An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Nghệ An: Nỗ lực giảm nghèo từ một huyện 30a
10:09 AM 26/09/2022
Xoá bỏ dần tư tưởng trông chờ, ỷ lại, biết tận dụng tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế, từng bước xoá đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu và xây dựng nông thôn mới. Đó là mục tiêu mà huyện Quế Phong (Nghệ An) thuộc diện 30a đang hướng tới.

Xúc động những lá đơn xin thoát nghèo

Gia đình anh Lê Văn Điệp ở bản Chiếng xã Hạnh Dịch (Quế Phong) có 4 nhân khẩu, là hộ nghèo lâu năm của xã. Là lao động chính nhưng vợ chồng anh luôn ở trong tình trạng 3 không: không có đất, không có vốn và không có kinh nghiệm làm ăn. Quanh năm hai vợ chồng chỉ biết cày thuê cuốc mướn, ai thuê gì làm nấy. Cái nghèo cứ dai dẳng bủa vây lấy gia đình anh, cuộc sống của cả nhà luôn tạm bợ, ngày nào biết ngày đó. Anh tâm sự: “tôi cũng muốn làm một nghề gì đó phù hợp với sức lao động và hoàn cảnh của mình, có thu nhập và nuôi sống gia đình nhưng cũng không có cách gì cả”.

Được tiếp cận các nguồn hỗ trợ và vốn vay để chăn nuôi nên nhiều gia đình ở xã Hạnh Dịch (Quế Phong) đã thoát nghèo

Trước tình cảnh đó, chính quyền và các tổ chức đoàn thể của xã đã cử người đến động viên, phân tích, giúp anh định hướng cho tương lai và tìm ra công việc phù hợp. Đón nhận tình cảm đó cùng với nỗ lực của 2 vợ chồng nên đời sống của gia đình anh dần được nâng lên. Năm 2020 gia đình anh tự nguyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã. Anh chia sẻ: “Gia đình tôi xin ra khỏi diện hộ nghèo để tiếp tục phấn đấu vươn lên, mình còn trẻ và có sức khoẻ không thể cứ nghèo mãi được”. Hiện nay anh đã có tay nghề và đang làm việc cho một công ty ở tỉnh Bắc Ninh, vợ ở nhà làm nông và nuôi 2 con nhỏ ăn học.

Bản Chiếng có 39 hộ nghèo và cận nghèo trong tổng số 124 hộ và đa phần là đồng bào người dân tộc Thái. Năm 2020, bản có 2 hộ nghèo và 3 hộ cận nghèo tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo. Đến nay cả 5 hộ này đều có cuộc sống ổn định và không có khả năng tái nghèo. Ông Lô Văn Việt – Chủ tịch UBND xã Hạnh Dịch cho biết: “Một xã rất nghèo như Hạnh Dịch để còn 43,36% hộ nghèo và 17,29% hộ cận nghèo trong năm qua thì cả hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể đã nỗ lực vào cuộc. Các đối tượng trong độ tuổi lao động cần phải có việc làm ổn định và không có các loại tệ nạn xã hội”.

Nằm trong số 5 huyện miền núi cao và thuộc diện 30A của tỉnh Nghệ An, nhưng mấy năm gần đây, Quế Phong đã có đột phá trong phát triển kinh tế. Bằng những chủ trương phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, nhiều hộ dân đã nỗ lực vươn lên để thoát nghèo và trở thành phong trào lớn của huyện.

Nỗ lực tìm giải pháp để thoát nghèo

Công tác giảm nghèo, giảm hộ nghèo có hiệu quả phải bắt đầu từ việc đánh giá đúng đối tượng. Theo đó, việc rà soát phải đúng quy trình, bảo đảm chính xác theo nguyên tắc công khai, dân chủ và có sự tham gia của người dân. Thống kê, phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo phải thường xuyên và theo định kỳ cụ thể. Xác định chính xác tình trạng, nguyên nhân nghèo của từng hộ gia đình. Kết quả rà soát sẽ phản ánh đúng thực tế đời sống của nhân dân, diễn biến hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ trung bình tại các địa phương. Bảo đảm không đưa những hộ không nghèo hoặc đã thoát nghèo vào danh sách hộ nghèo để hưởng chế độ ưu đãi của nhà nước. Việc đánh giá đúng đối tượng đã tạo được niềm tin trong quần chúng nhân dân.

Phong trào “Chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau” đã thu hút được đông đảo cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân và các nhà hảo tâm tham gia. Các chính sách hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo theo các nhóm nhiệm vụ được thực hiện đầy đủ và kịp thời. Đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền nhằm khơi dậy ý chí, nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Từng bước xoá bỏ tư tưởng bàng quang, trông chờ ỷ lại của các hộ nghèo, hộ cận nghèo và một bộ phận cán bộ, nhân dân. Triển khai kịp thời các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2021 – 2025. Giải ngân nhanh nguồn vốn tín dụng ưu đãi để hộ nghèo vay vốn phát triển sản xuất nâng cao thu nhập. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau” và tuyên truyền vận động quyên góp ủng hộ “Quỹ vì người nghèo” nhằm tạo thêm nguồn lực hỗ trợ.

Bên cạnh đó, thực hiện tốt việc biểu dương, khen thưởng, vinh danh các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác giảm nghèo và những gương sáng thoát nghèo điển hình, tiêu biểu. Năm 2021, toàn huyện còn 7.222 hộ nghèo chiếm 44,68%, 3.927 hộ cận nghèo chiếm 24,30%. Đối với một huyện miền núi nghèo thuộc diện 30A thì đây là một nỗ lực lớn trong cuộc chiến chống lại đói nghèo. 

Ông Dương Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết: Năm 2022 này, huyện phấn đấu giảm 4 – 4,5% tương ứng với tỷ lệ hộ nghèo còn 40,68% so với năm 2021. Không còn tình trạng trẻ em không được đến trường. 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được tham gia bảo hiểm y tế, trên 60% hộ nghèo có nhà ở bán kiên cố. 90 – 95% hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh và và dịch vụ thông tin truyền thông. 100% hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh và có việc làm tại chỗ. /.

PV


TAG:
Tin khác
Thành phố Yên Bái chung tay chăm sóc người có công
Phát huy truyền thống anh hùng trên quê hương Ngã Năm
Đắk Nông: Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện nghèo
Quảng Trị: Triển khai nghiêm túc công tác rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2024
Lạng Sơn: Triển khai công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024
Đắk Lắk: Tập trung thực hiện Dự án Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo
Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hải Phòng vận động mọi nguồn lực hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi bão số 3
 Đắk Nông: Cải thiện dinh dưỡng, giúp người dân thoát nghèo
Hơn 8 tỷ đồng học bổng Đinh Thiện Lý được trao tặng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn