Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025
(LĐXH) – Xác định nguồn nhân lực (NNL) là nền tảng để đảm bảo cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn, sáng ngày 25/4/2022, tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội thảo “Xây dựng Đề án phát triển NNL, nhất là NNL chất lượng cao của tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030”.
Nguồn nhân lực còn hạn chế
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết, trong chiến lược phát triển giai đoạn tới, việc phát triển NNL đóng vai trò quan trọng, hướng đi chiến lược giúp tỉnh phát triển nhanh, bền vững. Tiềm năng về nguồn lao động tại tỉnh rất lớn, đặc biệt, mạng lưới cơ sở đào tạo NNL khá dày hỗ trợ nâng cao chất lượng NNL. Mặc dù vậy, khi đánh giá về NNL cần xét trong mối tương quan với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thực tế phải thừa nhận, về tổng quan, quy mô nền kinh tế của tỉnh còn hạn chế, thiếu nhân tố mới tạo đột phá…
Đánh giá về NNL tại Thừa Thiên Huế, ông Lê Ngự Bình, Phó Viện trưởng Viện Lao động và Xã hội - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng, từ năm 2019, quy mô lực lượng lao động (LLLĐ) tại tỉnh có xu hướng giảm. Mặc dù có tiến bộ trong trình độ học vấn, song LLLĐ cũng có xu hướng già hóa, mức độ đáp ứng nhu cầu cho các doanh nghiệp ở mức trung bình. Chính những điều ấy tạo ra rào cản trong việc phát triển kinh tế - xã hội.
Về mức độ gắn kết giữa đào tạo với sử dụng NNL thì chất lượng lẫn số lượng của lao động trực tiếp sản xuất kinh doanh còn thiếu hụt. Giai đoạn 2016-2020, lao động qua đào tạo nhập cư và di cư từ tỉnh có xu hướng giảm, tuy nhiên lao động qua đào tạo di cư từ tỉnh đến các tỉnh, thành khác cao hơn lao động nhập cư đến tỉnh. Quy mô và việc làm của NNL chất lượng cao của tỉnh chiếm tỉ trọng nhỏ trong tổng lực lượng lao động. “NNL chất lượng cao cho 4 lĩnh vực chủ lực của tỉnh gồm giáo dục, văn hóa - du lịch, y tế, khoa học công nghệ tuy có chất lượng cao hơn so với mặt bằng chung toàn tỉnh, song còn nhiều hạn chế”, ông Lê Ngự Bình nhìn nhận.
TÍnh đến cuối năm 2020, có 66,38 nghìn việc làm của nguồn nhân lực chất lượng cao ở nhóm ngành dịch vụ, chiếm 82,23% tổng số, trong khi đó nhóm ngành công nghiệp-xây dựng có khoảng 12,62 nghìn việc làm, chiếm 15,64%, và nhóm ngành nông – lâm – ngư nghiệp và thủy sản chỉ có 1,72 nghìn việc làm, chiếm 2,13% tổng việc làm của nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thực trạng trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến cơ chế, chính sách phát triển NLL giai đoạn 2016-2020 của tỉnh chưa thực sự được triển khai hiệu quả; việc xây dựng, lồng ghép các mục tiêu nhiệm vụ chưa bám sát với thực tiễn; thiếu các phân tích, dự báo cụ thể về nhu cầu nhân lực gắn với xu hướng biến động của thị trường lao động; trình độ phát triển kinh tế của tỉnh vẫn còn thấp….
Thu hút, đãi ngộ nhân lực trình độ cao
Thừa Thiên Huế đang phấn đấu trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương. Do vậy, xây dựng NNL càng có ý nghĩa quan trọng. Theo GS.TS Lê Vinh Danh, Cố vấn cấp cao - Trường đại học Văn Lang, phát triển NNL nói chung phải quan tâm đến yếu tố việc làm, cần bổ sung NNL chất lượng cao từ khởi nghiệp. Từng lĩnh vực cũng cần có tiêu chí cụ thể trên cơ sở nắm bắt tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, phân luồng NNL dựa vào mục tiêu, số lượng theo từng năm.
PGS.TS Mạc Văn Tiến, Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục và Quản lý kinh tế đề xuất tỉnh lưu ý đến việc tạo ra các mô hình kinh tế mới. Ông Tiến đưa ra dự báo 80% những công việc truyền thống sẽ biến mất nên cần nghiên cứu công việc mới cho người lao động.
“Chúng ta cần chú ý đến các kỹ năng số, việc làm số để hỗ trợ đào tạo những năng lực mới cho người lao động. Theo tôi, TP. Huế phải phát triển công nghệ sinh học và tập trung mở rộng phạm vi các ngành, lĩnh vực công nghệ cao ở vùng ngoại ô. Riêng với NNL chất lượng cao cần có tiêu chí cụ thể”, ông Tiến chia sẻ.
Định hình nguồn lao động cho tương lai cũng là vấn đề được nhiều chuyên gia quan tâm, PGS.TS Võ Kim Sơn, Giảng viên cao cấp - Học Viện Hành chính Quốc gia đưa ra một con số đáng lưu ý, đó là 80% NNL dễ dàng thay thế trong tương lai; 10-15% NNL chất lượng cao khó, thậm chí không có nguồn thay thế. “Theo tôi có 3 hướng tiếp cận NNL, đó là phát triển NNL hiện có, phát triển NNL doanh nghiệp cần và phát triển NNL đáp ứng thị trường lao động”, ông Võ Kim Sơn đề xuất.
Trong thời gian tới, Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đảm bảo đủ về quy mô và chất lượng trên các yếu tố cơ bản là trí lực, thể lực và kỹ năng nghề nghiệp, đạo đức; chú trọng phát triển nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề cao nhằm đưa nhân lực trở thành nền tảng và lợi thế đặc biệt quan trọng để chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang các ngành mũi nhọn, trọng điểm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030 nhanh và bền vững, sớm đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Về các mục tiêu cụ thể, Thừa Thiên Huế tập trung thu hút, đãi ngộ nhân lực có trình độ cao, chuyên môn sâu, kỹ năng giỏi, có nhận thức về văn hóa nghệ thuật, có sức khỏe để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức đủ phẩm chất, bảo đảm tiêu chuẩn chức danh, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có năng lực, hoàn thành nhiệm vụ được giao trong hệ thống chính trị của các cơ quan đơn vị hành chính sự nghiệp. Quy hoạch, phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, liên thông, ưu tiên các ngành, nghề trọng điểm; chú trọng đầu tư xây dựng từ 01 đến 02 trường cao đẳng chất lượng cao, nâng cao năng lực và chất lượng các cơ sở đào tạo nghề, đưa hệ thống giáo dục nghề nghiệp đủ năng lực đào tạo bình quân hàng năm khoảng 16.000-18.000 người.
Tập trung phát triển nguồn nhân lực đáp ứng cơ cấu nền kinh tế, trong đó, du lịch là mũi nhọn; dịch vụ y tế chuyên sâu, giáo dục chất lượng cao, tài chính, ngân hàng, cảng biển, logistic, đào tạo nguồn nhân lực là nòng cốt; công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao là đột phá; kinh tế biển là thiết yếu.
Hà Giang
TIN LIÊN QUAN
TAG: