An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Nghệ An: Tập trung triển khai và đảm bảo tiến độ giải ngân nguồn vốn các Chương trình giảm nghèo
09:05 AM 03/04/2023
(LĐXH)- UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Thông báo số 193/TB-UBND kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long tại chương trình làm việc kiểm tra tình hình triển khai các Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG): Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Giảm nghèo bền vững trên địa bàn các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương và Con Cuông diễn ra từ ngày 15 đến ngày 17/3/2023.
Một gia đình ở Nghệ An thoát nghèo từ mô hình nuôi bò sinh sản
Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long đánh giá cao sự vào cuộc, nỗ lực và cố gắng của UBND các huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương và Con Cuông trong thực hiện 02 Chương trình MTQG. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện và tỷ lệ giải ngân thấp so với kế hoạch, phần lớn các dự án, tiểu dự án thành phần đang trong quá trình chuẩn bị triển khai, chưa xác định được khối lượng cụ thể, một số dự án chưa hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư.
Nguồn lực của Chương trình MTQG rất lớn, là yếu tố quyết định nâng cao đời sống của người dân, từng bước giảm nghèo bền vững, đặc biệt sẽ tác động thay đổi căn bản diện mạo khu vực nông thôn, miền núi, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Do đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương cần xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc thực hiện các Chương trình để có giải pháp đồng bộ, quyết liệt trong việc huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả nguồn vốn thực hiện.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long giao UBND các huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông có giải pháp chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để triển khai đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, tiểu dự án thành phần thuộc các Chương trình.
Các địa phương kích hoạt và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG của huyện gắn với địa bàn phụ trách, từng dự án cụ thể để chỉ đạo thực hiện quyết liệt hơn; đồng thời kiện toàn tổ chức bộ máy các phòng, ban để tham mưu, triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình.
Cùng với đó, rà soát chi tiết từng dự án, tiểu dự án thành phần, nêu rõ tình hình khó khăn, vướng mắc từ đó có hướng giải quyết sát đúng, kịp thời. Đối với các dự án đã có các văn bản hướng dẫn cụ thể, dễ triển khai thì đốc thúc, tập trung chỉ đạo thực hiện hoàn thành sớm, phát huy hiệu quả.
Các địa phương cũng cần phải rà soát các dự án phát triển sinh kế, giảm nghèo bền vững để nhân rộng các mô hình phù hợp, hiệu quả, trong đó nghiên cứu sử dụng hỗ trợ của Nhà nước vào các khâu mà người dân, doanh nghiệp chưa đầu tư.
Mặt khác, cần đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện quyết định phê duyệt dự án để giao kế hoạch vốn năm 2022, năm 2023 đối với những dự án còn lại; tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện đối với các dự án đã được giao kế hoạch vốn năm 2022, năm 2023.
Hàng tháng trước ngày 20, các địa phương báo cáo tiến độ thực hiện các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (Chương trình giảm nghèo bền vững), Ban Dân tộc tỉnh (Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi).
Ban Dân tộc tỉnh và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ động phối hợp với các địa phương để hướng dẫn chi tiết, kiểm tra, giám sát tình hình triển khai thực hiện các nội dung dự án, tiểu dự án thuộc các Chương trình MTQG do đơn vị điều phối.
Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình đôn đốc và tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị, địa phương triển khai dự án đảm bảo đúng tiến độ.
Các Sở, ngành, đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ tập trung cao nhất để thẩm định, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện dự án đảm bảo đúng tiến độ, đúng mục đích, hiệu quả.
Thành viên Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh giai đoạn 2021-2025 được phân công nhiệm vụ tại Quyết định số 3523/QĐ-UBND ngày 10/11/2022 của UBND tỉnh cần nắm rõ tình hình triển khai các dự án tại địa phương để trực tiếp theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc kịp thời.
Trước đó, tại buổi làm việc với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long, lãnh đạo huyện Con Cuông cho biết, thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết số 45/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, huyện được Trung ương giao hơn 402 tỷ đồng.
Trong năm 2022, huyện được giao hơn 78 tỷ đồng, đã giải ngân 7,65 tỷ đồng đạt 9,75%. Năm 2023, huyện được giao nguồn vốn hơn 95 tỷ đồng.  
Trong năm 2022, trên địa bàn huyện đã có 34 công trình được cấp nguồn vốn; đã khởi công 11 công trình. Các công trình còn lại đã đang tổ chức triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, lựa chọn nhà thầu và sẽ khởi công các công trình đã được bố trí vốn năm 2022 và năm 2023.
Đối với huyện Tương Dương, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được thực hiện trên địa bàn huyện Tương Dương gồm 12 xã KV3, 05 xã KV1 theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ; 93 thôn đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc.
Năm 2022, nguồn ngân sách Trung ương giao cho huyện hơn 142 tỷ đồng. Đến nay, UBND tỉnh đã phân bổ được hơn 98 tỷ đồng, đạt gần 70% kế hoạch vốn được giao. Tuy nhiên, đến hết tháng 02/2023, huyện vẫn chưa giải ngân được do các dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư.
Năm 2023, nguồn ngân sách Trung ương giao cho huyện là hơn 151 tỷ đồng để thực hiện đầu tư xây dựng 01 dự án khởi công mới thuộc cấp huyện phê duyệt; 38 dự án chuyển tiếp; hỗ trợ nhà ở. Đến ngày 31/12/2022, UBND tỉnh đã bố trí gần 70 tỷ đồng, đạt hơn 46% kế hoạch vốn được giao; đến tháng 02/2023 huyện vẫn chưa giải ngân được đồng nào.
Đối với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, ngân sách Trung ương đã hỗ trợ huyện hơn 73 tỷ đồng. Đến ngày 10/3/2023, huyện mới chỉ giải ngân được gần 700 triệu đồng, đạt 0,94% nguồn vốn được giao. Phần lớn các dự án, tiểu dự án đang trong quá trình chuẩn bị triển khai dẫn đến kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ không đạt tiến độ so với kế hoạch đề ra./.
Hồng Anh
TAG:
Tin khác
An Giang: Đa dạng các hoạt động truyền thông thúc đẩy công tác bình đẳng giới
An Giang: Tăng cường phối hợp thực hiện phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới
Phát huy bình đẳng giới trong một số cơ quan, đơn vị ở An Giang
Đẩy mạnh trợ giúp, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho người khuyết tật
Thành phố Long Xuyên: Đảm bảo cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn
Lan tỏa những câu chuyện về hành trình vượt khó và mô hình sinh kế cho phụ nữ bị mua bán trở về
Nhóm “Thiên Thanh” – Hành trình của 4 cô gái tài năng từ 4 miền quê Việt Nam
Huyện Phú Tân: Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh trên môi trường mạng
An Giang: Tạo cơ hội cho mọi trẻ em đều được phát triển bình đẳng và toàn diện