Trẻ em
Trang chủ / Xã hội / Trẻ em
Nam Định phòng, chống xâm hại trẻ em
06:55 AM 01/05/2023
(LĐXH)- Nhiều năm qua, tỉnh Nam Định đã thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, trong đó có công tác phòng, chống xâm hại trẻ em.
Theo cáo cáo cuối tháng 4/2023 của UBND tỉnh Nam Định về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, trong 2 năm (2021 – 2022), tổng số trẻ em bị xâm hại trên địa bàn tỉnh là 53 em; bao gồm: cố ý gây thương tích 12 em, xâm hại tình dục trẻ em 36 em, mua bán người dưới 16 tuổi 5 em.
Qua đánh giá, trong 2 năm gần đây, do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch, các cơ sở giáo dục tổ chức dạy học trực tuyến, trẻ em có nhiều thời gian tiếp cận và sử dụng Internet, thiếu sự quan tâm, giám sát của gia đình; trẻ em chưa được trang bị kiến thức cơ bản để tự phòng ngừa các thông tin, hình ảnh xấu, độc hại trên môi trường mạng, nguy cơ cao tiếp cận với các hình ảnh bạo lực, phản cảm. Thời điểm hết giãn cách xã hội, hoạt động xã hội trở lại bình thường là thời điểm tình hình phạm pháp hình sự gia tăng, trong đó có tội phạm xâm hại trẻ em. Đối tượng xâm hại trẻ em là nam giới, chiếm 98,5% (65/66 đối tượng) và đa dạng về lứa tuổi, thành phần xã hội, có quen biết với bị hại, quan hệ yêu đương, hàng xóm; cá biệt có vụ do đối tượng là đảng viên, người có trình độ học vấn, có địa vị trong xã hội thực hiện.
Công tác phòng, chống xâm hại trẻ em ở Nam Định đạt được nhiều kết quả tích cực (ảnh minh họa - Báo Nam Định)
Tội phạm xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh chủ yếu là xâm hại tình dục trẻ em, chiếm 59,01% trên tổng số vụ xâm hại trẻ em (36/61 vụ). Nạn nhân trong các các vụ xâm hại tình dục trẻ em chủ yếu là em gái do thiếu sự quản lý, quan tâm, giáo dục từ gia đình; nhận thức, hiểu biết của các em còn hạn chế; một số trường hợp phát triển sớm thể chất và giới tính. Thủ đoạn của tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, đa phần là các đối tượng thông qua mạng xã hội và các mối quan hệ để kết bạn làm quen, yêu đương nhằm thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Các vụ gây thương tích, giết trẻ em nguyên nhân chủ yếu do mâu thuẫn bộc phát.
Để ngăn ngừa, phòng, chống nạn xâm hại trẻ, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện nội dung bảo vệ, chăm sóc trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em một cách kịp thời và mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng.
Trong đó, UBND tỉnh giao Sở Lao động – TBXH Nam Định chủ động phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức các chiến dịch truyền thông hướng đến các đối tượng là trẻ em và người chăm sóc trẻ em. Tổ chức đa dạng hóa truyền thông xã hội nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ, hình thành những hành vi tích cực của cộng đồng trong bảo vệ trẻ em
Tăng cường tổ chức đối thoại, diễn đàn, tập huấn về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em để phát huy quyền tham gia của trẻ em trong phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Cung cấp thông tin và dịch vụ về Tổng đài điện thoại bảo vệ trẻ em 111, đường dây tư vấn...; khuyến khích mọi người dân kết nối và cung cấp thông tin trong các trường hợp cần thiết.
Bên cạnh đó, triển khai hiệu quả các chương trình tư vấn, giáo dục cho cha mẹ các kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục, cải thiện giao tiếp giữa cha mẹ, người chăm sóc trẻ em với trẻ em; giúp trẻ em phát triển các hành vi xã hội; cảm xúc lành mạnh. Triển khai chương trình, kỹ năng nuôi dạy con tích cực phù hợp với lứa tuổi, bao gồm: các chương trình kỹ năng làm cha mẹ nói chung cho tất cả gia đình; các chương trình kỹ năng làm cha mẹ hướng tới gia đình có trẻ em được xác định là có nguy cơ bị bạo lực, xâm hại.
Sở Lao động – TBXH chủ động nghiên cứu, xây dựng, xuất bản các chương trình, sản phẩm, tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, môi trường mạng và giáo dục về quyền, bổn phận trẻ em, bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em. Tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao năng lực, nhận thức và trách nhiệm về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; triển khai các giải pháp kỹ thuật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, ngăn chặn các trang Web, các chương trình, quảng cáo, trò chơi... có tính chất bạo lực, khiêu dâm...
Cùng với đó, phối hợp với các đơn vị chức năng đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động về báo chí, xuất bản, kiểm duyệt thông tin trên Internet và các điểm kinh doanh dịch vụ mạng xã hội, Internet cho trẻ em nhằm hạn chế tình trạng xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Tăng cường các hoạt động kiểm tra các địa điểm, hoạt động kinh doanh nhạy cảm như nhà hàng, quán karaoke, nhà nghỉ, khách sạn... nhằm phát hiện, phòng ngừa và ngăn chặn các hành vi xâm hại trẻ em.
Kết quả, toàn tỉnh tiếp nhận, xác minh, giải quyết 61 tin báo, tố giác tội phạm liên quan đến tội phạm xâm hại trẻ em; đã điều tra, khám phá 61 vụ xâm hại trẻ em, khởi tố 59 vụ, 64 bị can; xử lý hành chính 01 vụ, 01 đối tượng; không khởi tố 01 vụ, 01 đối tượng vụ giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (lý do đối tượng chưa đủ tuổi khởi tố).
Những khó khăn, tồn tại trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em ở Nam Định do tội phạm xâm hại trẻ em nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ yêu đương, thiếu sự quản lý, giáo dục của gia đình, tự nguyện quan hệ trái pháp luật gây rất nhiều khó khăn cho công tác phòng ngừa tội phạm này. Ngoài ra, tội phạm xâm hại trẻ em không bộc lộ biểu hiện chuẩn bị phạm tội, khó phát hiện, áp dụng biện pháp nghiệp vụ để chủ động phòng ngừa.
Do tâm lý tố giác hành vi xâm hại ảnh hưởng đến tương lai của trẻ em gái; một số vụ việc xảy ra lâu, bị hại và gia đình mới có đơn tố cáo, gây khó khăn cho công tác giám định, thu thập tài liệu chứng minh tội phạm. Tội phạm “giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi” giữa đối tượng và nạn nhân đều tự nguyện, nên che giấu hành vi phạm tội của đối tượng; khi phát hiện vụ việc, nạn nhân, người nhà nạn nhân không hợp tác gây nhiều khó khăn trong công tác xác minh, điều tra, xử lý vụ việc…
Thời gian tới, để chủ động phòng, chống xâm hại trẻ em, Nam Định rất cần sự chung tay hơn nữa của các cấp, các ngành, sự đồng hành của các bậc phụ huynh và toàn xã hội nhằm giảm thiểu tối đa tình trạng xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh.

Chí Tâm

TAG:
Tin khác
Phòng chống bạo lực thể chất, tinh thần, phân biệt đối xử với trẻ em và trẻ em khuyết tật
Vĩnh Long: Tạo sinh kế bền vững cho người nghèo
Nam Định quan tâm tu bổ các công trình ghi công liệt sĩ
Vay vốn tín dụng chính sách để phát triển nghề đồ gỗ mỹ nghệ
Tăng cường tuyên truyền, nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm mua bán người
Thành đoàn Hải Phòng với các hoạt động Đền ơn đáp nghĩa
Về nơi khởi nguồn Ngày Thương binh – Liệt sĩ
Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ thành phố Hải Phòng: Triển khai nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”
Xã Nam Thanh (Nam Trực): Quan tâm chăm lo cho người có công