngắn truyền thông mới với sự tham gia của hai nghệ sĩ Quốc Khánh và Công Lý. Bộ phim kêu gọi cộng đồng cùng chung tay bảo vệ những cá thể hổ còn lại trên thế giới bằng cách không tiêu thụ và sử dụng các sản phẩm từ hổ.
Phim ngắn lấy bối cảnh hư cấu với bá quan triều đình tiếp kiến nhà vua (nghệ sỹ Quốc Khánh trong vai nhà vua) nhân dịp năm mới. Trong vai một người giàu có với trang phục đắt tiền và xe hơi sang trọng, nghệ sỹ Công Lý dâng lên nhà vua lễ vật là một con hổ. Trước sự ngạc nhiên của triều thần, nhà vua đã từ chối món quà và đưa ra thông điệp: “Hổ không phải để làm thuốc. Hổ là chúa tể của rừng xanh, là biểu tượng uy phong của đất nước.” Ngài cũng nói thêm: “Chúng cần phải được muôn dân bảo vệ.” Phim ngắn kết thúc khi nhà vua gọi tới Đường dây nóng bảo vệ ĐVHD 1800-1522 để thông báo vi phạm.
Nghệ sĩ Quốc Khánh trong vai nhà vua.
Nghệ sỹ Công Lý dâng lễ vật là một con hổ lên nhà vua.
Hậu trường phim ngắn về bảo vệ hổ.
Trong 30 năm qua, số lượng hổ trong tự nhiên của Việt Nam đã bị suy giảm nghiêm trọng. Một số chuyên gia cho rằng Việt Nam hiện chỉ còn khoảng năm cá thể hổ trong tự nhiên.
Mối đe dọa lớn nhất đối với các cá thể hổ trong tự nhiên của Việt Nam là nạn săn bắt và buôn bán trái phép. Nhiều người vẫn còn tin rằng cao hổ có thể giúp chữa bệnh. Ngoài ra, người ta còn sử dụng hổ để ngâm rượu và lông da hổ làm vật trang trí. Từ năm 2010 đến nay, ENV đã ghi nhận được 772 vi phạm liên quan đến quảng cáo, tàng trữ và buôn bán hổ trái phép.
Bà Nguyễn Phương Dung, Phó Giám đốc ENV cho biết: “Nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ hổ không chỉ làm suy giảm số lượng hổ trong tự nhiên tại Việt Nam mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tồn vong của các quần thể hổ hoang dã trên thế giới.”
Bà Dung cũng kêu gọi mỗi cá nhân cùng chung tay bảo vệ hổ bằng cách thông báo các vi phạm về hổ tới cơ quan chức năng khi phát hiện những hành vi liên quan đến quảng cáo và buôn bán hổ trái phép cũng như không sử dụng các sản phẩm từ hổ.
Đồng thời, bà Dung nhấn mạnh các cơ quan chức năng phải có các biện pháp cấp bách và quyết tâm mạnh mẽ để ngăn chặn tình trạng buôn bán hổ hiện nay:
- Tăng cường điều tra các mạng lưới tội phạm đang tiến hành hoạt động buôn bán hổ trái phép cũng như những kẻ cầm đầu mạng lưới này.
- Tăng cường hiệu quả của công tác thực thi pháp luật bằng cách khắc phục những điểm yếu trong quá trình áp dụng các văn bản luật trong quá trình xử lý. Một điểm yếu nổi bật trong công tác thực thi pháp luật và xử lý các vi phạm hiện nay là hầu như chưa có đối tượng đóng vai trò quan trọng trong các đường dây buôn bán hổ nào bị khởi tố hay phạt tù giam về các hành vi buôn bán hổ.
- Thực hiện cam kết quốc tế trong việc ngăn chặn sự phát triển của tình trạng gây nuôi hổ tại Việt Nam. Hầu hết các cơ sở gây nuôi hổ hiện nay được sử dụng để hợp pháp hóa hoạt động buôn bán hổ trái phép. Nhiều cơ sở được thành lập dưới dạng vườn thú tư nhân, các cơ sở bảo tồn, nghiên cứu hoặc giáo dục nhưng thực chất là để nhằm “che đậy” các hoạt động buôn bán hổ bất hợp pháp.
“Tương lai của loài hổ Việt Nam cũng như thế giới đều phụ thuộc vào những gì chúng ta đang làm,” bà Dung khẳng định. “Lẽ nào chúng ta vẫn tiếp tục làm ngơ để rồi chứng kiến loài động vật quý hiếm này bị tuyệt chủng giống như loài tê giác Java? Hãy quyết định hành động ngay lúc này để tạo nên sự thay đổi.”
Phim ngắn truyền thông này là một phần trong chiến dịch dài hạn của ENV nhằm giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm làm từ hổ và chấm dứt nạn săn bắt và buôn bán hổ trái phép. Phim sẽ được phát sóng rộng rãi trên các kênh truyền hình trung ương và địa phương trên khắp cả nước trong thời gian tới, và có thể được xem trực tuyến tại: https://youtu.be/CBHDsvkk47o
Được biết, được thành lập năm 2000, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) là một trong những tổ chức đầu tiên tại Việt Nam chuyên sâu về lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ môi trường.
Trong thời gian qua, ENV đã làm việc với các cơ quan thực thi pháp luật, các nhà lập pháp và cộng đồng để chấm dứt hoạt động buôn bán hổ, đồng thời ngăn chặn sự phát triển của hoạt động gây nuôi hổ vì mục đích thương mại tại Viêt Nam.
Các hoạt động chiến lược của ENV bao gồm:
- Tăng cường thể chế, chính sách và vận động sự ủng hộ từ các nhà lãnh đạo trọng các cơ quan chính phủ có liên quan đến vấn đề bảo vệ hổ.
- Thực hiện các chương trình nâng cao nhận thức trên các phương tiện thông tin đại chúng như truyền hình, phát thanh, báo chí và các phương tiện truyền thông khác nhằm nâng cao nhận thức và kêu gọi sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo vệ hổ và giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ hổ.
- Phối hợp với các cơ quan thực thi pháp luật để điều tra các đối tượng buôn lậu hổ và đường dây hoạt động của chúng trong việc tuồn lậu hổ vào Việt Nam.
- Độc lập giám sát tất cả các trại hổ và các sở thú tư nhân tại Việt Nam nhằm kìm hãm sự phát triển của các trang trại hổ đồng thời ngăn chặn việc buôn bán hổ con được sinh ra trong các trang trại này.
- Khuyến khích cộng đồng thông báo các vi phạm về hổ tới các cơ quan chức năng hoặc đường dây nóng bảo vệ động vật hoang dã 1800 1522.
Mỹ Hạnh