Nâng cao hiệu quả mạng thông tin quốc gia về ATVSLĐ
(LĐXH) - Ngày 16/12, tại Hà Nội, Bộ Lao động -TBXH phối hợp với Bộ Y tế, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tổ chức hội nghị thường niên Mạng thông tin quốc gia về ATVSLĐ lần thứ 20.
Hội nghị nhằm đánh giá kết quả hoạt động của Mạng thông tin quốc gia về ATVSLĐ trong năm 2016, đồng thời tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực hoạt động về ATVSLĐ, qua đó thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan thành viên vì mục tiêu phòng ngừa và giảm thiểu TNLĐ, BNN, bảo đảm an toàn và sức khỏe người lao động.
Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục ATLĐ chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị còn có các đại biểu đại diện các cơ quan ban ngành như Bộ Công An, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, Hội Y học Lao động Việt Nam, các khu công nghiệp, khu chế xuất và đại diện các Sở LĐTBXH các tỉnh trong cả nước.
Phát biểu tại hội nghị ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục ATLĐ cho biết năm 2016 có thể coi là một năm đánh dấu nhiều sự kiện pháp lý quan trọng trong công tác ATVSLĐ đó là Quốc hội và Chính phủ đã thông qua và ban hành nhiều văn bản, chính sách quan trọng về ATVSLĐ, cụ thể: Lần đầu tiên Luật ATVSLĐ đã được thông qua tại Quốc hội Khóa 12 kỳ họp thứ 9, trong đó có nhiều nội dung, chính sách mới được ban hành, đó là: Mở rộng đối tượng áp dụng đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động; Mở rộng chế độ, chính sách đối với người bị TNLĐ, BNN như hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho NLĐ bị TNLĐ, BNN khi trở lại làm việc; hỗ trợ huấn luyện cho người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm nghặt về ATVSLĐ; mở rộng việc tham gia bảo hiểm TNLĐ theo hình thức tự nguyện của NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động...; Chính phủ cũng đã ban hành 03 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2016 đó là các Nghị định số 37, 39, 44 năm 2016 (quy định chi tiết một số điều của Luật ATVSLĐ, về Bảo hiểm TNLĐ, BNN bắt buộc; về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn, huấn luyện và quan trắc môi trường lao động). Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chương trình quốc gia về ATVSLĐ giai đoạn 2016-2020; Chương trình mục tiêu quốc gia Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016-2020 - trong đó có 3 dự án về tăng cường năng lực An toàn lao động; đã phê duyệt tổ chức triển khai Tháng hành động về ATVSLĐ vào tháng 5 hàng năm.
Có thể nói trong những năm qua, các hoạt động thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức của các cấp, ngành đối với công tác đảm bảo ATVSLĐ nói chung và hoạt động của các cơ quan thành viên Mạng thông tin quốc gia về ATVSLĐ nói riêng đã phát huy được hiệu quả tích cực thông qua các chiến dịch tuyên truyền về ATVSLĐ nhân dịp tổ chức Tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ-PCCN; Ngày thế giới về an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc 28/4;... Nội dung, hình thức tuyên truyền đã có nhiều bước đổi mới, mở rộng hơn các nhóm đối tượng, chủ thể tuyên truyền trong khu vực làng nghề, nông nghiệp...
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của Mạng thông tin quốc gia cũng như các hoạt động truyền thông về ATVSLĐ nói chung vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: hoạt động cung cấp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan thành viên mạng chưa kịp thời, thường xuyên; nội dung thông tin, tuyên truyền còn mang tính chung chung; hiệu quả tuyên truyền chưa cao...
Để hoạt động của Mạng thông tin thực sự đạt được hiệu quả trong thời gian tới, ông Hà Tất Thắng đề nghị các cơ quan thành viên Mạng, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan truyền thông cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ: Triển khai sâu rộng công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến Luật ATVSLĐ, các chương trình, chính sách mới về ATVSLĐ đến các đối tượng, chủ thể có liên quan cả trong khu vực có và không có quan hệ lao động; Củng cố, nâng cao năng lực hoạt động của các cơ quan đầu mối, cán bộ đầu mối tại các cơ quan thành viên Mạng; Chú trọng tuyên truyền, nhân rộng các mô hình, điển hình tiêu biểu cụ thể trong công tác ATVSLĐ từ thực tế sản xuất, kinh doanh; Tổ chức và triển khai có hiệu quả các mục tiêu, hoạt động trong Chương trình quốc gia về ATVSLĐ và Tháng hành động về ATVSLĐ...
Tại hội nghị, các đại biểu đã được thông tin về các nội dung về Chương trình, chính sách mới trong lĩnh vực ATVSLĐ và định hướng tuyên truyền, huấn luyện về ATVSLĐ trong khu vực phi kết cấu; Kinh nghiệm ATVSLĐ với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp ngành dệt may; Thưc trạng lao động trong làng nghề và kinh nghiệm áp dụng mô hình quản lý ATVSLĐ tại Làng nghề tái chế chì Đông Mai... Đồng thời thảo luận về các hình thức, công cụ thông tin hiệu quả để thúc đẩy thực thi chính sách đi vào cuộc sống; giải pháp về thông tin trong khu vực làng nghề, doanh nghiệp vừa và nhỏ; Định hướng xây dựng danh mục quy chuẩn KTQG về ATVSLĐ giai đoạn 2016-2020./.
Cảnh Minh
TAG: