Xây dựng Đảng
Trang chủ / Thời sự / Xây dựng Đảng
Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội 77 năm làm theo lời Bác
10:46 AM 26/07/2024
(LĐXH)- Cách đây 77 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định chọn ngày 27/7 hàng năm là Ngày Thương binh - Liệt sĩ để “Tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái” với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và những người có công. Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, kế tục và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội với những chủ trương, biện pháp và hoạt động thiết thực đã đẩy mạnh phong trào toàn dân chăm lo công tác thương binh, liệt sĩ trên tất cả các mặt với chất lượng và hiệu quả cao nhất…
Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác thương binh – Liệt sĩ
Ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tháng 2/1947, với sự quan tâm chân thành, sâu sắc tới các thương binh, liệt sĩ và thân nhân của họ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20 về chế độ “Hưu bổng, thương tật và tiền tuất cho thân nhân tử sĩ”. Tại Hội nghị bàn về công tác thương binh, liệt sĩ tổ chức vào tháng 6/1947 ở Đại Từ, Thái Nguyên, Người chỉ thị lấy ngày 27/7 hằng năm làm “Ngày thương binh toàn quốc” (từ năm 1955 đổi thành Ngày Thương binh - Liệt sĩ).
Trong “Thư gửi Ban Thường trực của Ban Tổ chức Ngày thương binh toàn quốc” lần thứ nhất (27/7/1947), Bác chỉ rõ: “Thương binh là những người ưu tú hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí ấy đã chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy, Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”. Người cũng căn dặn: “Máu đào của các liệt sĩ đã nhuộm lá cờ cách mạng càng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”.
Vì vậy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng”, “Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy, mọi người phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt qua tất cả khó khăn, gian khổ hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã để lại”.
Ngày 2/9/1955, Bác Hồ cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới đặt vòng hoa viếng các liệt sĩ tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội. Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, “Đền ơn đáp nghĩa” là “nghĩa vụ của nhân dân đối với những chiến sĩ bị thương, bị bệnh, không nên coi đó là một việc làm phúc”. Người kêu gọi mọi người, thực hiện công tác “Đền ơn đáp nghĩa” phải xuất phát từ tình cảm chân thành và lòng biết ơn đối với những hy sinh to lớn của thương binh, tử sĩ. “Các cụ già thượng thọ, các cháu bé sơ sinh, bộ đội, công an trên các mặt trận, những đồng bào đang đau yếu thì không nên nhịn, còn tất cả mọi người khác đều nhịn ăn một bữa một cách tự động, tuyệt đối không cưỡng bức, làm sao cho mọi người hăng hái tham gia đền ơn đáp nghĩa”. Người cũng cho rằng, “Uống nước nhớ nguồn” là nguyên tắc sống, mỗi người đều phải nhớ, và “Đền ơn đáp nghĩa” là sự nghiệp lâu dài, là trách nhiệm của mọi người, phù hợp với truyền thống đạo lý của dân tộc và phải gắn với từng đối tượng cụ thể.
Trong bản Di chúc để lại cho muôn đời sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đối với những người dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích…), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn… Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia tưởng niệm ghi công sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn ổn định, quyết không để họ bị đói rét”.
Không chỉ dừng ở những lời nói, bài viết, mà Người chính là một tấm gương tiêu biểu trong hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”. Đơn cử như vào tháng 1/1947, khi nghe tin con trai thứ hai của bác sĩ Vũ Đình Tụng, Giám đốc Y tế Bắc Bộ, đã hy sinh (trước đó, người con thứ nhất của bác sĩ cũng đã hy sinh ngay sau ngày Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945), Người đã gửi thư thăm hỏi, trong thư có đoạn: “Mất một thanh niên, thì hình như tôi đứt một đoạn ruột… Nhưng cháu và các thanh niên khác dũng cảm hy sinh để giữ gìn đất nước. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi, vật chất họ mất nhưng tinh thần họ luôn luôn sống với non sông Việt Nam… Những thanh niên đó là anh hùng dân tộc. Đồng bào và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên ơn họ”.
