Nghệ An: Chăm sóc người có công trở thành hoạt động chính trị-xã hội có ý nghĩa sâu sắc
(LĐXH)- Công tác thương binh, liệt sỹ, chăm sóc người có công tại Nghệ An đã trở thành hoạt động chính trị - xã hội có ý nghĩa sâu sắc và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, Nghệ An đã có hơn 596.000 người tham gia quân đội, 45.000 người tham gia lực lượng thanh niên xung phong, trên 167.000 người tham gia lực lượng dân công hoả tuyến ở các chiến trường; trong số đó có 45.000 người được công nhận liệt sỹ; 5.178 người được công nhận cán bộ Lão thành cách mạng, cán bộ hoạt động Tiền khởi nghĩa; 2.743 Mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu bà Mẹ Việt Nam anh hùng; 927 người là cán bộ hoạt động bị địch bắt tù đày; trên 40.012 người là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh trên 18.000 người; 500.000 gia đình và cá nhân được tặng thưởng huân huy chương kháng chiến và trên 20.000 người trực tiếp tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị phơi nhiễm chất độc hoá học.Đoàn đại biểu người có công Nghệ An chụp ảnh lưu niệm tại Bộ LĐTB&XH
Hiện nay, Nghệ An là một trong 3 tỉnh đang quản lý và chi trả trợ cấp thường xuyên và một lần cho người có công với cách mạng lớn trong cả nước, với số tiền chi trả hàng tháng trên 136 tỷ đồng/tháng.
Bà Hồ Thị Châu Loan – Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An cho biết, trên cơ sở Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và của các Bộ, ngành Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều văn bản quan trọng để chỉ đạo thực hiện công tác chính sách ưu đãi người có công với cách mạng trên địa bàn.
Theo đó, tỉnh đã ban hành một số chính sách đặc thù như: Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An đã ban hành Nghị quyết số 32/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 quy định chính sách hỗ trợ đối với người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng thuộc gia đình hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2025, với tổng kinh phí hỗ trợ: 18 tỷ/năm; Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 30/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021, trong đó quy định chính sách hỗ trợ đối với người khuyết tật bẩm sinh có cha đẻ hoặc mẹ đẻ đang hưởng trợ cấp hàng tháng đối với con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học (thế hệ thứ 3), tổng kinh phí: 2 tỷ/ năm.
Tỉnh thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ cho đối tượng người có công và thân nhân người có công theo quy định. Số đối tượng người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng là gần 68 người, với tổng kinh phí trên 136 tỷ đồng/tháng.
Riêng năm 2023, toàn tỉnh đã tiếp nhận, tham mưu giải quyết chế độ chính sách ưu đãi người có công với cách mạng cho 9.600 trường hợp; hoàn thành cấp đổi 324 Bằng Tổ quốc ghi công bị hư hỏng, thất lạc cho thân nhân liệt sĩ; làm tốt công tác điều dưỡng đối với 28.315 người có công với cách mạng, với số tiền 48.777,976 triệu đồng; tiếp tục tổ chức hoạt động điều dưỡng ngoại tỉnh đảm bảo an toàn cho 504 đối tượng.
Toàn tỉnh đã vận động thu được trên 17,2 tỷ đồng đóng góp Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, đạt 102% kế hoạch năm; đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa 154 nhà cho các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, tổng trị giá trên 6,3 tỷ đồng; tặng 27 sổ tiết kiệm cho người có công, với số tiền 200 triệu đồng...
Chương trình vận động, hỗ trợ nhà ở cho người nghèo có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023- 2025, hưởng ứng thư kêu gọi của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã được tổ chức thực hiện hiệu quả, nhiều gia đình nghèo nói chung, gia đình người có công có hoàn cảnh khó khăn nói riêng đã, đang và sẽ được trợ giúp, với quyết tâm xóa nhà dột nát, tạm bợ, giúp người dân nghèo, người có công có cuộc sống ổn định.
Các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và bố trí nhân sự cơ bản đáp ứng yêu cầu điều dưỡng mỗi năm 7.000 đến 7.500 người có công và thân nhân người có công; chăm sóc, nuôi dưỡng 160 thương binh nặng.
Tỉnh cũng đã hoàn thành việc số hóa hồ sơ, tài liệu người có công với cách mạng; công khai 38 thủ tục hành chính lĩnh vực người có công cho phép người dân nộp trực tuyến đến từng cấp và hồ sơ được điện tử hóa luân chuyển từ cấp xã lên cấp huyện, cấp tỉnh trên Hệ thống thông tin điện tử của tỉnh. Hệ thống dữ liệu người có công toàn tỉnh đang từng bước được hoàn thiện, xây dựng phục vụ việc đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Năm 2023, Nghệ An đẩy mạnh triển khai thực hiện kịp thời thủ tục hành chính liên thông “Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng phí” đối với đối tượng người có công với cách mạng trên Cổng dịch vụ công Quốc gia; 100% hồ sơ tiếp nhận, giải quyết trên Cổng dịch công Quốc gia đảm bảo trước và đúng hạn.
Cùng với việc thực hiện chi trả trợ cấp ưu đãi qua dịch vụ Bưu điện, năm 2023, Nghệ An đã cấp 41.264 tài khoản cho người có công và thân nhân người có công với cách mạng, đạt tỷ lệ 65,4% số người đủ điều kiện mở tài khoản; hơn 9 nghìn đối tượng đã được chi trả trợ cấp hằng tháng qua tài khoản cá nhân.
Lãnh đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh nhấn mạnh, đến nay, việc thực hiện chế độ chính sách đối với người có công luôn được quan tâm và thực hiện tốt đảm bảo đúng, đủ và kịp thời; tập trung giải quyết những tồn đọng về xác nhận, công nhận người có công; công tác chăm sóc gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công được toàn xã hội quan tâm thực hiện.
Công tác thương binh, liệt sỹ, chăm sóc người có công trong tỉnh đã trở thành hoạt động chính trị, xã hội có ý nghĩa sâu sắc và đạt được nhiều kết quả quan trọng; các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được thúc đẩy mạnh mẽ, quyết liệt, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cũng như cải thiện đời sống của các gia đình thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng trên địa bàn./.
Minh Hà
TAG: