Theo báo cáo, từ năm 2016 đến năm 2020, ngành chức năng trên địa bàn tỉnh Nghệ An phát hiện điều tra xử lý 136 vụ xâm hại trẻ em, 140 trẻ em bị xâm hại với các hành vi xâm hại tình dục, mua bán trẻ em. Riêng trong năm 2021 đã điều tra làm rõ 32/32 vụ xâm hại phụ nữ, trẻ em.
Thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; Nghị quyết số 121/2020/QH14 của Quốc hội về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành các văn bản chỉ đạo các ban ngành đoàn thể, các địa phương căn cứ chức năng nhiệm vụ của mình triển khai thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ trẻ em.
Trong đó chú trọng quan tâm đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đa dạng, dưới nhiều hình thức khác nhau góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cơ quan, tổ chức và toàn xã hội; đồng thời giúp trẻ em nâng cao hiểu biết, kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân. UBND tỉnh cũng yêu cầu các cơ quan, ban, ngành, địa phương có sự phối hợp để kịp thời nắm bắt và xử lý kịp thời các vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em, nhất là các vụ án phạm tội có tính chất nghiêm trọng, người bị hại nhỏ tuổi, các vụ án được dư luận xã hội quan tâm; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền trẻ em. Qua đó kịp thời kiến nghị, bổ sung các sai sót, tháo gỡ kịp thời các vấn đề khó khăn, bất cập.
Các trường học chủ động phối hợp với các ngành chức năng, các đoàn thể địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức giới tính, độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự; phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, các mối nguy hiểm và các điều kiện, khả năng, hoàn cảnh dễ dẫn đến trẻ em bị xâm hại, qua đó thực hành kỹ năng ứng phó, tự phòng ngừa, chống lại các hành vi xâm hại.
Đặc biệt hiện nay, thực hiện các quy định về giãn cách xã hội, hầu hết các hoạt động làm việc, học tập, giải trí... chuyển từ trực tiếp sang online đều kéo theo rủi ro với người dùng trên môi trường mạng, đặc biệt là với trẻ em. Do vậy, cần tăng cường phối hợp giữa nhà trường và gia đình, quản lý chặt chẽ đối với các em học sinh. Hơn nữa, tại thời điểm này, hàng nghìn trẻ em ở điểm nóng dịch bệnh phải đi cách ly tập trung mà không có người thân, gia đình đi cùng và con số này tiếp tục tăng lên mỗi ngày. Bên cạnh các nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh và phải tự lập trong cuộc sống hàng ngày, các em còn có nguy cơ cao bị sang chấn, khủng hoảng tâm lý, thậm chí bị dụ dỗ, xâm hại, đòi hỏi cần có thêm nhiều biện pháp để bảo vệ và đảm bảo an toàn cho trẻ em tại các khu cách ly.
Đến nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã ban hành nhiều văn bản tăng cường đảm bảo an toàn cho trẻ em trong khu cách ly cũng như trong quá trình giãn cách xã hội… Đối với các trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc bị các vấn đề về sang chấn tâm thần cũng đã có các quy định cụ thể về các trường hợp cần can thiệp; quy định trách nhiệm của cơ sở tập trung. Theo đó, các cơ sở cách ly tập trung cần phải phối hợp với các cơ quan có liên quan như UBND xã, cán bộ bảo vệ trẻ em, cơ quan công an, cơ quan y tế trong hỗ trợ can thiệp cho trẻ. Đồng thời, các khu cách ly có trẻ em cần thường xuyên liên hệ Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để được hướng dẫn, tư vấn về: An toàn cho trẻ em; chăm sóc, ổn định tâm lý, phòng ngừa, phát hiện sớm và xử lý những sang chấn tâm lý của trẻ em trong bối cảnh cách ly, giãn cách xã hội; hỗ trợ, can thiệp, xử lý khẩn cấp để bảo vệ, phòng, chống xâm hại trẻ em.
Đối với công tác phòng chống xâm hại trẻ em, tỉnh Nghệ An đề xuất các Bộ, ngành, Trung ương nghiên cứu đầu tư nguồn lực phù hợp cho các lực lượng chức năng trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm về xâm hại trẻ em, nhất là kinh phí phục vụ đấu tranh các vụ án, tổ chức giải cứu và hỗ trợ nạn nhân bị xâm hại. Đồng thời, nghiên cứu chính sách hỗ trợ vật chất và tinh thần cho những gia đình trẻ em bị xâm hại thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo; nghiên cứu, đưa ra bộ chỉ số thống kê tội phạm xâm hại trẻ em để phục vụ công tác đấu tranh phòng chống; dự báo tình hình, từ đó có các giải pháp phòng ngừa, bảo vệ trẻ em trước những hành vi xâm hại, nhất là đối với nhóm trẻ có nguy cơ cao.
Mới đây, nhằm chia sẻ, hỗ trợ với phụ huynh và học sinh trong giai đoạn khó khăn vì dịch COVID-19, tại phiên họp tháng 11/2021, UBND tỉnh Nghệ An đã thông qua dự thảo Nghị quyết quy định cơ chế hỗ trợ học phí học kỳ 1 năm học 2021 - 2022 cho trẻ em mầm non và học sinh phổ thông trên địa bàn. Theo dự thảo Nghị quyết, đối tượng áp dụng là trẻ em mầm non và học sinh phổ thông đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập và ngoài công lập; học viên đang học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Nghệ An…
Trần Huyền