Nghề công tác xã hội: Cần lắm những cái "tâm"
(LĐXH) - Đối tượng hỗ trợ của nghề công tác xã hội rất đa dạng, trong đó, chủ yếu là người yếu thế, kém may mắn, nạn nhân bị bạo lực, người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh... Chính vì thế, khi lựa chọn việc chăm sóc, hỗ trợ những đối tượng này, ngoài kiến thức, kỹ năng, người làm nghề còn phải có cái “tâm”.
Sự quan tâm, chia sẻ động viên của nhân viên công tác xã hội
rất quan trọng với đối tượng bảo trợ
Chia sẻ của chị Nguyễn Thị Hương - người gắn bó với một trung tâm bảo trợ xã hội nhiều năm nay. Công việc chính là chăm lo bữa ăn, giấc ngủ cho những trẻ không may lây nhiễm HIV. “Lúc đầu tôi nhận việc tại đây, người thân và bạn bè còn lo tôi bị lây nhiễm nhưng sau khi được tập huấn thì mối lo ngại đấy không còn nữa”, chị Hương thổ lộ.
Chị Hương học chuyên ngành điều dưỡng của một trường trung cấp y. Việc chăm sóc các em nhỏ bị nhiễm HIV vì thế khá phù hợp. Tuy nhiên theo chị, giữa thực tiễn và kiến thức trên giảng đường vẫn còn một khoảng cách. Bởi tại đây, chị không chỉ đóng vai trò là một nhân viên y tế để theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho các em, chị còn là chuyên gia về tâm lý để động viên, an ủi tinh thần, rồi còn như người thầy để giúp các em học tập, đồng thời là người mẹ để bù đắp tình cảm cho các em.
Đây cũng tâm niệm của chị Hoàng Thu Hiền và anh Nguyễn Văn Thương từ khi chọn và gắn bó với công việc chăm sóc trẻ nhiễm HIV tại trung tâm bảo trợ xã hội này. “Các cháu rất thiệt thòi, thiếu tình thương. Vì thế, ngoài trách nhiệm, chúng tôi thực hiện việc chăm sóc các cháu còn với cả tình thương của một người mẹ dành cho các con”, chị Hiền chia sẻ.
Tương tự, danh xưng là một giáo viên nhưng những người thực hiện việc nuôi, dạy trẻ tự kỷ cũng phải đóng rất nhiều vai. Đây là chia sẻ của Tiến sỹ Nguyễn Thị Phượng, Giám đốc Trung tâm giáo dục trẻ hòa nhập trẻ em. Chị Phượng cho biết dạy trẻ tự kỷ hòa nhập là công việc khó và vất vả, bởi biểu hiện của trẻ tự kỷ rất đa dạng. Có cháu cả buổi không nói năng hay hoạt động gì, có cháu lại nghịch luôn chân, luôn tay mà không biết mệt. Thậm chí, có những trẻ dù đã lớn nhưng vẫn có những biểu hiện không bình thường.
Để giúp các con phát triển tốt về thể chất và trí tuệ, thầy cô thường phải liên hệ với gia đình, nắm bắt bệnh tình trẻ rồi nghiên cứu phương pháp tiếp cận với từng cháu. Hàng ngày, khi vào lớp học, điều đầu tiên thầy cô làm là theo dõi nét mặt của trẻ, từ đó có cách dạy phù hợp. Ví như, nếu cháu nào có biểu hiện giận dữ thì thầy cô phải khéo léo, nhẹ nhàng; để các cháu chú tâm vào bài học, nhiều khi thầy cô phải mua bánh, mua kẹo để dỗ dành. Vì thế, sẽ không quá lời nếu ví thầy cô là các chuyên gia tâm lý, là “người mẹ thứ hai” của trẻ.
“Giáo dục trẻ tự kỷ phải từ cái tâm, yêu thương trẻ thì mới làm được. Nếu giỏi các kỹ năng nhưng không yêu thương thực sự thì không bao giờ thành công được, vì với những đứa trẻ này gần như mình phải cảm hóa được chúng”, chị Phượng đúc kết.
Theo chị Nguyễn Thị Hương, cán bộ của Trung tâm Dưỡng lão Tuyết Thái ở Hà Nội, nếu chỉ nhìn vào những công việc có tính chất bề nổi, nhiều người sẽ lầm tưởng nghề công tác xã hội chỉ gắn với các hoạt động nhân đạo, giúp đỡ các hoàn cảnh yếu thế trong xã hội. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những người làm nghề này đôi khi phải đối mặt với áp lực cao, phải chịu cảnh “làm dâu trăm họ”. Người làm nghề không chỉ có kiến thức chuyên môn, tình thương mà còn còn phải có tính kiên trì, nhẫn nại.
“Tại trung tâm chúng tôi, nhiều cụ phải ăn uống, vệ sinh tại chỗ. Nhân viên rất vất vả. Nhiều cụ trí tuệ không minh mẫn, còn chửi mắng, thậm chí đánh nhân viên. Vì thế, nếu người làm công tác chăm sóc không nhẫn nhịn thì không thể hoàn thành được công việc”, chị Hương chia sẻ.
Công tác xã hội là nghề đặc thù, đi sâu, đi sát vào mọi ngóc ngách đời sống xã hội. Những người làm công tác nuôi dạy trẻ tự kỷ, trẻ nhiễm HIV và chăm sóc người cao tuổi chỉ là một góc nhỏ của nghề. Nhưng tựu chung, đây là công việc đòi hỏi nhiều kiến thức, kỹ năng. Những người làm nghề sẽ khó có thể hoàn thành tốt công việc nếu thiếu tình thương và sự kiên nhẫn./.
Minh Anh
TAG: