Trẻ em
Trang chủ / Xã hội / Trẻ em
Nâng cao nhận thức về nạn mua bán người và tảo hôn cho thanh thiếu niên dân tộc thiểu số qua nền tảng trực tuyến "Em Vui"
12:20 PM 01/06/2023
(LĐXH)- Thông qua triển khai Dự án đã tập huấn trực tiếp cho 7.458 em thanh thiếu niên dân tộc thiểu số (DTTS) về kiến thức internet và kỹ năng an toàn trên không gian mạng. Thông qua các hoạt động truyền thông của Dự án cũng như tương tác qua các bài thử thách đã có hơn 15.000 em được trang bị kỹ năng để tự bảo vệ mình trước nạn buôn người và tảo hôn; 14.000 em đủ tự tin để vận động cho quyền của mình và tự bảo vệ mình khỏi nạn buôn người và tảo hôn.
Ngày 31/5, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội (ISDS) phối hợp với đối tác Plan International Việt Nam tổ chức Hội thảo “Tổng kết dự án: Tăng cường nhận thức của thanh thiếu niên dân tộc thiểu số về việc mua bán người và tảo hôn thông qua công nghệ số - EMPoWR/Em Vui”.
Dự án “Tăng cường nhận thức của thanh thiếu niên dân tộc thiểu số về việc mua bán người và tảo hôn thông qua công nghệ số” (EMPoWR/Em Vui) được triển khai từ tháng 6/2020 đến hết tháng 6/2023 tại 4 tỉnh, 11 huyện, 52 xã của tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình và Quảng Trị.
Dự án do Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội (ISDS) và tổ chức Plan International Việt Nam cùng triển khai thực hiện, và Liên minh châu Âu (EU) và tổ chức Plan International Bỉ đồng tài trợ. Mục tiêu tổng quát của dự án là các trẻ em gái, trẻ em trai, nam nữ thanh niên các dân tộc thiểu số (từ 10 - 24 tuổi) sử dụng không gian kỹ thuật số để tìm hiểu và tiếp cận quyền lợi của họ, tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ và đóng góp ý kiến cho các nhà hoạch định chính sách.
Hội thảo Tổng kết Dự án Em Vui
Mục tiêu chính của Hội thảo là chia sẻ những kết quả chủ yếu của dự án Em Vui trong 3 năm và những bài học kinh nghiệm sử dụng nền tảng Em Vui của các đối tác khác nhau ở địa phương; đồng thời, thảo luận về tính bền vững của dự án Em Vui và nền tảng trực tuyến Em Vui sau khi dự án kết thúc.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Carina Neset, Quản lý Gây quỹ và Các dự án viện trợ - tổ chức Plan International Việt Nam nhấn mạnh: “Mục tiêu chương trình 5 năm giai đoạn 2021-2026 của Plan tại Việt Nam là đồng hành cùng cơ quan chính phủ, các nhà tài trợ, gia đình, cộng đồng để hỗ trợ 2 triệu em gái học tập, dẫn dắt, quyết định và tỏa sáng. Dự án Tăng cường nhận thức của trẻ em, thanh thiếu niên dân tộc thiểu số về mua bán người và tảo hôn thông qua công nghệ số với sản phẩm chính là nền tảng trực tuyến Em Vui đã có những đóng góp nổi bật, giúp hiện thực hóa cam kết của tổ chức Plan trong lĩnh vực thúc đẩy bình đẳng giới và bảo vệ trẻ em, đặc biệt là trẻ em dân tộc thiểu số sinh sống tại các vùng sâu, vùng xa”.
Dự án Em Vui đến với các em học sinh xã Pố Lồ, huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang 
Chia sẻ tại Hội thảo, TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội (ISDS), Giám đốc dự án Em Vui cho hay: “Dự án Em Vui là một dự án đặc biệt. Đây là một trong số rất ít dự án có sự tham gia của rất nhiều bên, bao gồm: các nhà tài trợ quốc tế, cơ quan nhà nước các cấp, các tổ chức đoàn thể và xã hội cùng với doanh nghiệp tư nhân. Điều quan trọng nhất là Dự án đã được đón nhận rất nhiệt tình bởi các em thanh thiếu niên dân tộc thiểu số tại 4 tỉnh. Chúng tôi rất hạnh phúc vì những sản phẩm của Em Vui được các em và các thầy cô giáo, các cơ quan và đoàn thể xã hội trên địa bàn Dự án yêu mến và sử dụng rộng rãi. Bài học lớn mà chúng tôi rút ra được qua Dự án này là sự tôn trọng tin tưởng lẫn nhau giữa các đối. Mặc dù Dự án khép lại, nhưng nền tảng trực tuyến Em Vui vẫn còn đó, Em Vui vẫn là địa chỉ tin cậy và hữu ích cho các em thanh thiếu niên và các cán bộ, thầy cô giáo địa phương trong nỗ lực chung đẩy lùi tảo hôn và phòng chống mua bán người, giúp các em thanh thiếu niên lớn lên an toàn, khoẻ mạnh và có cuộc sống hạnh phúc.”
Em Hồ T.R.T, người dân tộc Bru Vân Kiều tại huyện Hướng Hóa của tỉnh Quảng Trị, chia sẻ các kinh nghiệm sử dụng Nền tảng Em Vui tại địa phương. “Trên nền tảng Em Vui, cháu đã trải nghiệm phần học vui, chơi vui và tham gia tích điểm – nhận quà trên ứng dụng Em Vui. Ngoài ra, trên nền tảng Em Vui, cháu còn được xem những tập phim hoạt hình Hành trình của Mỉ nói về nạn buôn người và tảo hôn, cháu còn được học các bài học về an toàn trên không gian mạng. Cháu rất thích học những bài học trên nền tảng Em Vui và cháu đã học được rất nhiều kiến thức ở trên đó” - em Hồ T.R.T nói.
Các em học sinh Hà Giang hào hứng hưởng ứng hoạt động của Dự án Em Vui
Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Nhung, giáo viên tại xã Lao Và Chải, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang, cũng chia sẻ về tính bền vững của nền tảng Em Vui: “Chúng tôi đã tổ chức triển khai nhiều hoạt động của dự án Em Vui tại trường học như: tập huấn an toàn mạng và truyền thông thúc đẩy sử dụng nền tảng Em Vui cũng như hướng dẫn các em tham gia các cuộc thi, chương trình do dự án Em Vui tổ chức. Các em học sinh đều vô cùng hào hứng và thích thú với những sản phẩm của dự án Em Vui như phim hoạt hình, truyện tranh và các tài liệu học. Em Vui có nội dung rất phong phú và bổ ích. Chúng tôi đã sử dụng nhiều sản phẩm của Em Vui trong công tác giảng dạy và truyền thông tại địa phương và sẽ tiếp tục truyền thông lan tỏa Em Vui tới nhiều thế hệ học sinh để các em có kiến thức và kỹ năng phòng chống tảo hôn và phòng chống mua bán người, lớn lên tự tin, an toàn và có tương lai tốt đẹp”.
Có thể thấy, nền tảng trực tuyến "Em Vui" đã là một không gian mở thu hút sự tham gia và kết nối các cá nhân, cơ quan, tổ chức hữu quan cùng chung tay truyền bá kiến thức, kỹ năng và lan tỏa các thông điệp, hữu ích cho các bạn thanh thiếu niên ở khắp mọi miền đất nước.
Đây cũng là một diễn đàn đối thoại giữa các em thanh thiếu niên dân tộc thiểu số với các nhà hoạch định và quản lý thực hiện chính sách từ các cơ quan hữu quan các cấp.

