Nam Trực: Đào tạo nghề góp phần giảm nghèo bền vững
(LĐXH) - Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, thời gian qua, Huyện ủy, UBND huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội; đa dạng các hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn, thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo, hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.
Để thực hiện hiệu quả các biện pháp giảm nghèo bền vững, huyện đã đẩy mạnh thực hiện Đề án 1956/QĐ-TTg của Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Bên cạnh đó, Phòng LĐ-TB và XH huyện phối hợp Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện, UBND các xã, thị trấn tổ chức tư vấn, tuyển sinh và hướng dẫn người lao động đăng ký học nghề. Riêng trong năm 2022, huyện Nam Trực đã tổ chức tuyển sinh 245 học viên đủ điều kiện học nghề sơ cấp theo quy định. Trong đó tổ chức 4 lớp may công nghiệp, tổng số 140 học viên; 1 lớp chăm sóc, cắt tỉa cây cảnh với 35 học viên; 1 lớp đan cói xuất khẩu gồm 35 học viên; 1 lớp hàn điện 35 học viên. Đặc biệt, các đơn vị chức năng còn tổ chức tuyển sinh, thẩm định hồ sơ đối với 315 học viên đủ điều kiện học nghề sơ cấp theo quy định, trong đó 42 học viên thuộc đối tượng chính sách hộ nghèo, hộ cận nghèo. Ngành nghề đào tạo được phân bổ thành 9 lớp học, trong đó lĩnh vực phi nông nghiệp có 6 lớp, tổng số 210 học viên; ngành nông nghiệp 3 lớp, tổng số 105 học viên.
Từ nay đến năm 2025, Nam Trực đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1,5% (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022- 2025), tỷ lệ hộ nghèo duy trì mức giảm hàng năm từ 0,05 - 0,1%.
Trong đó, các mục tiêu chủ yếu được huyện đặt ra bao gồm: 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và các chính sách giảm nghèo; từng bước cải thiện, nâng cao điều kiện sống; đảm bảo giảm nghèo bền vững. Hỗ trợ xây dựng, nhân rộng mô hình dự án giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khởi nghiệp nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
Phấn đấu 80% người có khả năng lao động, có nhu cầu thuộc hộ nghèo được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, tăng thu nhập. 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo, lập kế hoạch có sự tham gia, xây dựng kế hoạch phát triển cộng đồng và nghiệp vụ giảm nghèo. 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo, lập kế hoạch có sự tham gia, xây dựng kế hoạch phát triển cộng đồng và nghiệp vụ giảm nghèo.
Theo đó, các đối tượng được thụ hưởng bao gồm hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo (trong vòng 36 tháng, kể từ thời điểm hộ được cấp có thẩm quyền công nhận thoát nghèo). Ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng, trẻ em, người khuyết tật, phụ nữ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; Người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tại 20 xã, thị trấn trên địa bàn toàn huyện.
Thục Quyên
TAG:
Nma Trực