Tháng 8/1948, biết tin cụ Tạ Quang Yên ở Nam Định có 6 người con tham gia kháng chiến, trong đó 4 người hy sinh oanh liệt vì Tổ quốc, Bác đã viết thư chia sẻ với những tình cảm thực sự chân thành, cảm động: “Tôi trân trọng thay mặt Chính phủ gửi lời khen ngợi và tặng cụ mấy chữ: “Một nhà trung hiếu, Muôn thuở thơm danh”. Nhân dịp này tôi xin biếu cụ một cái áo mà đồng bào đã biếu tôi”…
Dù bận nhiều công việc nhưng vào tháng 7 hằng năm, Người vẫn gửi thư, tặng quà động viên hoặc trực tiếp đến thăm thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ. Sự quan tâm, tình cảm của Bác đã trở thành nguồn động viên tinh thần lớn lao đối với thương bệnh binh và thân nhân liệt sĩ, cổ vũ họ nỗ lực vươn lên.
Tư tưởng của Bác đã trở thành chủ trương, chính sách…
Tư tưởng và tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác thương binh – liệt sĩ thể hiện lòng yêu nước, thương dân sâu sắc của Người. Tư tưởng và tình cảm ấy đã trở thành các chủ trương, chính sách, các chỉ thị của Đảng, Nhà nước đối với thương binh – liệt sĩ và những người có công với cách mạng.
77 năm qua, Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 hằng năm đã trở thành ngày kỷ niệm thiêng liêng, mang đậm tính nhân văn; là dịp để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tưởng nhớ, tôn vinh và tri ân công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Đặc biệt, những chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng không ngừng được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung và từng bước hoàn thiện.
Mới đây, ngày 01/7/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 77/2024/NĐ-CP, nâng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng (tăng 35,7%). Đây là mức tăng cao nhất trong các lần điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng trong 20 năm qua, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống người có công, thân nhân người có công theo tinh thần của Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.
Chăm sóc thương binh nặng tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành
Ngay trong dịp Tháng Bảy truyền thống lịch sử này, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ, Thường trực Ban Bí thư đã có văn bản phân công các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm hỏi, tặng quà và tham dự các hoạt động kỷ niệm trên quy mô cả nước, các địa phương đã hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng trong công tác chăm sóc người có công. Theo đó, Chủ tịch nước đã tặng quà cho gần 1,4 triệu người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng với tổng kinh phí gần 420 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2013 - 2020, với hơn 10 nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương đảm bảo, cả nước đã hoàn thành việc hỗ trợ xây mới và sửa chữa cho 393.707 hộ người có công với cách mạng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg. Đồng thời, đang triển khai Đề án hỗ trợ nhà ở người có công với cách mạng giai đoạn đến năm 2025 với dự kiến trên 162 ngàn hộ, kinh phí khoảng trên 7 ngàn tỷ đồng.
10 năm qua (2013 - 2023), cả nước đã vận động gần 7.900 tỷ đồng để hỗ trợ hộ gia đình người có công; xây dựng mới 67.700 căn nhà và sửa chữa gần 45.900 căn nhà tình nghĩa với tổng kinh phí hỗ trợ trên 12.700 tỷ đồng; tặng hơn 110.000 sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách với trên 403 tỷ đồng và hỗ trợ một số trường hợp đặc biệt khó khăn, 2.412 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các tổ chức nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời.
Các công trình ghi công liệt sĩ thường xuyên được quan tâm, chăm sóc, tu bổ. Cả nước đã tôn tạo, nâng cấp, sửa chữa, chỉnh trang trên 3.000 nghĩa trang liệt sĩ, trên 4.000 công trình ghi công liệt sĩ. Tiến hành chuẩn hoá thông tin bia mộ liệt sĩ, 02 năm qua đã điều chỉnh 20 ngàn bia mộ đang ghi "Liệt sĩ vô danh".
