Nâng cao hiệu quả tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT đối với báo chí
(LĐXH)- Đây là nội dung hội thảo do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tổ chức ngày 8/12 tại TP Vũng Tàu.
Ngày mai (8/12), tại TP Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu), Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo “Nâng cao hiệu quả tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT đối với các cơ quan thông tấn, báo chí”.
Hội thảo nhằm cung cấp thông tin định hướng truyền thông, phản ánh nhanh chóng kịp thời, chuyên sâu về những vấn đề mới về BHXH, BHYT; các kỹ năng, giải pháp nâng cao hiệu quả phối hợp giữa BHXH Việt Nam và các cơ quan báo chí trong tuyên truyền về lĩnh vực này; kết quả và các mô hình tiêu biểu thực hiện tốt công tác tuyên truyền, mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT cùng những vấn đề đặt ra trong thực hiện chính sách tại các địa phương, doanh nghiệp khu vực Đông Nam Bộ.
Hội thảo cũng là diễn đàn trao đổi, thảo luận, đóng góp ý kiến của các cơ quan hoạch định, triển khai chính sách, các chuyên gia cùng lãnh đạo và phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí trong việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, qua đó đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT trên các cơ quan thông tấn, báo chí.
Các cơ quan thông tấn, báo chí thời gian qua đã không ngừng tuyên truyền về chính sách, pháp luật liên quan đến BHXH, BHYT
Hội thảo dự kiến thu hút gần 100 đại biểu các cơ quan Trung ương và các địa phương khu vực Đông Nam và 55 đại biểu lãnh đạo và phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương tại TP HCM, bao gồm: VTV, VTC, VOV, TTXVN, Báo Nhân dân, Báo Lao động – Xã hội, Báo Tiền Phong, Báo Bảo hiểm xã hội, Tạp chí Bảo hiểm xã hội, Báo Lao động, Vietnamnet, vnexpress, dantri, Báo Sài Gòn Giải phóng, Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh, Đài tiếng nói Nhân dân TPHCM, Báo Thanh niên, Tuổi trẻ, Người lao động, Báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh, Báo Công an thành phố Hồ Chí Minh...; phóng viên các báo và Đài Phát thanh – Truyền hình khu vực Đông Nam Bộ: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Thuận, Tây Ninh...
Trong những năm qua, công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT rất được quan tâm và không ngừng được tăng cường nhờ sự phối hợp chặt chẽ của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam với hầu hết các loại hình báo chí, từ báo in, phát thanh – truyền hình đến báo điện tử Trung ương và địa phương. Nhờ đó, thông tin các vấn đề về BHXH, BHYT đã được truyền tải tới cộng đồng nhiều hơn về số lượng và thiết thực hơn về chất lượng.
Các cơ quan báo chí cả nước đã bám sát thực tế đời sống để tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, trọng tâm là Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế và các văn bản hướng dẫn thi hành; các kết quả thực hiện chính sách BHXH, BHYT; đồng thời cũng chỉ ra những bất cập, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân trong quá trình triển khai thực hiện, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm từng bước hoàn thiện chính sách.
Việc đổi mới và đa dạng các hình thức tuyên truyền đã tạo điều kiện và giúp các ngành, các địa phương, chủ sử dụng lao động và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ hơn mục đích, ý nghĩa và tính nhân văn của chính sách BHXH, BHYT trong hệ thống chính sách an sinh xã hội ở nước ta. Kết quả công tác tuyên truyền cũng đã góp phần rất lớn làm thay đổi và nâng cao nhận thức về quyền và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, hội đoàn thể các cấp và mọi người dân trong việc thực thi, chấp hành các quy định của Luật BHXH, Luật BHYT.
Tuy nhiên, từ thực tế tuyên truyền về BHXH, BHYT thời gian qua có nhận thấy công tác này cũng còn một số hạn chế. Nguyên nhân là do một số bài báo, chương trình truyền thông còn nặng nề, thông tin khô khan, chưa thực sự hấp dẫn bạn đọc, một số bài báo nội dung còn mang nặng tính hàn lâm, không phù hợp với đồng đảo người lao động và người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, người dân vùng sâu, vùng xa.
Nhiều chương trình tọa đàm mang tính “hỏi đáp” về chủ trương, đường lối chỉ phù hợp với những nhà hoạch định chính sách, chưa cung cấp những thông tin cần thiết, cụ thể cho người dân. Một số tin bài chưa thực sự khách quan, thông tin một chiều, gây hiệu ứng xã hội không tốt; một số địa phương chưa hiểu thấu, nhận thức đầy đủ về chính sách BHXH, BHYT.
Để thực hiện tốt mục tiêu “BHXH cho mọi người lao động” và “BHYT toàn dân”, bên cạnh nỗ lực của ngành BHXH và các Bộ, ngành liên quan, rất cần sự vào cuộc, chung tay hơn nữa của các cơ quan thông tấn, báo chí trong tuyên truyền về lĩnh vực này nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ và hiệu quả trong nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, của người sử dụng lao động, người lao động và toàn dân về BHXH, BHYT./.
Hồng Minh
TAG: