Đây là năm thứ hai cuộc thi được tổ chức nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng sử dụng internet an toàn, hiệu quả cho học sinh, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, giúp các em nhận diện và phòng, tránh các nguy cơ mất an toàn trên môi trường mạng. Cuộc thi là một hoạt động hưởng ứng Chương trình "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 01/06/2021. Cuộc thi sẽ được duy trì thường xuyên, trở thành một phần trong chuỗi hoạt động Ngày An toàn thông tin Việt Nam hàng năm.
Đến thời điểm này, internet đang đi vào mọi mặt trong đời sống xã hội, 2/3 trẻ em có cơ hội tiếp cận Internet, trong đó phần lớn trẻ em sử dụng Internet hàng ngày. Bên cạnh những lợi ích, đặt ra nhiều mối nguy hiểm từ việc trẻ em tiếp cận các thông tin độc hại, tiêu cực đến nguy cơ bị bắt nạt, lừa đảo, thậm chí là bị xâm hại, gây nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, việc trang bị cho trẻ em kiến thức, kỹ năng về an toàn thông tin mạng là rất quan trọng trong việc xây dựng năng lực số, một năng lực thiết yếu của công dân trong thời đại số. Bằng hình thức thi trực tuyến với các câu hỏi phong phú, hấp dẫn, các tình huống cụ thể, dễ hấp thụ, dễ truyền đạt, phù hợp với lứa tuổi học sinh THCS, cuộc thi chính là một cách thức tuyên truyền kiến thức về an toàn thông tin, cách phòng chống các rủi ro một cách hiệu quả. “Qua hoạt động này, chúng tôi muốn khẳng định rằng, bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ, cạm bẫy trên Internet và kiến tạo cho các em một môi trường mạng an toàn, lành mạnh là trách nhiệm chung của tất cả chúng ta”, theo Chủ tịch VNISA
Theo đại diện Ban tổ chức, sau 3 tuần thi chính thức trên trang web thihsattt.vn, cuộc thi “Học sinh với an toàn thông tin” năm 2023 thu hút 740.250 học sinh của 5.417 trường trung học cơ sở (THCS) trên cả nước. Kết quả top 100 thí sinh xét trên điểm số và thời gian thi được phân bố ở 41/63 địa phương. TP Hồ Chí Minh là địa phương có nhiều học sinh tham gia nhất. Được biết, trong năm đầu tiên cuộc thi được tổ chức cũng đã thu hút số lượng lớn thí sinh tham gia với 592.810 em học sinh của 5.783 trường thuộc 63 tỉnh/thành phố.
Tại lễ tổng kết, Ban Tổ chức đã trao 3 giải Nhất cá nhân cho các học sinh: Nguyễn Trần Lê Na, lớp 8.3 trường THCS Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình; Phạm Anh Tú, lớp 6A trường THCS xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn; Nguyễn Nhật Phú, lớp 6A, trường THCS Quảng Hợp, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Bên cạnh đó, Ban tổ chức đã trao 8 giải Nhì, 15 giải Ba, 74 giải Khuyến khích cho học sinh và 11 giải tập thể cho các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường. Trong đó, các giải Nhất tập thể đã được trao cho 3 Sở Giáo dục và Đào tạo của 3 địa phương có tỷ lệ học sinh tham gia đông nhất gồm Bắc Giang, Bắc Kạn, Hậu Giang.
Trong khuôn khổ sự kiện còn có một nội dung quan trọng là phiên Tọa đàm với chủ đề “Bảo vệ dữ liệu trẻ em và phòng chống thông tin độc hại trên không gian mạng: Từ chính sách, nhận thức đến công nghệ”. Với sự chủ trì của lãnh đạo VNISA và tham dự của đại diện các đơn vị: Cục Trẻ em, Cục An toàn thông tin, Childfund, WoldVision, Cốc Cốc, CMC Telecom, SCS… Các vấn đề được đàm luận nhằm phản ánh thực trạng vấn đề bảo vệ dữ liệu trẻ em và phòng chống thông tin độc hại trên không gian mạng tại Việt Nam; vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà trường, phụ huynh; đề xuất, kiến nghị về các giải pháp trong thời gian tới.
Cũng tại lễ tổng kết, các cơ quan, đơn vị tham gia tổ chức cuộc thi “Học sinh với An toàn thông tin” đã cùng cam kết chung tay có những hành động thiết thực, hiệu quả để kiến tạo một môi trường an toàn cho trẻ em trên không gian mạng. Theo cam kết, 3 nội dung chính sẽ được các đơn vị tập trung thời gian tới gồm tham gia hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý của Việt Nam về bảo vệ trẻ em trên mạng; hợp tác, huy động sự tham gia của xã hội; tuyên truyền, thúc đẩy nâng cao nhận thức kỹ năng bảo đảm an toàn trên mạng.
Đăng Doanh