Nền tảng Em Vui bao gồm 01 website tại: https://emvui.vn, 01 ứng dụng điện thoại có thể tải về từ kho ứng dụng CH Play và App Store tên Em Vui, 06 kênh mạng xã hội Facebook, Tiktok, Zalo, Youtube, Instagram và Twitter đều có tên là #DuAnEmVui. Trong 6 tháng qua, trung bình mỗi ngày có gần 400 lượt truy cập, trong đó đa phần là các em thanh thiếu niên dân tộc thiểu số tại các địa bàn dự án là tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình và Quảng Trị.

Dự án Em Vui đã tập huấn trực tiếp cho 7.458 em thanh thiếu niên dân tộc thiểu số về kiến thức internet và kỹ năng an toàn trên không gian mạng. Sau đợt tập huấn, có 4.766 em có kiến thức cơ bản về các vấn đề an toàn mạng.

Năm 2022, dự án đã truyền thông trực tiếp cho 8.771 em thanh thiếu niên dân tộc thiểu số về nền tảng Em Vui. Năm 2023, hoạt động truyền thông “Thúc đẩy sử dụng nền tảng trực tuyến Em Vui” đã thu hút hơn 20 nghìn em thanh thiếu niên dân tộc thiểu số.


Thảo Lan

TAG: nạn mua bán người thanh thiếu niên dân tộc thiểu số nền tảng trực tuyến Em Vui
Tin khác
Đi mua cá chép cúng ông Táo tại chợ cá lớn nhất miền Bắc
Cụ bà 124 tuổi thích ăn cơm trộn mỡ lợn, chia sẻ bí quyết sống lâu
Từ 1/7, người đủ 75 tuổi sẽ nhận trợ cấp hưu trí 500.000 đồng/tháng
Nestlé Việt Nam trao tặng hơn 17.000 sản phẩm nhân dịp Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025
Chuyến xe yêu thương dành cho các bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn
Xe ôm công nghệ tắt app, kiếm tiền triệu nhờ vận chuyển cây cảnh dịp Tết
Sở LĐ-TB&XH TP.HCM tổ chức họp mặt chúc tết cán bộ hưu trí của Sở qua các thời kỳ
Hưng Yên: Thực hiện kịp thời trợ cấp xã hội hàng tháng cho trên 64.000 đối tượng
Năm 2030 sẽ triển khai tàu khách tốc độ 120 km/h