Đối với việc xem xét, công nhận người có công với cách mạng, qua 6 năm triển khai giải quyết hồ sơ tồn đọng, đã giải quyết được căn bản trên 7.800 hồ sơ, trong đó, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với hơn 2.400 liệt sĩ, phần lớn là liệt sĩ trong thời kỳ chống Pháp và giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ và hơn 2.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Đây là việc làm vô cùng khó khăn do thời gian đã quá lâu, hồ sơ thất lạc, người giao nhiệm vụ không còn sống, đồng đội, người làm chứng đều đã mất… Điển hình như trường hợp cụ Phạm Khánh, chiến sĩ cách mạng Xô viết Nghệ Tĩnh hy sinh năm 1931, sau 92 năm mới tìm được dữ liệu, được công nhận liệt sĩ.
Đặc biệt, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo triển khai Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (Đề án 150), thực hiện với phương pháp giám định ADN và thực chứng. Phương pháp giám định ADN đã triển khai gần 10.000 mẫu hài cốt liệt sĩ và hơn 3.000 mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ. Kết quả, đã so sánh đối khớp được hơn 1.000 danh tính liệt sĩ để báo tin về cho thân nhân liệt sĩ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu kích hoạt ngân hàng Gene liệt sĩ chưa xác định thông tin, tại Hội nghị Tôn vinh người có công với cách mạng (23/7/2024)

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thực hiện kế hoạch tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin đến năm 2030 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ, trên nền tảng hiện nay các đơn vị đã lưu trữ được số liệu của trên 25 ngàn dữ liệu ADN hài cốt liệt sĩ và thân nhân, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Công an đề xuất Chính phủ xây dựng Ngân hàng Gen (ADN) liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ. Việc thực hiện lấy mẫu ADN chưa xác định được thông tin và toàn bộ thân nhân trực tiếp của các liệt sĩ chưa xác định thông tin gồm khoảng 600 ngàn người. Đây là cơ sở để lưu trữ trong Ngân hàng Gen sẽ là bước chuẩn bị tốt nhất cho hành trình dài tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.
Những kết quả đó mang đậm nghĩa tình, tri ân sâu nặng đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng, phần nào đã xoa dịu những đau thương, mất mát của những người ở lại, thể hiện được trách nhiệm của Đảng, Chính phủ và nhân dân đối với những người đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc vĩ đại của dân tộc; đồng thời ghi nhận những nỗ lực của các cấp, các ngành, của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, của lực lượng quân đội, công an và nhân dân trên cả nước trong thời gian vừa qua đối với công tác này.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách đối với người có công trên cơ sở nguồn lực của Nhà nước và xã hội, bảo đảm người có công và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên trong địa bàn cư trú. Cân đối ngân sách để tiếp tục thực hiện việc nâng mức trợ cấp xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công, giải quyết căn bản chính sách đối với người có công; nâng cấp các công trình “Đền ơn đáp nghĩa”. Không chỉ nhân dịp kỷ niệm Ngày 27/7 hàng năm, mà ở bất cứ thời điểm nào, chúng ta luôn phải thực hiện tốt chính sách, pháp luật đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công; bởi đó là tình cảm, trách nhiệm, bổn phận của toàn xã hội. Từ tấm gương mẫu mực của Chủ tịch Hồ Chí Minh, truyền thống “Đền ơn đáp nghĩa” đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công đã, đang và sẽ luôn được Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam phát huy ngày càng mạnh mẽ, sâu rộng./.
Hồng Minh
TAG:
Tin khác
Công bố báo cáo quốc gia 2024 về thực hiện Chính sách ở Việt Nam
Quốc hội thông qua Luật Công đoàn (sửa đổi)
Cuộc thi Nhà lãnh đạo tương lai - The Future CEO (TFC) 2024 : Hành trình khai phá tiềm năng lãnh đạo thế hệ trẻ Việt Nam
Bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay
Hội nghị Ban Chấp hành Trung Đảng khóa XIII quyết định nhiều nội dung quan trọng
Ngày phở của Đoàn thanh niên Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội với đối tượng yếu thế tại Bắc Giang
Gặp gỡ nhóm người treo cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trên đỉnh nhà thờ Đức Bà ở Paris năm 1969
Chương trình “Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2024”: Tôn vinh các điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Chiến thắng Bình Giã- mốc son lịch sử