An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Nam Định: Phụ nữ giúp nhau giảm nghèo bền vững
03:42 PM 30/01/2020
Ở xóm 4, xã Hoàng Nam (huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định), người dân ai cũng biết trang trại nuôi gà công nghiệp của gia đình chị Nguyễn Thị The. Từ chỗ chăn nuôi với quy mô nhỏ vài trăm con, đến nay, chị đã phát triển thành khu trang trại với tổng diện tích 2 mẫu, trung bình mỗi năm nuôi 2 vạn con gà thịt.

Để phát triển sản xuất, chị đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng mở rộng nhà xưởng, trang bị hệ thống làm mát vào mùa hè, sưởi ấm vào mùa đông. Chị The cho biết, để gà phát triển tốt, khỏe mạnh, nguồn thức ăn, nước uống và môi trường sống phải đảm bảo sạch sẽ, lưu thông không khí. Ngoài việc thường xuyên rửa máng ăn, cốc nước uống, vệ sinh chuồng trại, chị còn phải rắc men khử mùi trong trấu làm chất đệm lót; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới trong chăn nuôi; học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình trang trại khác. Trung bình mỗi năm, gia đình chị nuôi 6 lứa gà, xuất bán ra thị trường 360 tấn gà thịt đi các tỉnh, thành phố: Thái Bình, Ninh Bình, Hải Phòng, Hà Nội. Ngoài ra, chị The còn nuôi 3 lứa cá/năm, trồng cây cảnh, cây ăn quả, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, cung cấp giống, bao tiêu sản phẩm, giúp nhiều hộ gia đình phát triển chăn nuôi. Thu nhập mỗi năm từ mô hình trang trại của gia đình chị đạt 600-700 triệu đồng, đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động nữ với mức lương 5-6 triệu đồng/người/tháng.

Cơ sở trồng nấm của gia đình chị Trần Thị Nghi xóm Phố, thôn Sa Thượng, xã Hoàng Nam (Nghĩa Hưng) tạo nhiều việc làm cho hội viên phụ nữ

Còn tại xóm Phố, thôn Sa Thượng, chị Trần Thị Nghi cũng là tấm gương vượt khó vươn lên phát triển kinh tế, tạo việc làm cho nhiều phụ nữ địa phương. Chồng mất do căn bệnh hiểm nghèo, một mình chị phải xoay xở, bươn chải đủ nghề để nuôi 3 con ăn học. Từ năm 2016, trên khu đất đấu thầu của xã, chị xây dựng lán trại, nhà xưởng, mua giống nấm từ Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam, bắt tay vào trồng các loại nấm như: linh chi, mộc nhĩ, sò, mỡ, hoàng đế, kim phúc. Chị Nghi chia sẻ: Công việc trồng nấm vất vả như nuôi con mọn, phải luôn chân, luôn tay đảo ủ mùn, đóng bịch nguyên liệu, sấy bịch qua lò hơi để tiệt trùng, chăm sóc, thu hái sản phẩm…

Được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, chị đã đầu tư mua máy đập bịch, máy sấy, máy băm rơm và hệ thống giàn tưới nước tự động để phục vụ cho việc trồng nấm. Cùng với nguồn nguyên liệu rơm rạ sẵn có, chị còn mua thêm mùn cưa từ Hòa Bình, Quảng Bình, pha trộn đảo ủ thêm cám gạo, cám ngô, bột đậu, tăng cường bổ sung chất dinh dưỡng cho cây nấm phát triển. Nhờ đó, các loại nấm nhà chị trồng đạt độ giòn ngọt, có chất lượng thơm ngon hơn hẳn, được thị trường trong tỉnh và nhiều tỉnh, thành phố như Hà Nội, Sơn La, Điện Biên, Quảng Ninh… đặc biệt ưa chuộng. Trung bình mỗi năm, trừ chi phí, gia đình chị có thu nhập khoảng 150 triệu đồng. Cơ sở trồng nấm của chị còn tạo việc làm thường xuyên cho 8-10 phụ nữ trung tuổi, cao tuổi với mức lương 3-4 triệu đồng/người/tháng. Ngoài trồng nấm, năm 2020, chị Nghi cùng với đồng chí Chi hội trưởng Phụ nữ của xóm đang có kế hoạch đi học thêm nghề đan cói ở xã Nghĩa Thắng để mở mang ngành nghề, phát triển kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm cho phụ nữ địa phương lúc nông nhàn.

Thời gian qua, Hội Phụ nữ xã Hoàng Nam đã triển khai có hiệu quả các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên tích cực tham gia vào các chương trình phát triển kinh tế của xã, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hàng năm, Hội Phụ nữ xã còn rà soát số hội viên phụ nữ nghèo làm chủ hộ để có kế hoạch giúp đỡ. Hội đã đẩy mạnh chương trình phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tín chấp ủy thác cho 490 thành viên vay vốn với số tiền 16 tỷ 389 triệu đồng.

Nguồn vốn Quỹ TYM 1 tỷ 335 triệu đồng cho 62 thành viên vay; tỷ lệ huy động tiết kiệm từ các thành viên trên 166 triệu đồng. Các nguồn vốn đều được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích, tạo việc làm, ổn định đời sống cho hội viên. Bên cạnh đó, Hội đã phát động và triển khai sâu rộng các phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, “Phụ nữ thực hành tiết kiệm” với các hình thức tiết kiệm như: Tiết kiệm tại các chi hội bình quân 150 nghìn đồng/người/năm; trung bình mỗi năm cho 1-2 hội viên vay phát triển kinh tế; đến nay tổng nguồn vốn tiết kiệm gần 231 triệu đồng. Tiết kiệm mỗi hội viên 10 nghìn đồng/năm để hỗ trợ phụ nữ nghèo dịp lễ, tết. Thành lập 19 mô hình “Nhóm phụ nữ tiết kiệm mua thẻ BHYT” cho hội viên… Từ các hoạt động hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, giúp nhau giảm nghèo bền vững, Hoàng Nam ngày càng có thêm những mô hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.

Nhờ đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, chăm lo quyền lợi thiết thực của hội viên, Hội Phụ nữ xã Hoàng Nam đã trở thành chỗ dựa vững chắc của phụ nữ trong phát triển kinh tế trên cơ sở phát huy nội lực, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái trong các tầng lớp phụ nữ, qua đó góp phần nâng cao đời sống của hội viên, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của địa phương./.

  Lam Hồng

TAG:
Tin khác
Hoa quả Phương Toản tặng bánh chưng cho khách hàng dịp Tết Nguyên đán 2025
Ninh Thuận: Đa dạng các hoạt động chăm lo Tết cho người nghèo
Chiếc Jaecoo J7 PHEV Nguyễn Xuân Son được tặng có gì đặc biệt?
TP.HCM: Lập Đoàn 35 thăm tặng quà các đơn vị, cá nhân dịp Tết Ất Tỵ năm 2025
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
Bác sĩ tí hon cao 90cm được vợ cõng đi chữa bệnh cho hơn 2.000 người
Yêu cầu các địa phương báo cáo về nhu cầu và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 15/1
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025